(vhds.baothanhhoa.vn) - Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Trong miền ký ức: Người bạn không may mắn

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Trong miền ký ức: Người bạn không may mắn

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cậu bạn ấy như một nét gạch mờ nhạt trong ký ức của lũ trẻ làng tôi, nhưng mỗi lần nhắc đến đều không khỏi khiến tất cả phải nén tiếng thở dài.

Bọn tôi gọi cậu ta là Cu Dãi với hàm ý châm chọc và chẳng cần biết tên thật của cậu là gì. Làng tôi hồi ấy đã nghèo, nhà Cu Dãi lại càng nghèo xác xơ. Mấy mẹ con sống trong căn nhà tranh vách nứa liêu xiêu sâu trong ngõ. Bố Cu Dãi mất sau khi cậu chào đời không lâu bởi bệnh tật và những di chứng chiến tranh. Nghèo đi liền với khó và hèn có lẽ. Từ lúc sinh ra, Cu Dãi đã bị căn bệnh lạ, mồm cứ há ra và nước dãi nhễu ra liên tục. Lớn lên, thể chất và trí não của cậu cũng không phát triển như những đứa trẻ bình thường, yếu ớt, ngọng nghịu,… Cũng bởi cái bệnh chảy dãi mà đi đến đâu cậu cũng bị xa lánh, nhất là đám xá hoặc thể xuất hiện khi người khác đang ăn uống.

Cu Dãi chỉ dám lấm lét đứng nhìn bọn tôi chơi đuổi bắt, đá bóng, tắm sông, đánh đáo… từ xa, bởi cứ mỗi lần cậu mon men lại gần là lập tức bị xua đuổi, nhẹ thì “cút đi… gớm quá, gớm quá”, nặng thì bị ném gạch đá vào người. Mỗi lần như vậy, cậu ta ú ớ như muốn thanh minh điều gì không rõ, rồi quay người đi với nụ cười ngô nghê. Hình như cậu ta còn chẳng biết tức giận.

Có những lần Cu Dãi bị động kinh, tự dưng lăn kềnh ra đường, cả bọn xúm lại rồi reo la “Cu Dãi chết rồi… chết rồi bọn mày ơi” mà chẳng biết làm gì để giúp. Mãi một hồi lâu sau, mẹ Cu Dãi – một người đàn bà nhỏ thó trong bộ quần áo làm đồng nhàu nhĩ mới tất tả chạy đến, quýnh quáng gỡ cái nón rách ra quạt mát cho con. Chờ Cu Dãi hồi tỉnh, đỡ con ngồi dựa vào gốc cây, người đàn bà ấy lại tất tả chạy đi mượn cái xe cải tiến, đỡ con nằm lên rồi liêu xiêu kéo về nhà.

Nhiều người làng cũng cảm thương Cu Dãi thỉnh thoảng đưa cho cậu quả ổi, bắp ngô, nhưng chẳng ai đủ sự gần gũi để mà trò chuyện cùng cậu. Mà có muốn cũng chẳng được, vì cậu có đối đáp được đâu.

Cu Dãi ra đi lặng lẽ. Sau đó thì mẹ và em Cu Dãi cũng rời quê vào miền Nam theo làn sóng người ly hương thời ấy. Từ đó, ký ức về Cu Dãi vốn đã mỏng mảnh cứ nhạt dần, nhạt dần. Có điều, lớn lên một chút thì chúng tôi mới biết, Cu Dãi là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai – đối tượng nhận được sự chăm lo của toàn xã hội.

Bởi thế, mỗi lần nhắc về người bạn kém may mắn ngày xưa, cảm giác áy náy lại dội về trong chúng tôi. Giá ngày ấy một lần để bạn tham gia cùng một trận bóng bưởi chẳng hạn. Đừng để sự cảm thông và sẻ chia trở nên muộn màng là vì thế!.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]