(vhds.baothanhhoa.vn) - Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra với cách thức, mức độ khác nhau tại nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn Thanh Hóa đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Chỉ thị 19/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh vừa được ban hành vì thế đã mang theo kỳ vọng rất lớn.

Trách nhiệm bảo tồn

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra với cách thức, mức độ khác nhau tại nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn Thanh Hóa đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Chỉ thị 19/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh vừa được ban hành vì thế đã mang theo kỳ vọng rất lớn.

Trách nhiệm bảo tồn

(Ảnh minh họa)

Tuy không phải là chuyện mới, nhưng thời gian gần đây tình trạng di tích - danh thắng bị xâm hại diễn ra phổ biến hơn. Có lẽ, do ảnh hưởng của dịch, bệnh khiến các di tích phải đóng cửa, nên việc tu bổ, tôn tạo được nhiều ban quản lý thực hiện, như để chờ phục vụ người dân sau khi dịch, bệnh được kiểm soát. Nhưng việc tu bổ, tôn tạo ấy lại chẳng mấy nơi làm theo quy định.

Mới đây, việc tu bổ, phục hồi di tích cấp tỉnh chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (Nga Sơn) đã bị cơ quan chức năng phát hiện có nhiều hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dù Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Nga Sơn đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu dừng thi công, nhưng các hạng mục sai phạm vẫn ngang nhiên hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Cùng ở huyện Nga Sơn, hồ Đồng Vụa, xã Nga An (thuộc cụm di tích - danh lam thắng cảnh chùa Tiên - hồ Đồng Vụa - phủ Thông, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng năm 2002) cũng bị xâm hại nghiêm trọng bởi hàng loạt công trình xây dựng sai phép diễn ra trong suốt thời gian dài. Đáng nói, UBND xã đã cho hộ dân thuê đất trong khu vực bảo vệ của di tích để làm trang trại, là một phần căn nguyên.

Vào đầu tháng 8-2021, sau kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại chỉ ra thêm hàng loạt sai phạm liên quan đến việc tu bổ, phục hồi tại các danh thắng, như: Chùa Thanh Hà, chùa Đại Bi, chùa Đông Tác (TP Thanh Hóa), chùa Tam Giáo, chùa Liên Hoa (Hậu Lộc), chùa Linh Ứng (Vĩnh Lộc)...

Trong các sai phạm có cả việc tu bổ, phục hồi di tích không phù hợp với kiến trúc truyền thống; việc tu bổ, phục hồi chưa được ngành chức năng chấp thuận. Ở nhiều di tích, người ta còn nghiễm nhiên đưa các linh vật ngoại lai và đồ thờ lạ, có yếu tố nước ngoài, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa vào khu vực thờ tự...

Thế mới nói, thay vì làm nổi bật các giá trị của di tích, việc tu bổ, tôn tạo một cách tự phát, thiếu hiểu biết, bất tuân luật pháp đã lấy đi giá trị truyền thống vốn là tinh hoa của di sản.

Trong khi việc xử lý các sai phạm như thế này có lúc, có nơi vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thiếu kiên quyết, làm nửa chừng nửa vời. Đứng trước công trình tín ngưỡng - tâm linh, nhiều địa phương dường như khá thận trọng trong việc xử lý trong khi vi phạm đã được chỉ rõ. Với nhiều công trình, hạng mục đã xây lên, nếu có yêu cầu hay cưỡng chế tháo dỡ thì kiến trúc, cấu kiện, tính nguyên gốc của di tích cũng chẳng còn. Vì những lẽ ấy nhiều sai phạm cứ thế ở lại, còn di tích thì... ra đi.

Chính sự thiếu hiểu biết về lịch sử và chiều sâu văn hóa; sự nhiệt tình, tha thiết được nâng cấp di tích, cộng thêm việc thiếu kiểm tra, giám sát của nhà quản lý ở nhiều nơi vô hình chung đã khiến việc tôn tạo không phải gìn giữ mà đã phá hoại di sản. Và dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, việc di tích bị xâm hại không khác chuyện “xâm lấn” văn hóa, sẽ gây ra nhiều hệ lụy nhức nhối.

Trong Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để chấn chỉnh thực trạng di tích - danh thắng bị xâm hại. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 20-12 hàng năm.

Không thể phủ nhận, trong thời gian qua công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người xứ Thanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ thị 19/CT-UBND ra đời vì thế mang theo nhiều kỳ vọng mạnh mẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di tích - danh thắng cho mai sau.

Tuy việc thực hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần thời gian để khẳng định hiệu quả, nhưng trước hết Chỉ thị đã thêm một lần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của ông cha.

Đỗ Đức


Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]