(vhds.baothanhhoa.vn) - Con gái hàng xóm nhà tôi gần như đã chắc chắn đỗ vào ngành học mà nó yêu thích, vì điểm thi tốt nghiệp THPT của nó cao hơn điểm chuẩn tuyển sinh năm trước tới gần 2 điểm. Nhiều gia đình trong khu phố mừng cho bố con nó, vậy là bõ bao công đèn sách, bố đồng hành cùng con đi học.

Trao yêu thương sẽ nhận về yêu thương

Con gái hàng xóm nhà tôi gần như đã chắc chắn đỗ vào ngành học mà nó yêu thích, vì điểm thi tốt nghiệp THPT của nó cao hơn điểm chuẩn tuyển sinh năm trước tới gần 2 điểm. Nhiều gia đình trong khu phố mừng cho bố con nó, vậy là bõ bao công đèn sách, bố đồng hành cùng con đi học.

Trao yêu thương sẽ nhận về yêu thương

Ảnh minh họa.

Có lẽ ít ông bố nào mà tôi biết lại sát cánh cùng con đến thế, gần như buổi học thêm nào của con, anh cũng đưa đón. Anh thường dắt xe ra khỏi nhà trước giờ tan học tới vài chục phút để phòng nếu có bất trắc xảy ra, thì con gái anh vẫn có thể về nhà đúng giờ. Một ông bố điểm 10 của khu phố.

Tôi nhớ hôm con anh có kết quả thi tốt nghiệp, anh mời chúng tôi một ấm chè đặc và phong kẹo lạc với nét mặt phấn khích. Con thứ hai chuẩn bị vào đại học mà tâm trạng người bố ấy vẫn như ngày đầu khi con trai anh được vào thẳng đại học cách đây mấy năm. Trong câu chuyện đầy hoan hỉ, anh mấy lần nhắc đến hành trình chinh phục con chữ của cô con gái và công lao của những người thầy. Tuyệt nhiên anh không nói đến những ngày mưa, ngày rét anh đứng chờ đợi con gái học thêm vất vả thế nào. Anh cho biết sẽ mời những giáo viên dạy con anh dự tiệc liên hoan để cảm ơn. Một bác hàng xóm nói rằng anh cân nhắc, vì việc cảm ơn giáo viên bằng hình thức liên hoan bây giờ không còn phù hợp nữa. Con cái đi học bố mẹ đã trả học phí, thậm chí một số giáo viên dạy thêm còn thu mức học phí rất cao rồi. Nhưng anh vẫn cho rằng một chút tấm lòng thể hiện sự biết ơn những người chèo đò là việc nên làm.

Một nhà nghiên cứu giáo dục từng nói rằng, trẻ con lớn lên bằng cách chúng nhìn vào người lớn. Qua hành động tử tế này, tin rằng con anh sẽ hiểu thêm về việc cho đi và nhận lại thông qua lòng biết ơn và sống có trách nhiệm của anh. Việc làm của anh giá trị hơn nhiều bữa liên hoan và món quà mà anh trưng cầu ý kiến chúng tôi là nên tặng gì. Quan điểm của anh là không tặng phong bì giống một số người.

Tôi đồng ý với anh và cũng đồng ý với chính mình. Con trai tôi đã học đại học năm cuối, mỗi năm trước ngày 20-11 tôi đều liên lạc với con xem có về được không để cùng đi thăm thầy, cô giáo cũ. Chúng tôi không thể đi hết được tất cả giáo viên đã dạy con trai từ tiểu học, nhưng có những giáo viên giúp con tôi có thành tích, động lực và cảm hứng học tập, khát vọng vươn lên ở những bậc học, chúng tôi đều bố trí thời gian để đến. Có những năm con trai không về được, vợ chồng tôi làm thay cháu. Nhiều người biết chuyện ấy nói rằng chúng tôi vẽ việc. Thật sự là tôi không để ý và bị chi phối bởi điều đó. Trao đi là để nhận về, chúng tôi mong rằng những đứa con của mình nhìn vào bố mẹ, để hình thành cách ứng xử sau này. Xin đừng cho rằng giáo viên dạy học đã có thù lao, học sinh đi học đã phải trả học phí rồi, thì không cần gì nữa. Có cực đoan quá không khi chúng ta quy chiếu sự cao quý của nghề dạy học vào cơ chế thị trường? Tôi tin nghề nào cũng vậy, ai cũng cần một lời cảm ơn sau những việc tốt mình đã làm. Hàng xóm nhà tôi đang làm việc rất đáng làm, là trao yêu thương để nhận về yêu thương. Những đứa con anh và nhiều đứa trẻ khác sẽ nhìn vào việc làm đẹp của bố mẹ chúng để hiểu thêm lẽ sống ở đời.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]