(vhds.baothanhhoa.vn) - Cho đến bây giờ khi lớn lên, xa quê và lập nghiệp ở thành phố, tôi vẫn còn nhớ như in những lần theo mẹ đi chợ vào những ngày giáp tết. Không khí chợ quê vào những ngày này nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng với đủ loại hoa, quả, bánh kẹo, lá dong, mật mía, bóng bay...

Chợ quê ngày giáp tết

Cho đến bây giờ khi lớn lên, xa quê và lập nghiệp ở thành phố, tôi vẫn còn nhớ như in những lần theo mẹ đi chợ vào những ngày giáp tết. Không khí chợ quê vào những ngày này nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng với đủ loại hoa, quả, bánh kẹo, lá dong, mật mía, bóng bay...

Chợ quê ngày giáp tếtVùng biển Ngư Lộc những ngày cuối năm rực rỡ sắc màu hoa.

Quê tôi ở xã Ngọc Trạo - một xã miền núi của huyện Thạch Thành. Cả xã chỉ có một chợ duy nhất là chợ Bia. Sở dĩ có tên gọi chợ Bia là bởi ở đây có Khu di tích chiến khu du kích Ngọc Trạo; nơi có tượng đài các anh hùng liệt sĩ. Bia chính là nơi ghi danh, lưu dấu thời kỳ lịch sử của quê hương trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Chợ Bia trước đây được họp trong khuôn viên khu di tích. Sau này xã quy hoạch chợ ở khu đất rộng, thoáng hơn và giữ nguyên tên chợ Bia.

Chợ quê ngày tết. Những đứa trẻ thích thú được mẹ mua cho chiếc bóng bay rồi phồng má thổi lên những chiếc bóng bay xinh. Chợ quê trong ký ức của tôi vẫn còn nguyên vẹn và cho đến ngày nay, chợ ngày tết ở quê tôi vẫn vậy. Nhộn nhịp và rưng rưng thương mến. Chợ 2 hoặc 3 ngày họp 1 lần. Vào những ngày giáp tết, từ độ 23/12 âm lịch trở đi, không khí bắt đầu nhộn nhịp. Phiên chợ cuối cùng họp vào ngày 29/12 âm lịch.

Chợ quê ngày giáp tếtChợ phiên xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành.

Khu chợ được chia thành các dãy hàng quán, khu bán rau, bán thịt, cá, quần áo, bánh kẹo... Những bó lá dong, cây dang (dùng chẻ lạt gói bánh chưng) cũng được người dân đem ra chợ bán. Những chiếc bánh chưng rán được chị bán hàng đều tay lật trở bên bếp lửa tí tách, xì xèo của mỡ. Mọi người quây quần ngồi quanh, thưởng thức miếng bánh rán nóng hổi. Những can mật mía sóng sánh màu nâu vàng, thơm lựng được người bán rót ra chiếc ca lớn. Người mua xuýt xoa nhìn những giọt mật thơm được người bán rót cẩn thận ra các can, các chai. Tết ở quê tôi không thể thiếu những chiếc xe chở những cây mía tím lịm, người mua sử dụng trong ngày tết làm cây “ông vải” để hai bên ban thờ gia tiên... Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy tết đang đến gần. Những năm gần đây, hàng hóa ở chợ cũng phong phú hơn, có đào, có quất, có nhiều loại hoa... để bà con dễ dàng lựa chọn. Chợ phiên ngày cuối năm, mọi người không chỉ đến mua bán, sắm sửa hàng hóa cho những ngày tết mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện về một năm cũ đã qua và phấn khởi chuẩn bị chào đón năm mới. Để rồi người thân, người quen, bạn bè gặp nhau... là lời chào, cái bắt tay rộn ràng và lời mời năm mới đến thăm, chúc tết gia đình nhau. Chợ quê ngày tết là ấm áp và thân tình thế đó.

Những ngày cuối năm, có dịp lên cửa khẩu quốc tế Na Mèo, ghé thăm chợ vùng biên Na Mèo, xã Na Mèo (Quan Sơn). Chợ Na Mèo gần khu vực cửa khẩu quốc tế Na Mèo nhộn nhịp người dân, du khách. Chợ Na Mèo họp vào thứ 7 hàng tuần, từ sáng sớm đến trưa. Vào những ngày cận tết, bà con ở các bản giáp biên của nước bạn Lào và các bản của xã Na Mèo về họp chợ. Những ngày cuối năm, chợ còn đón những đoàn khách về với cửa khẩu ghé thăm. Những cành đào rừng, đào Lào được bà con bán dọc khu vực chợ, ven Quốc lộ 217. Những cánh hoa đào phớt hồng, nụ căng mọng, xen lẫn những quả... Các mặt hàng đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Mông xã Na Mèo, của bà con của các bản giáp biên thuộc huyện Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào) cũng đem đến chợ. Nào là chuột rừng nướng, cá suối nướng, rêu suối, ớt, măng khô, măng tươi, cam Lào, nếp Lào...

Chợ quê ngày giáp tếtChợ Nhi Sơn, xã Nhi Sơn (Mường Lát) mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.

Còn ở chợ Nhi Sơn (xã Nhi Sơn, Mường Lát), vào những ngày diễn ra chợ phiên, bà con ở các bản Mông thuộc các xã Trung Lý, Nhi Sơn và các bản giáp biên của nước bạn Lào cũng về họp chợ. Những bộ trang phục của chị em phụ nữ Mông rực rỡ, những bát thắng cố nóng hổi kèm bát rượu thơm nồng... là nét văn hóa riêng ở phiên chợ của đồng bào Mông. Đồng bào Mông xuống chợ bán những sản phẩm đặc trưng của đồng bào như rau cải, măng rừng... và mua về dụng cụ lao động sản xuất, hàng hóa ở dưới miền xuôi đem lên bán.

Chợ Phố Đoàn (hay còn gọi Phố Đòn), xã Lũng Niêm, Bá Thước, những ngày giáp tết hàng hóa phong phú hơn với nhiều loại như quýt, cam từ Son Bá Mười (xã Lũng Cao) hoặc cam ở bên Hòa Bình đem xuống; thịt trâu gác bếp; vịt Cổ Lũng; váy áo trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Thái. Dọc hai bên đường vào chợ là những chậu đào, quất, những loại hoa cúc, hoa lay ơn, hoa ly... rực rỡ sắc màu.

Chợ quê ngày giáp tếtChợ vùng biên Na Mèo (Quan Sơn).

Nếu như chợ ở vùng miền núi mang đặc trưng về sắc màu của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Mường... thì chợ vùng biển lại mang nét đặc trưng nhất là “mùi vị”. Chợ biển Ngư Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc) những ngày cuối năm nhộn nhịp người dân vui sắm tôm, cá, mực... Dọc hai bên bờ đê là những chậu đào, chậu quất phục vụ người dân dịp tết.

Chợ quê những ngày giáp tết, nhộn nhịp, tràn ngập tiết xuân...

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]