Cây cải Mông nơi rẻo cao
Những cây rau cải bản địa (hay còn gọi rau cải Mông) được trồng trên đồi, núi cao, nương, rẫy ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... không chỉ phục vụ đời sống mà đại diện cho văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán canh tác độc đáo của đồng bào dân tộc Mông từ bao đời nay.
Rau cải của đồng bào Mông được trồng vào mùa đông.
Xanh mướt rau cải ngày đông
Vượt qua những con đường dốc ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (huyện Mường Lát), chúng tôi mới đến được khu vườn của gia đình chị Chá Thị Chía với các loại cây đào, mận được trồng xen kẽ và xanh mướt những vạt cải ở lưng chừng đồi dốc. Những cây rau cải trong tiết trời se lạnh lấp lánh trong ánh sương mai như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của loại rau đặc trưng nơi vùng biên.
Anh Hơ Văn Dính, công chức văn hóa xã hội, UBND xã Pù Nhi đi cùng chúng tôi đến thăm vườn đồi của gia đình chị Chá Thị Chía. Khi nói về các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, anh Hơ Văn Dính nhắc đến gà đen, cây đào, cây mận và tự hào khi đồng bào Mông còn gìn giữ được giống cải Mông bản địa. Theo anh Dính, rau cải của đồng bào Mông có 2 loại, một loại cải thân to, chiều cao có thể phát triển đến 60 - 70cm và một loại cải thân bé, cây ngắn và thường ra hoa, ngồng sớm hơn. Cây rau cải của đồng bào Mông có vị đặc trưng ngọt và pha lẫn vị đắng nhẹ, khi đem luộc, nấu rau cải mềm; còn khi được xào lên thì khá giòn, ăn rất ngon.
Loại rau cải Mông thân to, khi ăn vị ngọt, đắng nhẹ đặc trưng được bán dọc Quốc lộ 15C, xã Nhi Sơn (Mường Lát).
Xã Pù Nhi có 11 bản, trong đó 7 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hầu hết bà con đồng bào Mông đều gieo trồng loại rau cải bản địa để phục vụ đời sống. Cây cải được trồng và bắt đầu cho sử dụng từ độ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Bà con canh tác bằng phương thức gieo hạt tự nhiên trên các sườn đồi, khe suối, mảnh vườn. Thời tiết càng lạnh giá, sương mù thì rau cải Mông càng sinh trưởng, phát triển và ăn ngon hơn.
Khi đặc sản trở thành hàng hóa
Trước đây, bà con đồng bào Mông trồng rau cải chỉ để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Những năm gần đây, một số hộ dân đã trồng rau cải với mục đích chính tạo thành sản phẩm hàng hóa. Gia đình chị Chá Thị Chía ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi cũng là một trong những hộ trồng rau cải Mông trên triền đồi và được một số người dân đến tận vườn thu mua để đem bán. Là người buôn rau, chị Chá Thị Hơ, xã Nhi Sơn, cho biết: "Rau cải trồng trên núi cao, bà con canh tác tự nhiên nên có vị ngọt, ngon đặc trưng được nhiều người yêu thích và mua nhiều. Vào mùa rau cải, tôi đến tận vườn để hái và đem xuống chợ bán hoặc nhập cho các hàng quán tại Pù Nhi, Nhi Sơn”.
Đồng bào dân tộc Mông thường trồng rau cải trên các triền đồi, núi cao.
Nhận thấy loại rau đặc trưng của đồng bào Mông, Thiếu tá Hơ Văn Xá, Đội Trưởng Đội vũ trang, Đồn Biên phòng Pù Nhi, đã tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Mông làm vườn rau và đưa ra các chợ trên địa bàn để tiêu thụ. Năm 2024, Thiếu tá Hơ Văn Xá tuyên truyền, vận động 6 hộ dân làm mô hình vườn rau và đem bán tại chợ Nhi Sơn vào dịp tết. Vừa qua, trong chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tổ chức tại Đồn Biên phòng Pù Nhi, tại gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát, những bó cải của đồng bào dân tộc Mông đã được giới thiệu đến Nhân dân và các đại biểu gần xa.
Dọc Quốc lộ 15C qua địa bàn xã Nhi Sơn (Mường Lát), một số bà con bản Khằm Nàng, cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào) đã trồng nhiều cây cải Mông để đem bán đổi lấy các nhu yếu phẩm. Nàng Bao (28 tuổi) cùng một số bà con bản Khằm Nàng đang bán các loại rau cải Mông, măng rừng, củ khoai... cho bà con người Việt.
Bà con bản Khằm Nàng đem rau cải bán dọc Quốc lộ 15C đoạn qua xã Nhi Sơn (Mường Lát).
Trong chuyến công tác lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo và bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, chúng tôi được giới thiệu loại rau cải đặc sản của đồng bào Mông. Những cây rau cải Mông lá xanh đậm, thân to dài khoảng 60cm được bà con trồng trong rừng sâu, đồi cao. Do đường sá đi lại khó khăn, rau cải mới chỉ được bà con trồng để sử dụng. Hy vọng trong tương lai gần, khi đường sá đi lại thuận lợi, bà con đồng bào Mông các bản Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi sẽ trồng và đem rau cải bán tại các chợ, nhất là Chợ cửa khẩu quốc tế Na Mèo hoặc xa hơn là giới thiệu và được các thương lái thu mua để đem bán tại các huyện, thị đồng bằng của tỉnh.
Trong tiết trời se lạnh, bên mâm cơm gia đình được thưởng thức bát canh rau cải nóng hổi hoặc đĩa rau cải xào xanh mướt, ngọt tự nhiên..., mùa đông dường như ấm áp hơn nhiều.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2025-01-09 08:43:00
Các nhà khoa học chỉ ra lý do cần uống hơn 4 ly cà phê mỗi ngày
-
2025-01-08 14:41:00
Những làng nghề nướng cá Nghệ An sôi động dịp Tết
-
2025-01-03 09:03:00
Độc đáo món trứng hầm trà xì dầu tại thành phố Cao Hùng
Phở bò vào Top 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024
Lươn trở thành “Món ăn của năm 2024” tại Nhật Bản
Khai trương Phố rượu vang, trà, càphê và đặc sản Đà Lạt-Lâm Đồng
Việt Nam có 3 đại diện trong top 100 thành phố ẩm thực tốt nhất thế giới
Hương bánh gai - Vị quê nhà
Yum Cha - Nét ẩm thực độc đáo của người cao tuổi Hong Kong (Trung Quốc)
Bắp cải ngon và giàu dinh dưỡng nhưng một số người không nên ăn