(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong số 12 con giáp, nếu như Thìn (rồng) là con vật huyền thoại, thì đứng ngay sau nó là Tị (rắn) lại là sinh vật có thật trong đời sống và hiện diện hầu như khắp các châu lục, in dấu ấn vào mọi nền văn hóa, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực như: điêu khắc, hội họa, truyền thuyết, cổ tích, điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ,...

Con rắn trong điển tích

Trong số 12 con giáp, nếu như Thìn (rồng) là con vật huyền thoại, thì đứng ngay sau nó là Tị (rắn) lại là sinh vật có thật trong đời sống và hiện diện hầu như khắp các châu lục, in dấu ấn vào mọi nền văn hóa, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực như: điêu khắc, hội họa, truyền thuyết, cổ tích, điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ,...

Con rắn trong điển tích

Số lượng thành ngữ, tục ngữ liên quan đến rắn rất phong phú, nhưng những câu có xuất xứ từ điển cố, điển tích thì không nhiều. Sau đây là một số điển tích tiêu biểu gắn với sự ra đời của các câu thành ngữ được ghi chép trong sách vở và sử dụng trong lời ăn tiếng nói dân gian.

Vẽ rắn thêm chân

Thành ngữ này xuất phát từ điển tích gốc Hán Họa xà thiêm túc 畫 蛇 添 足. Chuyện kể rằng, một nhà quý tộc nước Sở đem bình rượu ngon sau khi dâng cúng tổ tiên ra nói với môn khách: “Chỉ có bình rượu này mà tất cả mọi người đều uống thì không đủ, nhưng một người uống thì lại thừa. Vậy bây giờ đề nghị tất cả thi vẽ rắn trên đất, ai vẽ xong trước sẽ được thưởng bình rượu”.

Tất thảy mọi người đều vui vẻ hưởng ứng. Trong chốc lát đã có người vẽ rắn xong trước, bèn cầm lấy bình rượu toan uống ngay. Tuy nhiên, người này lại muốn thể hiện thêm tài vẽ, bèn tay trái cầm bình rượu, tay phải tiếp tục vừa vẽ rắn vừa khoe: “Tôi còn có thể vẽ thêm chân cho rắn được nữa kia!”. Trong khi ông này đang trổ tài nghệ vẽ chân cho rắn thì đã có thêm một người khác vẽ xong và tuyên bố: “Từ xưa tới nay rắn làm gì có chân? Con vật ông vẽ không phải là rắn!”. Nói đoạn đến giằng lấy bình rượu từ tay người kia. Về sau, Họa xà thiêm túc - Vẽ rắn thêm chân được dùng với nghĩa chê bai người nào hay thêm thắt những điều không cần thiết, làm những việc thừa, không chỉ tốn công, rắc rối, vô ích mà còn hỏng việc.

Bôi cung xà ảnh

Con rắn mang nọc độc chết người, lại có hình thù quái dị nên luôn là nỗi ám ảnh của con người, đến mức Rắn quấn ba năm còn sợ dây thừng.

Tương truyền đời nhà Tấn có một danh sĩ họ Nhạc, tên Quảng, tự Nhan Phụ rất giỏi về đàm luận. Một hôm Nhạc Quảng bỗng nhớ đến người bạn đã lâu không gặp, nên sai người nhà đến hỏi thăm. Người bạn nhắn lại với Nhạc Quảng rằng, lần trước tới nhà Nhạc Quảng chơi, được Quảng mời một li rượu. Khi ấy người bạn nhìn thấy dưới đáy li rượu có con rắn nhỏ, dù rất sợ hãi, nhưng vì giữ phép lịch sự nên đành nhắm mắt uống liều. Không ngờ sau lần ấy người bạn trở về nhà thì đổ bệnh. Anh ta luôn có cảm giác bụng chướng và đau âm ỉ, tâm thần bất ổn, thuốc thang nhiều mà đến nay vẫn chưa khỏi.

