Chuyện thực tập của sinh viên trường y
Áp dụng lý thuyết vào thực tế, sinh viên y khoa sẽ đối mặt với mọi tình huống trong thực tiễn ở các cơ sở y tế. Và những chuyến đi thực tập ý nghĩa này sẽ là hành trang quan trọng của các sinh viên ngành y trước khi bước vào sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa thực tập tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Những bài học quý
Trong thời gian hơn 1 năm đã được thực tập tại 4 bệnh viện trong tỉnh, sinh viên Lê Thị Nguyệt, lớp Cao đẳng Điều dưỡng K23 B, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tự đánh giá bản thân đã trưởng thành hơn, tự tin hơn và đặc biệt... thức đêm cũng giỏi hơn. “Một điểm rất khác biệt với sinh viên ngành khác đó là sinh viên trường y phải đi trực. Trong ca trực, mỗi người chỉ được ngủ 2 tiếng. Việc bật dậy trong đêm khi có bệnh nhân nhập viện hoặc đi đón bệnh nhân từ trên phòng mổ xuống, cho bệnh nhân sang cáng, về khoa,... thời gian đầu, em luôn trong tình trạng thèm ngủ. Về sau, thích ứng dần công việc và đặt ra “kỷ luật” với bản thân hơn”, Lê Thị Nguyệt cho biết.
Là khóa bác sĩ y khoa đầu tiên thực hiện học tập theo chương trình đổi mới của Trường Đại học Y Hà Nội, nhiều trải nghiệm mới, bỡ ngỡ, đôi khi khó khăn nhưng cũng thú vị khi đi thực tập, đó là cảm nhận của Phạm Hương Ly, sinh viên Y5 Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.
Ngay từ học kỳ 2 năm đầu tiên, Hương Ly đã được đến viện học tập dưới hình thức VISIT (kiến tập). Từ năm thứ 2, thứ 3 việc thực hành nhiều hơn nhưng vẫn chưa đi trực. Sang năm thứ 4, năm thử thách khi từ đầu đến cuối năm, thực hiện đi viện hàng ngày, đi trực hàng tuần và vẫn tiếp tục học lý thuyết. Đến năm thứ 5, được xem là năm với nhiều trải nghiệm nhất vì được đi nhiều khoa lẻ, nhiều bệnh viện khác nhau. “Đôi khi vẫn sẽ có vài câu chuyện dở khóc dở cười như lần đầu trực đêm muỗi đốt, lần đầu theo dõi 1 bệnh nhân từ khi vào đến khi ra viện cùng những câu chuyện cảm động, lần đầu lấy máu rồi mua đồ chơi mang theo để dỗ các bé cho khám... Mỗi lần va vấp, được học hỏi nhiều điều từ thầy cô, bạn bè và các bác sĩ, bệnh nhân. Tất cả đều là những bài học quý, thêm kinh nghiệm cho bản thân”. Phạm Hương Ly chia sẻ.
Hằng năm, số lượng sinh viên Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa đi thực tập lâm sàng tại bệnh viện và các cơ sở thực hành khoảng hơn 500 sinh viên hệ Bác sĩ y khoa và gần 200 sinh viên hệ Cử nhân điều dưỡng. Cán bộ quản lý sinh viên thực tập là các giảng viên trực tiếp giảng dạy lâm sàng cho sinh viên phối hợp với các bác sĩ và điều dưỡng tại các khoa Lâm sàng. Giám sát công tác giảng dạy có đội ngũ giáo vụ khối và thanh tra giáo dục của trường.
Sinh viên Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa học thực hành giải phẫu. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, số lượng sinh viên thực tập tại các bệnh viện trung bình hằng năm là 1.200 sinh viên cho 9 ngành, như Điều dưỡng, Dược, Hộ sinh, Phục hồi chức năng, Y sĩ đa khoa... Về vấn đề quản lý sinh viên thực tập, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo cho biết: "Cán bộ giảng dạy về lâm sàng được tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân, trực bệnh viện giống như cán bộ bệnh viện. Đồng thời, các bác sĩ tại bệnh viện là giảng viên kiêm nhiệm cũng trực tiếp tham gia giảng dạy và quản lý học sinh, sinh viên”.
Tinh thần trách nhiệm cao, tiếp cận nhanh vấn đề...
Học sinh, sinh viên tại các trường trong và ngoài tỉnh khi đến thực tập tại các cơ sở y tế tỉnh Thanh Hóa luôn được đánh giá cao về ý thức, trách nhiệm trong công việc. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, để đánh giá chất lượng đào tạo cho sinh viên, Phòng đào tạo - chỉ đạo tuyến thường xuyên phối hợp với các bộ phận chuyên môn của bệnh viện tổ chức kiểm tra, giám sát sinh viên thực hành các quy trình chuyên môn và lập kế hoạch chăm sóc người bệnh. Qua đó kịp thời rút kinh nghiệm những nội dung chưa phù hợp nhằm hỗ trợ, hoàn thiện kỹ năng thực hành cho sinh viên, giúp sinh viên củng cố kiến thức, nâng cao tay nghề, trau dồi kỹ năng giao tiếp trong ngành. Thạc sĩ điều dưỡng Lê Thị Trang - Phó trưởng Phòng đào tạo - chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhìn chung học sinh, sinh viên khi đến bệnh viện thực tập luôn chấp hành đúng nội quy, quy định của bệnh viện. Các em có tinh thần ham học hỏi, trách nhiệm cao. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng các em nắm vững lý thuyết do đó sớm bắt nhịp với tiến độ công việc của bệnh viện”. Cũng theo thạc sĩ, bác sĩ Ngô Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa: Phần lớn các sinh viên đã nắm bắt được quy định học tập, các quy trình thực hiện trực tiếp trên người bệnh, đối tượng là các bệnh nhân nặng. Các em tiếp cận nhanh vấn đề có định hướng, phát huy được năng lực cá nhân cũng như tinh thần tập thể...
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, từ những chuyến đi thực tập tại các cơ sở y tế là hành trang quan trọng để những y, bác sĩ tương lai củng cố kiến thức, nâng cao tay nghề, nuôi dưỡng tình yêu với “Nghề chữa bệnh cứu người - Nghề cao quý trong những nghề cao quý”.
Hoàng Việt Anh
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-01-01 07:26:00
Tuổi trẻ xứ Thanh với phong trào xây dựng nông thôn mới
Điểm sáng Yên Khương
Cắm trại mùa đông: Những điều thú vị
Ổn định đời sống đồng bào, giữ vững an ninh biên giới
Quảng Trung: Khai thác hiệu quả thế mạnh, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Đảm bảo an ninh tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát
“Thay áo mới” cho những con đường
Động lực cho người nuôi cá lồng, cá bè
Thạch Thành thực hiện các giải pháp đồng bộ về giảm nghèo bền vững
Như Thanh phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển nghề nông thôn