(vhds.baothanhhoa.vn) - Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Ở đó, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, được cung cấp chỗ ở và tạo điều kiện tham gia các hoạt động, sinh hoạt đời thường của người dân. Những người trẻ làm du lịch cộng đồng, có thể bước đầu bối rối, lúng túng nhưng sau đó, họ đã sáng tạo, vượt và thành công...

Chúng tôi làm du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Ở đó, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, được cung cấp chỗ ở và tạo điều kiện tham gia các hoạt động, sinh hoạt đời thường của người dân. Những người trẻ làm du lịch cộng đồng, có thể bước đầu bối rối, lúng túng nhưng sau đó, họ đã sáng tạo, vượt và thành công...

Chúng tôi làm du lịch cộng đồngDu khách hòa mình vào nét văn hóa của người Thái tại khu du lịch cộng đồng bản Mạ.

Người trẻ làm du lịch cần nhất là kiến thức học từ sách vở và học hỏi từ thực tế, nắm bắt từ tổng thể cho đến từng chi tiết... Năng động, sáng tạo, thậm chí dám đương đầu với thử thách để những mong tìm được hướng đi đúng cho sự phát triển du lịch.

"Làm du lịch cộng đồng là sự lựa chọn đúng"

“Trước khi làm du lịch cộng đồng, gia đình tôi theo nghề nông. Lúc đó, cuộc sống cũng nhiều vất vả. Sau này, làm du lịch cộng đồng thấy hiệu quả, đôi khi suy nghĩ: Giá mà làm sớm hơn thì vui biết mấy”.

Đó là tâm sự của chị Hà Thị Tuyến, 30 tuổi, một trong những hộ làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở bản Mạ, thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân). 7 năm về trước, tức vào năm 2017, gia đình chị Tuyến đã bắt tay thực hiện mô hình này. Khi đó, gia đình chỉ có một gian nhà sàn với diện tích 120m2, đủ chỗ ăn, nghỉ cho khoảng 30 người. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, vào năm 2019, gia đình chị Tuyến đã đầu tư xây dựng thêm 8 nhà sàn, trong đó có 3 căn riêng, 3 căn cho khách nghỉ và 2 nhà sàn phục vụ được 300 khách. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Tuyến đón khoảng 8 nghìn lượt khách.

Chúng tôi làm du lịch cộng đồngBể bơi tại homestay Suối Đang.

Nhìn vào số tài sản khủng nói trên, đủ nhận thấy, mô hình du lịch cộng đồng đã tạo cú hích, thay đổi cuộc sống người dân như thế nào. Như chia sẻ của chị Tuyến: Từ ngày bắt tay với du lịch cộng đồng, bố mẹ không còn phải đi rừng vất vả, nhà không còn nuôi trâu, bò.

Tuy nhiên, có một điều hết sức đặc biệt, du khách biết đến mô hình du lịch cộng đồng của gia đình chị Tuyến lại bắt đầu từ những món ăn truyền thống của người dân tộc Thái như cơm lam, gà đồi... Từ mâm cơm do chính vợ chồng chị Tuyến vào bếp trổ tài, sau đó đăng lên mạng xã hội, bất ngờ đã nhận được “cơn mưa” lời khen... Sức hút từ những món ăn dân dã, truyền thống này cho thấy ẩm thực đóng vai trò quan trọng vào hiệu quả của mô hình. “Sau này, chúng tôi có thêm thịt trâu gác bếp, thịt lợn chua muối ống, những món ăn này đều do gia đình tôi làm, được khách rất ưa chuộng. Làm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều điều, như món ăn, đó là một trong những đối tượng giúp thỏa mãn nhu cầu khám phá của du khách. Nếu làm không tốt, khách khó có thể quay trở lại ”, chị Tuyến cho biết.

7 năm nhìn lại, từ chỗ không hiểu thế nào là du lịch cộng đồng, và ngay cả khi đã được tiếp cận, nắm bắt mô hình thì tiếp đó là câu chuyện vốn ít, kinh nghiệm không có nên khó định hình cái gì làm trước, cái gì làm sau. Đã từng loay hoay, bối rối nhưng vẫn nung nấu, không bỏ cuộc như chị Tuyến chia sẻ: “Có lẽ vì chúng tôi có sức trẻ nên rất kiên trì, và nhận ra một điều, làm du lịch cộng đồng là sự lựa chọn đúng”.

