(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), với tôi, ấn tượng nhất có thể bắt đầu từ con đê chắn sóng. Bởi ngoài làm nhiệm vụ chính, giảm cường độ tác động của sóng trong vùng nước ven bờ thì con đê ấy còn gắn với hình ảnh của các bà, các chị cùng công việc bóc tôm, bóc ghẹ, phơi mực, phơi moi... Hình ảnh ấy, vẫn biết chẳng riêng gì Ngư Lộc mới có. Nhưng ở Ngư Lộc, thì lại có gì đó thật đặc biệt.

Chuyện của những phụ nữ vùng biển: Về Ngư Lộc

Vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), với tôi, ấn tượng nhất có thể bắt đầu từ con đê chắn sóng. Bởi ngoài làm nhiệm vụ chính, giảm cường độ tác động của sóng trong vùng nước ven bờ thì con đê ấy còn gắn với hình ảnh của các bà, các chị cùng công việc bóc tôm, bóc ghẹ, phơi mực, phơi moi... Hình ảnh ấy, vẫn biết chẳng riêng gì Ngư Lộc mới có. Nhưng ở Ngư Lộc, thì lại có gì đó thật đặc biệt.

Chuyện của những phụ nữ vùng biển: Về Ngư LộcChị Nguyễn Thị Lộc ở thôn Thắng Lộc cần mẫn bóc tôm tít.

Tôi đi dọc dưới chân con đê ấy, trời thu sáng nay, nắng nhẹ. Một vài người ở đây nói với tôi rằng, nếu muốn “ngắm” cảnh phụ nữ Ngư Lộc bóc tôm, xẻ cá thì phải đi vào buổi chiều, mới đông vui. Tất nhiên, buổi sáng nay tôi vẫn bắt gặp hình ảnh một số phụ nữ ngồi khom lưng dưới chân đê để làm những công việc này. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe tải nhỏ đi qua, đi lại trước mặt họ, chầm chậm. Xe máy cũng lướt qua nhẹ nhàng. Người và xe như đã rất gần nhau, một cảm giác không an toàn thoáng qua nhưng lại vẫn có gì đó rất đỗi bình yên, hiền lành...

Người phụ nữ tôi gặp đầu tiên ở dưới chân đê ấy là chị Lộc, đã ngoài 50 tuổi ở thôn Thắng Lộc. Từ 7h sáng chị đã ra ngồi ngoài này bóc tôm tít thuê. Công cụ giản đơn, chỉ một con dao nhíp với 4 ngón xỏ găng tay, chị nhẹ nhàng bóc tách. Tôm tít sau khi bóc thì cứ 1kg thịt, chị Lộc sẽ nhận được 20 nghìn đồng. Nhìn vào rổ đựng thịt, chị tính mới được 0,5kg thịt. Và thường cứ trung bình 1 giờ đồng hồ chị sẽ làm được khoảng 0,5kg, tương đương 10 nghìn đồng. Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn 1 phút nữa, tròn 8h. Vậy là với 5 năm đi bóc tôm tít thuê, đã giúp chị có kinh nghiệm tính chuẩn xác thời gian, số lượng. “Ngày bóc nhiều nhất của chị được bao nhiêu?”, tôi hỏi. Chị trả lời, giọng chùng xuống: “Ngày nhiều nhất là 6kg thịt, được 120 nghìn đồng. Một tháng làm khoảng 20 ngày công. Tính ra, tháng nhiều nhất làm 2,4 triệu đồng, ít thì khoảng 1,8 triệu đồng. Tôi có 1 mình, không chồng con, nên vậy thôi cũng đủ”.

Tôi im lặng, không hỏi gì thêm. Người phụ nữ ấy, thấy tôi không còn bắt chuyện, cũng không chia sẻ thêm gì. Tôi chợt nhận ra, cả buổi trò chuyện, dù rất thoải mái nhưng mắt chị chưa lúc nào rời khỏi con tôm tít, con dao...

