(vhds.baothanhhoa.vn) - Người làng bắt đầu xì xào đàm tiếu, rằng có khi ông Chột xin ra trông cò, nhưng thực ra là để tiện cho việc bắt cò bán cho Mọt Sách làm đặc sản. Rằng, trông nom kiểu gì mà vẫn thấy thịt cò trui rơm vàng ươm treo ở đầu cổng chợ.

Ông Chột bảo vệ đàn cò

Người làng bắt đầu xì xào đàm tiếu, rằng có khi ông Chột xin ra trông cò, nhưng thực ra là để tiện cho việc bắt cò bán cho Mọt Sách làm đặc sản. Rằng, trông nom kiểu gì mà vẫn thấy thịt cò trui rơm vàng ươm treo ở đầu cổng chợ.

Ông Chột bảo vệ đàn cò

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Con sông cụt - mà người làng tôi hay gọi là cái mau, uốn mình theo một ngọn núi đá. Chân núi được phủ dày bởi tre và loáng thoáng có những tán xoan, xà cừ nhô lên. Cây cỏ rậm rạp, rắn, rết nơi đây nhiều nên ít người lui tới. Cũng bởi vậy mà chim cò về trú ngụ nhiều, lâu dần trở thành một “đảo cò”.

Chỉ duy nhất một người không chỉ dám đến mà còn dựng chòi ra đấy ở, đó là ông Chột. Gọi là ông Chột vì ông chỉ có một con mắt, người khô đét như khúc củi cháy. Từ ngày bà Chột mất, con cái đi làm ăn xa, ông sống cô độc một mình ở cái xóm cũng rặt ông già bà cả. Rồi một hôm, ông đến gặp Hội đồng làng, rồi lên xã xin cho được ra chân núi dựng chòi trông coi đàn cò.

Ai cũng bảo ông gàn, vì gà vịt không nuôi lại đi trông nom “chim trời, cá nước”. Chưa kể, người làng vẫn lén đánh bẫy chim, cò để cải thiện bữa ăn hoặc đãi khách – dù làng có quy định cấm săn bắt ở “đảo cò”. Thậm chí, mấy vị cán bộ xã thèm món nhậu lạ, cũng hay về “đặt hàng”. Ai cũng chép miệng, tự biện minh “cả đàn như thế, bắt có vài con, đến bao giờ cho hết được”.

Chỉ thấy ông Chột dựng chòi, rồi dọn đồ ra ở luôn “đảo cò”, cả ngày thấy ông lúi húi đào hố, ươm bầu, trồng cây. Có ngày ông mất hút giữa bãi tre chẳng rõ đi đâu, làm gì, cho đến tận chiều tối - khi cò về rợp bóng, mới thấy ông ló dạng, trên tay có khi là mấy cái bẫy cò, có khi là một rổ trứng nhỏ, hoặc vài con cò non. Cũng có lúc ông đeo cái lồng, bên trong có mấy cò nằm bẹp, kêu thảm thiết.

Chưa kể, ông Chột rất năng qua lại trang trại sinh thái của Mọt Sách, khi thì cầm theo rổ trứng, khi thì mấy con cò… Mọt Sách với vài cậu thanh niên cũng hay qua lại “đảo cò”, có khi mất hút trong bãi tre cả ngày trời. Người làng bắt đầu xì xào đàm tiếu, rằng có khi ông Chột xin ra trông cò, nhưng thực ra là để tiện cho việc bắt cò bán cho Mọt Sách làm đặc sản. Rằng, trông nom kiểu gì mà vẫn thấy thịt cò trui rơm vàng ươm treo ở đầu cổng chợ.

Thỉnh thoảng ông Chột có lên chợ mua vài thứ vật dụng thiết yếu, những lời chế giễu theo ông từ đầu chợ đến cuối chợ, nào “ông Chột dạo này da dẻ đỏ au nhỉ, có cháo chim tẩm bổ thường xuyên có khác”, “ông Chột dạo này xông xênh nhỉ, buôn bán đặc sản có khác”… Ông Chột chỉ cười, đáp quàng quấy rồi rảo bước nhanh khỏi chợ.

