(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Giai đoạn từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn Thanh Hóa có 4.097 công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó có 122 công trình bị hư hỏng, xuống cấp (chiếm tỷ lệ 3,0%). Đáng chú ý trong số 122 công trình này thì có tới hơn một nửa là công trình dân dụng có hiện tượng bong tróc lớp gạch lát nền. Nhiều công trình đưa vào sử dụng 4-5 năm nay nhưng vẫn đang tiếp tục khắc phục hậu quả hư hỏng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chất lượng công trình xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước (Kỳ I): Nỗi buồn mang tên gạch lát nền

(VH&ĐS) Giai đoạn từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn Thanh Hóa có 4.097 công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó có 122 công trình bị hư hỏng, xuống cấp (chiếm tỷ lệ 3,0%). Đáng chú ý trong số 122 công trình này thì có tới hơn một nửa là công trình dân dụng có hiện tượng bong tróc lớp gạch lát nền. Nhiều công trình đưa vào sử dụng 4-5 năm nay nhưng vẫn đang tiếp tục khắc phục hậu quả hư hỏng...

Năm 2011, dãy nhà 2 tầng 6 phòng học của Trường Mầm non Quảng Ninh thuộc xã Quảng Ninh (Quảng Xương) được đưa vào sử dụng. Nhưng chỉ một năm sau, năm 2012, một số phòng học ở trường này đã bị bong tróc, lún phần gạch lát nền. Để khắc phục tình trạng này, cán bộ, giáo viên nhà trường đã phải huy động nguồn xã hội hóa từ đóng góp của phụ huynh học sinh để sửa chữa, cải tạo. Những tưởng, hiện tượng chỉ dừng ở năm 2012, nhưng năm 2013 và cho đến tận năm 2016 này, nhà trường vẫn đang phải khắc phục sự cố. Mỗi năm 2 đợt sửa chữa phần gạch bị bong tróc, mỗi đợt thay từ 40m2 đến 60m2. 5 năm sử dụng, Trường Mầm non Quảng Ninh đã phải thay gần hết gạch cũ ở 6 phòng học này, giờ chỉ còn ở gầm cầu thang do chưa có kinh phí nên nhà trường chỉ bằng cách lấy búa đập nhẹ xuống cho gạch đỡ trồi lên.

Bà Vũ Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Có những hôm, chúng tôi gặp tình huống dở khóc, dở cười, trò ở trong lớp, cô ở ngoài lớp vì gạch bỗng dựng lên, không thể mở cửa được. Nhiều hôm giáo viên, học sinh như bị gạch “lùa” vì người đi trước, gạch lại “rào rào” phía sau... Chuyện thật như đùa nhưng đúng là mấy năm qua, chúng tôi đã rất khổ sở với hiện tượng này. Nhiều phụ huynh không tin hỏi chúng tôi, sao năm nào cũng phải đóng góp tiền để mua gạch...”

Chuyện cũng xảy ra tương tự ở dãy nhà 2 tầng 6 phòng ở Trường Mầm non Quảng Hòa, nhà học 3 tầng Trường THCS xã Quảng Tân (Quảng Xương)... Có thể nói Quảng Xương là huyện có nhiều nhất các công trình dân dụng có chất lượng xây dựng xấu, đặc biệt là các trường học.

Cùng với Quảng Xương thì nhiều huyện đồng bằng và miền núi cũng bị rơi vào tình trạng gạch phồng, gạch trồi, gạch nổ... Tại Trường THCS Minh Châu, một trong những trường khó khăn nhất của huyện Triệu Sơn khi mà hiện nay trường chỉ có đúng một bộ vi tính cho giáo viên, bàn ghế đã bị hư hỏng nặng mà vẫn chưa có điều kiện để thay, sửa chữa. Trong khi đó, dãy nhà 2 tầng 12 phòng của nhà trường được đưa vào sử dụng từ năm học 2011- 2012 thì từ đó cho đến nay, năm nào cũng phải thay gạch lát nền vì có hiện tượng bong, tróc.

Hiện tượng gạch bong, tróc tại Trường THCS Minh Châu (Triệu Sơn).

Bà Trịnh Thị Phương, hiệu trưởng Trường THCS Minh Châu ngậm ngùi: “Lớp học nào cũng như vẽ hoa vì cứ chỗ này phồng lên thì lại thay loại gạch màu khác vì không tìm được màu gạch cũ. Tính riêng năm 2016 này, nhà trường đã tốn gần 7 triệu đồng cho việc thay gạch. Giá như đừng có vướng vào sự cố này thì chúng tôi đã dùng cho việc mua sắm các trang thiết bị cho học sinh”. Không chỉ Trường THCS Minh Châu, các Trường THCS Dân Quyền, Trường Tiểu học Đồng Thắng, công sở Minh Dân, Trạm Y tế xã Tân Ninh... cũng bị gạch lát nền “biểu tình”. Còn tại huyện Thường Xuân, nhiều trường mầm non cũng không tránh khỏi sự cốliên quan đến gạch lát nền mà điển hình là các điểm lẻ ở Trường Mầm non Xuân Cẩm...

Đáng buồn, là trong số các công trình có gạch nền bong, tróc thì không ít các công sở, nhà văn hóa, trạm y tế xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng chịu chung số phận. Nhà văn hóa đa năng xã Quảng Thọ (thị xã Sầm Sơn) đưa vào sử dụng năm 2014 thì bước sang năm 2015, công trình này cũng đã phồng rộp gạch lát nền khiến cho xã lo lắng và đặt ra câu hỏi: không biết vì đâu mà xảy ra tình trạng trên?

122 công trình bị hư hỏng, xuống cấp thì có tới 68 công trình dân dụng rơi vào hiện tượng nền gạch lát bị bong tróc, lún sụt. Một con số không quá lớn nhưng rất đáng được quan tâm vì nó ảnh hưởng đến kinh tế, đến mỹ quan, an toàn và quan trọng hơn là sự nghi vấn về chất lượng công trình.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]