“Coi sự hài lòng của khách là mục tiêu để phát triển”

Ở bản Ngày, xã Lâm Phú (Lang Chánh), Phạm Thị Huyền là người làm du lịch cộng đồng đầu tiên của bản. Cách đây 4 năm, khi Huyền 35 tuổi, chị đã bắt tay thực hiện mô hình. Nói đến Huyền là nói đến homestay Suối Đang. Hiện homestay (lưu trú tại nhà dân) này có diện tích gần 3.000m2, gồm 4 nhà sàn (mỗi nhà có sức chứa 16 - 18 người), có 5 phòng nghỉ khép kín (mỗi phòng từ 4 - 6 người) và có 1 hội trường với sức chứa khoảng 150 người. Bên cạnh đó, homestay Suối Đang còn có hệ thống bể bơi, sân vườn, cầu tre qua suối, đường luồng, chòi nghỉ trên ruộng bậc thang...

Chúng tôi làm du lịch cộng đồngDu khách chụp hình lưu niệm bên Suối Đang.

Và hơn thế, homestay Suối Đang còn kết nối với không gian nhà văn hóa bản để tổ chức giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại... Đặc biệt, dịch vụ ẩm thực với các món ăn đặc sắc của núi rừng là các món cá: pá pỉnh tộp (cá nướng kiểu dân tộc Thái), cá suối chủm hoặc chiên, cá tầm, vịt cỏ... Trung bình 1 năm homestay Suối Đang đón khoảng trên 10 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Cao điểm nhất đón khoảng gần 800 lượt khách/ngày.

Chỉ cần “khoe” bấy nhiêu thôi, đủ để biết chủ của homestay Suối Đang Phạm Thị Huyền đã và đang thành công với du lịch cộng đồng như thế nào.

Quay trở lại với câu chuyện của thời gian, khi mà trước đó, Huyền chưa từng có suy nghĩ làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến chị có những suy nghĩ khác về vấn đề phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống hơn. Nơi chị sống, bản Ngày với cảnh quan đẹp, nhiều lợi thế phát triển du lịch, khi ở đây có suối, thác, ruộng bậc thang, có bản sắc văn hóa Thái với cồng chiêng, khua luống... Chị cho biết: “Tôi phải mất 2 năm để hiểu về du lịch cộng đồng và bây giờ tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm. Hành trang làm du lịch của tôi là sự chung tay góp sức của gia đình. Vốn ban đầu anh em trong gia đình góp cho tôi là 200 triệu đồng, còn lại đi vay ngân hàng, người thân, bạn bè”.

Khó khăn với Phạm Thị Huyền là điều không tránh khỏi khi bắt tay làm du lịch cộng đồng. Khó về kinh phí đầu tư hạn hẹp, không chủ động được nên việc hoàn thiện homestay phải kéo dài. Khó về kiến thức làm du lịch còn hạn chế, kinh nghiệm chưa có. Khó về con người khi nhận thức làm du lịch của người dân địa phương chưa cao, chưa biết cách tạo ra những sản phẩm phục vụ khách nên việc tìm nguồn thực phẩm khó khăn... Chị kể: “Khi huyện có chủ trương phát triển du lịch tại bản Ngày thì tôi và gia đình rất phấn chấn, tự tin để tiếp tục thực hiện làm homestay Suối Đang. Đi vào hoạt động, vị khách đầu tiên chính là dân bản, bạn bè, đồng nghiệp, họ đã dành lời cổ vũ, khen ngợi, góp ý để homestay điều chỉnh hoàn thiện hơn từng ngày”.

Người trẻ làm du lịch cần nhất là kiến thức học từ sách vở và học hỏi từ thực tế, nắm bắt từ tổng thể cho đến từng chi tiết, năng động, sáng tạo, coi sự hài lòng của khách là mục tiêu để cố gắng. Đối với Phạm Thị Huyền, thì: “Với tôi, trên hết đó chính là tình yêu quê hương, niềm tự hào bản sắc dân tộc, không để lãng phí tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần cùng huyện nhà phát triển du lịch. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]