Hôm đó làng họp, nội dung chủ yếu là bàn về công tác vệ sinh môi trường. Ông Chột ngày thường chỉ ngồi một góc để nghe, vậy mà hôm nay, chờ gần cuối cuộc họp, chừng không còn ai phát biểu nữa, thì giơ tay xin có ý kiến. Đứng lên bục, ông Chột mới xin phép được mời Mọt Sách lên thưa chuyện cùng làng, ấy là chuyện bảo vệ “đảo cò”. Mọt Sách lên sân khấu, mang theo lỉnh kỉnh những đồ đạc, nào máy tính, máy chiếu, phông bạt. Trong khi chờ Mọt Sách chuẩn bị, ông Chột chậm rãi phát biểu: “Thưa bà con, có câu ‘đất lành chim đậu’. Làng mình có đảo cò là nơi chim muông bốn phương tìm về trú ngụ, sinh sôi, tôi cho rằng điều đấy chứng tỏ làng ta là đất thuận hòa. Tôi đọc báo, thấy nhiều nơi cũng có đảo cò giống làng ta, họ giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt lắm. Làng ta cũng có quy định cấm săn bắt ở đảo cò, thế nhưng…”. Ông Chột im lặng, hướng cái nhìn về phía Mọt Sách: “Thế nhưng, bà con ta nhìn xem. Mọt Sách, cháu mở cho bà con cùng xem”.

Mọt sách bấm chuột, trên màn hình lần lượt hiện lên những bức ảnh khiến hội trường ồ lên, rồi ai nấy cố nén tiếng thở dài. Cứ mỗi bức ảnh, ông Chột lại chậm rãi thuyết minh, nhưng có lẽ chẳng cần ông nói, hình ảnh trực quan đã là cả một câu chuyện đánh động nhân tâm.

Đó là những quả trứng bị ung, vỡ; những chú cò non bị chết đói, khô quắt trên tổ do không còn cò mẹ. Là hình ảnh cò bố, cò mẹ bị dính bẫy, bị khâu mắt. Là hình ảnh và cả đoạn video ông chủ quán nhậu đầu làng vặt lông cò sống, khiến con cò run rẩy sống dở chết dở. Là cò mẹ chết gục dưới gốc cây, trong diều vẫn căng những tôm cá mà chưa kịp mớm cho con, máu bết vào lông. Là những chồng bẫy dính, bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây,… với cả những chiếc bẫy còn dính xác cò khô quắt khô queo.

“Làng ta là làng văn hóa, ai nỡ đang tâm làm những việc này… Mong bà con giúp tôi, cùng giữ lấy đảo cò, đừng để chúng sợ mà bỏ đi”.

Ra là một thời gian dài, ông Chột nhờ Mọt Sách mà mấy cậu thanh niên trong Chi đoàn đi gỡ bẫy, điều tra, thu thập hình ảnh… Họ còn giúp ông phát dọn thực bì, trồng thêm tre, luồng để mở rộng lãnh thổ “đảo cò”. Sau buổi họp thôn hôm đó, làng quyết định giao cho Chi đoàn hỗ trợ ông Chột bảo vệ đảo cò. Chẳng còn ai có ý định bẫy cò, bắt cò nữa.

Có thêm sức thanh niên và sự hỗ trợ của bà con, “đảo cò” của làng tôi ngày một mở rộng, phong quang. Đám thanh niên còn dùng gỗ xoan, tre, luồng… dựng thành các chòi hình trái tim, bán nguyệt, cầu vồng… và trồng thêm các vạt hoa để làm nơi ngắm cảnh, chụp ảnh. Cuối tuần, có nhiều gia đình và các tốp bạn trẻ về đây ngồi ngắm từng đàn cò chao liệng trong ráng chiều, rất là thanh bình.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]