(vhds.baothanhhoa.vn) - Lúc chúng tôi học lớp 1, nó học lớp 3, đến khi chúng tôi học lớp 3 thì nó vẫn học lớp 3. Vì thế mà nó cao lớn hơn chúng tôi hẳn cái đầu, đen trùi trũi.

Những đứa trẻ của làng: Lái xe

Lúc chúng tôi học lớp 1, nó học lớp 3, đến khi chúng tôi học lớp 3 thì nó vẫn học lớp 3. Vì thế mà nó cao lớn hơn chúng tôi hẳn cái đầu, đen trùi trũi.

Những đứa trẻ của làng: Lái xe

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet.vn).

Như tôi đã kể ở những mẩu chuyện trước, hầu hết những đứa trẻ một thời của làng tôi đều lười học và ham chơi. Chỉ một hai đứa là hình mẫu con ngoan, trò giỏi. Mấy chục năm sau gặp lại nhau trong những buổi hội khóa, họp lớp, thậm chí là họp bàn, cả bọn đều khẳng định lại điều đó bằng cách tranh nhau kể lại những buổi trốn học, ném cặp bạn nữ vào nhà vệ sinh nam, rồi những lần bị phạt dọn nhà vệ sinh, đứng bảng… Tuyệt nhiên chẳng thấy đứa nào khoe ngày xưa học giỏi thế nào, thầy cô khen ra sao. Thế mà, tất cả đều trở thành cán bộ tốt, nhà giáo giỏi, công nhân lành nghề, doanh nhân thành đạt.

Cục Sắt cũng vậy. Xét về thành tích học tập, thì nó phải xếp hạng… đặc biệt nhất. Lúc chúng tôi học lớp 1, nó học lớp 3, đến khi chúng tôi học lớp 3 thì nó vẫn học lớp 3. Vì thế mà nó cao lớn hơn chúng tôi hẳn cái đầu, đen trùi trũi. Chẳng hiểu thế nào mà nó… tốt nghiệp được tiểu học và không bị đúp các năm học cấp 2 – dù thầy cô và bạn bè đều thống nhất nhận xét về nó rằng, cái phần não bộ dùng để tiếp thu kiến thức giáo khoa của nó, chắc chắn cấu tạo bằng… lá khoai môn.

Bọn tôi khoái Cục Sắt lắm, vì chẳng bao giờ thấy nó buồn phiền về thành tích học tập, cũng chẳng bao giờ thấy bố mẹ mắng mỏ đòn roi nó sau những cuộc họp phụ huynh. Nó hay cười hề hề bảo, học ngu rồi thì sao mà giỏi được. Bố Cục Sắt thì bảo, như cái đầu thằng Cục Sắt thì xác định theo bác đi lái xe sớm thôi.

Lại nữa, vì lớn tuổi hơn, lại to cao nên Cục Sắt được bọn tôi tôn làm… đại ca. Đại ca Cục Sắt rất ổn, túi lúc nào cũng rủng rẻng tiền tiêu vặt nên dù nhà trường cấm kiểu gì, thì lũ chúng tôi cũng tìm cách theo nó trèo tường đi mua kẹo mấu, kẹo ớt và dĩ nhiên là nó bao cả bọn. Bóng nhựa rồi sau là bóng da, cũng do nó tài trợ hoặc đóng góp phần đa. Đằng sau trường có một quả đồi đất khá bằng phẳng, Cục Sắt hay lôi cổ mấy đứa “đầu gấu” trong trường và xung quanh trường quen trò bắt nạt, trấn lột bạn cùng lớp, cùng làng lên đấy nói chuyện. Nhiều thằng to con hơn Cục Sắt mà vẫn bị nó một tay kẹp đầu vào nách, một tay cầm điếu thuốc phì phèo hút, chốc chốc lại phà hơi khói vào mặt. Trong mắt bọn tôi, Cục Sắt còn hơn cả các danh bổ trong phim kiếm hiệp ba xu thời ấy.

Nhưng thời gian chúng tôi được Cục Sắt “bảo kê” không trọn vẹn. Lên cấp 3, nó chỉ đủ điều kiện học trường bán công, trong khi hầu hết bạn bè cùng làng học công lập. Ngay năm lớp 10, một tay “anh chị” lớp 12 giở trò “xin đểu” thằng bạn gày còm, nhát gan nhất lớp nó. Biết chuyện, nó lôi đàn anh ra giữa sân trường mà đấm như đấm bịch bông. Cục Sắt bị kỷ luật buộc thôi học 1 tuần. Nhân “cơ hội” đó, nó viết đơn xin nghỉ học luôn, bảo tao có học thì chữ cũng không vào đầu, rồi tụ tập bạn bè chia tay đời học sinh bằng một chầu sữa chua.

Từ đó, nó bắt đầu rong ruổi cũng bố và anh trai trên những chuyến xe chở hàng ra Hải Phòng, Quảng Ninh và lên các tỉnh biên giới phía Bắc, bạn bè gặp nhau thưa dần.

Năm bọn tôi lơ ngơ bước vào giảng đường đại học hoặc chập chững đi làm nghề, thì Cục Sắt đã là ông chủ của 2 xe ô tô tải chuyên chở quặng, hàng nông sản trong tỉnh đi các tỉnh phía Bắc, rồi nhập vật liệu xây dựng từ các tỉnh phía Bắc về cho các đầu mối trong và ngoài tỉnh. Năm những đứa cử nhân còn loay hoay tìm việc, thì Cục Sắt đã vợ con, nhà cửa đề huề, là giám đốc của một doanh nghiệp vận tải, thương mại, dịch vụ.

Một hôm nó gọi cả bọn đi liên hoan, bảo nay tao khao bằng đại học, giờ tao cũng là cử nhân như bọn mày nhé, cử nhân quản trị kinh doanh. Cả bọn cứ trố mắt ra mà ô với a. Có đứa còn lật nghiêng lật ngửa tấm bằng nói nó bịa chuyện. Nó bảo, tao học đàng hoàng, học bổ túc để lấy bằng cấp 3 rồi học tại chức để lấy bằng đại học. Kiểu gì cũng phải học chúng mày ạ, tao học để làm gương cho mấy đứa con. Học để làm việc có phương pháp khoa học. Mà lạ, bây giờ học là hiểu chứ không mù mịt như xưa.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]