Cô gái Thái đưa hương rừng xuống phố
Tự tin và nhạy bén, Hà Thị Xem (SN 1992) - cô gái dân tộc Thái, xã Yên Thắng (Lang Chánh) đã tìm ra hướng khởi nghiệp riêng cho mình bằng chính những sản phẩm mang hương sắc núi rừng. Qua đó truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.
Chị Hà Thị Xem livestream bán các mặt hàng nông sản qua mạng. Ảnh: Anh Tuân
Khởi nghiệp từ bản làng
Yên Thắng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lang Chánh, có 3 dân tộc anh em, gồm Thái, Mường, Kinh sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 96%. Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành với nhiều nét văn hóa truyền thống, ẩm thực phong phú.
Về bản Vặn, xã Yên Thắng hỏi tên cô gái người Thái Hà Thị Xem, người dân nơi đây đều khen ngợi: “Cô Xem giỏi lắm. Nhờ có cô ấy quảng bá ẩm thực, nông sản, du lịch cho địa phương mà người dân, du khách khắp nơi đều biết đến nét đẹp của đồng bào chúng tôi đó”.
Tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam năm 2013, chị Hà Thị Xem về quê làm hợp đồng cán bộ bán chuyên trách của xã. Nuôi hoài bão, khát vọng được lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, chị đã tận dụng lợi thế sản vật, đặc sản địa phương để khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân tại địa phương.
Năm 2022, chị tham gia HTX Dịch vụ Nông nghiệp Yên Thắng. Nhận thấy không chỉ người vùng cao mà cả người dân miền xuôi cũng rất ưa thích hương vị của hạt mắc khẻn để làm gia vị, chị nghiên cứu kết hợp cùng với hạt dổi để làm nên món “Muối mắc khẻn Mường Đeng”. Hạt mắc khẻn được khai thác tự nhiên tại địa phương, còn hạt dổi chị ký hợp đồng với HTX hạt dổi Chí Đạo của tỉnh Hòa Bình. Ưu điểm hạt dổi Chí Đạo (Hòa Bình) là được lựa chọn từ cây dổi cổ thụ có độ tuổi từ 10 đến 30 năm có chất lượng cao. Bên cạnh đó, chị đầu tư các loại máy xay, máy sấy, máy dập màng seal, máy đóng nắp và bao bì để phát triển sản phẩm.
Năm 2023, sản phẩm “Muối mắc khẻn Mường Đeng” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, tạo ra một sản phẩm có thương hiệu riêng, có giá trị cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại sản phẩm của HTX được bán tại các điểm du lịch, siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao.
Để thuận tiện hơn trong khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản, tháng 4/2024, chị thành lập HTX Du lịch và Phát triển nông lâm nghiệp Mường Đeng với 14 thành viên tham gia. Đến nay HTX đã hoạt động ổn định với các sản phẩm mang đặc trưng núi rừng như: Mật ong khoái, hạt dổi, mắc khẻn, măng lưỡi lợn, măng rối, đũa tre vót thủ công... Đồng thời bao tiêu số lượng lớn nông sản của người dân địa phương khu vực 2 xã Yên Thắng, Yên Khương như: vịt cỏ, lợn cỏ, bầu, bí, rau... Qua 8 tháng thành lập, doanh thu của HTX đạt hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương ổn định.
Hiện nay, HTX Mường Đeng do chị làm giám đốc vẫn đang từng bước hoàn thiện các quy trình để mang đến các loại thực phẩm sạch, an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế miền núi, giúp người dân quen dần với sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đưa hương rừng xuống phố
“Những nông sản ở quê hương đều đảm bảo chất lượng với những hương vị đặc trưng riêng, mình nghĩ tại sao không tìm cách đưa nó vươn xa hơn tới các thị trường khác, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi người tiêu dùng đang ngày càng chú trọng đến các sản phẩm sạch, tự nhiên, mang tính vùng miền”, chị Xem nói.
Tận dụng các nền tảng từ mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube... chị Xem bắt đầu làm những video ngắn giới thiệu về sản phẩm và những hình ảnh chân thực nhất về ẩm thực, nông sản quê hương, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên facebook, zalo, tiktok, shopee, qua đó phát triển số lượng lớn khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài bán hàng qua hình thức trực tiếp và kênh trực tuyến, chị cũng thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền tại các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh để người tiêu dùng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm và hiểu thêm về giá trị văn hóa của nó. Đây là dịp để chị cùng các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm và tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện sản phẩm của HTX không chỉ được khách hàng trong tỉnh đón nhận mà đã vươn tới một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vũng Tàu, Bình Dương...
“Khởi nghiệp với sản phẩm muối mắc khẻn Mường Đeng cùng các sản phẩm mang hương vị núi rừng là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất ý nghĩa với tôi, đặc biệt khi nó mang trong mình không chỉ giá trị kinh tế mà còn cả giá trị văn hóa quê hương”, chị Xem chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng, Lê Hữu Tuân, cho biết: “Hà Thị Xem là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế địa phương. Với sản phẩm OCOP 3 sao “Muối mắc khẻn Mường Đeng” và phát triển thêm nhiều sản phẩm khác, HTX do chị quản lý không chỉ tạo việc làm cho nhiều thanh niên, phụ nữ trong vùng, thúc đẩy nền kinh tế địa phương mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương. Bên cạnh đó, chị Xem đóng góp tích cực vào việc phát triển các hoạt động giáo dục, an sinh xã hội, tình nguyện và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống. Những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn giúp chị Xem tạo dựng hình ảnh một thanh niên năng động, có trách nhiệm với xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.
Anh Tuân
{name} - {time}
-
2024-11-25 11:17:00
Gương sáng nữ thẩm phán
-
2024-11-22 08:36:00
Tiến sĩ Trần Bá Tân, người giữ chức Thượng thư của 6 bộ
-
2024-11-22 07:30:00
[WOW! THANH HÓA] Độc lạ 2 món bánh đầu tiên tại Thanh Hóa