Tôi vòng lên phía trên đê, lúc này nắng đã thênh thang hơn. Ở đây, trên thành đê, nhiều vỉ mực, vỉ cá, vỉ moi đã được đem ra phơi. Không có nắng, những chiếc vỉ này chắc chắn sẽ khó khô nhanh. Điều này đúng, nhưng chưa hẳn. Bà Tuyết ở thôn Thắng Phúc, người đã có hơn 40 năm với nghề bán cá, bán moi, nói với tôi rằng: “Ở đây, nghề của các bà sống vì gió. Không phụ thuộc vào nắng. Không có nắng nhưng có gió vẫn phơi. Gió chiều nào phơi chiều đấy”.

Những tưởng việc phơi mực, phơi moi dễ dàng nhưng phơi cũng cần phải học, như một nghệ thuật. Bà Nhung, thôn Thành Lập, 54 tuổi, một người phơi mực thuê cho biết, mỗi vỉ mực phơi bà được 5 nghìn đồng. Buổi sáng nay, bà phơi được 10 vỉ, người chủ trả cho bà 50 nghìn. Trước khi đem ra phơi, mực đã được rửa sạch. Xếp mực lên vỉ, hàng lối cũng phải ngay ngắn, khoảng cách đều nhau. Ngoài ra còn phải lật mặt, đưa ngón tay vào trong con mực để làm mực phồng lên...

Về biển để biết thêm nghề. Ít ra thì tôi cũng đã nắm bắt được một số thao tác khi cầm con dao nhíp bóc tôm tít, vài công đoạn của phơi mực, phơi moi... Và có những công việc, ở đấy còn là sự đánh đổi. Đó là câu chuyện về dấu vân tay như tôi được biết.

Chuyện của những phụ nữ vùng biển: Về Ngư LộcPhơi mực, một công việc đã gắn bó nhiều năm với bà Nhung, thôn Thành Lập.

Cách nơi chị Lộc, người phụ nữ đầu tiên tôi gặp dưới chân đê khoảng vài chục mét, tôi đã được trò chuyện cùng 3 người phụ nữ là bà Hòa, chị Hoa, chị Hằng. 3 người ở 3 thôn khác nhau. Trong đó, người nhiều tuổi nhất là bà Hòa, 61 tuổi. Họ ở đây, trong một mái che nhỏ dưới chân đê để bóc ghẹ. Mỗi người một hòn đá nhỏ, một con dao nhíp... Bóc được 1 kg thịt ghẹ, tương đương với 40 nghìn đồng. Trung bình 1 tháng, cho thu nhập 5 triệu đồng/người.

Bà Hòa cũng là người làm nghề lâu năm nhất, đến nay đã hơn 30 năm. Bà kể chuyện nghề, có những chi tiết khiến tôi hoài nghi. Nhưng khi chị Hoa, chị Hằng cùng lên tiếng và rất nhiều người vùng biển tôi gặp sau này, họ đã giúp tôi phá vỡ sự nghi ngờ đấy. Bà Hòa kể: “Những ngày đầu bóc ghẹ, vỏ ghẹ cứa tay, chảy cả máu. Ghẹ mặn, ăn vào da, vân tay giờ cũng chẳng còn”. Nói rồi bà xòe cả mười ngón tay, dày dịt những vết sứt, vết lõm..., cố nhìn kỹ cũng không có ngón nào thấy được vân tay. Bà Hòa kể thêm: “Trước làm căn cước công dân, lúc công an thu nhận vân tay, lăn qua lăn lại tay phải, tay trái nhưng không thu nhận được gì vì vân tay còn đâu”. Chẳng phải mình bà Hòa mà chị Hoa, chị Hằng cũng vậy. Ai làm nghề bóc ghẹ lâu năm cũng đều chung tình trạng.

Ở Ngư Lộc, tổng phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn xã là 7.028 người. Trong đó phụ nữ có mặt tại địa phương là hơn 3.000 người. Số phụ nữ đang trực tiếp kinh doanh, chế biến hải sản, bóc tôm, bóc ghẹ, xẻ cá khoảng 1.000 người. Và ấn tượng của tôi ở Ngư Lộc, có thể bắt đầu từ con đê chắn sóng cùng hình ảnh các bà, các chị ngồi bóc ghẹ, bóc tôm...

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]