Nhạc Quảng nghe vậy rất kinh ngạc. Sau nhiều ngày suy nghĩ Nhạc Quảng mới chợt hiểu ra nguyên cớ, lập tức cho mời bằng được người bạn tới nhà, đoạn rót một li rượu rồi mời ngồi vào đúng chỗ đã uống rượu lần trước. Thật hãi hùng, lúc này con rắn nhỏ lại hiện ra trong li rượu. Nhạc Quảng mới chỉ lên cây cung vẽ hình rắn rồi giảng giải tường tận. Hóa ra phía trên phòng khách có treo một cây cung, sơn vẽ như hình con rắn. Khi cầm li rượu lên thấy hình con rắn nhỏ trong đó là do cái bóng của cây cung soi vào. Vì người bạn bị ám ảnh bởi ý nghĩ lúc cạn chén rượu cũng là lúc uống luôn con rắn nhỏ vào bụng, nên về đổ bệnh, cảm giác bụng như đau chướng là vậy. Khi người bạn chứng kiến, hiểu rõ ngọn ngành, tự dưng thấy sảng khoái tinh thần, bụng nhẹ nhõm, bệnh tật bỗng chốc tiêu tan mà không cần một viên thuốc.

Về sau, Bôi cung xà ảnh (thấy bóng cây cung lại tưởng con rắn trong li rượu) trở thành câu thành ngữ chỉ những trường hợp bị bệnh tưởng, “thần hồn nát thần tính”, “sợ bóng sợ gió”. Dị bản của Bôi cung xà ảnh là Xà cung thạch hổ (Nhìn thấy bóng cung ngỡ là rắn, nhìn thấy hòn đá tưởng là hổ).

Đập cỏ cho rắn sợ

Đời Đường có viên quan huyện tên là Vương Lỗ hay ăn của đút, tham ô, sách nhiễu dân ghê gớm. Một lần, dân chúng họp nhau làm một lá đơn kiện tên thuộc hạ của Vương Lỗ tội phạm pháp, nhận của hối lộ. Vương Lỗ xem thì thấy trong đơn kiện liệt kê rất nhiều tội trạng, tất cả đều không khác gì tội của mình, nên vừa xem vừa run lẩy bẩy, rồi buột miệng nói: “Cái này... cái này... chẳng phải là đang nói về ta hay sao?”.

Họ Vương càng xem đơn càng kinh sợ, không còn biết phải phê thế nào cho đúng, rồi tự dưng viết ra trên giấy tám chữ: Nhữ tuy đả thảo, ngô dĩ xà kinh -汝虽打草,吾已蛇惊, nghĩa là tuy ngươi đập cỏ, nhưng ta lại tưởng mình là con rắn hoảng sợ trong đám cỏ đó.

Lời phê của Vương Lỗ về sau trở thành câu thành ngữ Đả thảo kinh xà, được dùng với nhiều nghĩa, lúc thì được sử dụng với chức năng của thành ngữ, lúc thì giống như lời khuyên của một câu tục ngữ hoặc một kế sách:

- Trừng phạt người này để cảnh cáo kẻ khác.

- Hành động thiếu thận trọng, sơ hở, khiến đối phương đào thoát.

- Chưa đủ sức để diệt trừ được kẻ ác đã nôn nóng, lớn tiếng, khiến kẻ ác được phòng bị và quay trở lại làm hại chính mình.

- Biết kẻ ác đang ẩn nấp đâu đó, nhưng không đủ sức diệt trừ, nên đánh động để đối phương biết mà chuồn đi. Kế này hay được áp dụng trong thực tế, khi phải lội vào đám cỏ cây rậm rạp, người ta thường xua đập, tạo ra tiếng động lớn, để nếu có rắn trú ẩn, thì chúng sẽ trườn đi.

Đả thảo kinh xà cũng là một kế hay. Tuy nhiên, dân gian cũng cho rằng, giống rắn độc hay trả thù nên đã đánh phải đánh cho dứt điểm, đánh cho dập đầu. Đánh rắn mà không chết, nó sẽ quay lại báo thù, hậu họa khôn lường. Thế nên có câu Đả xà bất tử, hậu hoạn vô tận - 打蛇不死後患無盡, nghĩa là đánh rắn mà đánh không chết thì hậu họa sẽ khôn lường.

Ngọc trai rắn thần

Con rắn trong ngôn ngữ dân gian không phải bao giờ cũng hiện với sự độc ác hay gắn liền với chết chóc. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế, vì bình thường rắn là con vật hiền lành, có ích, vì nó bắt chuột, bảo vệ mùa màng. Rắn chỉ phản ứng hung dữ khi bị tấn công và phun nọc độc chết người để bắt mồi hoặc tự vệ. Bởi thế, chuyện cổ tích người lấy rắn, rắn thần báo ân xuất hiện khá nhiều ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Điển tích Linh xà châu - 靈蛇珠 là một ví dụ.

Tương truyền, vua nước Tùy thời Xuân Thu một lần ra ngoài gặp con rắn lớn bị thương ở lưng, bèn sai người dùng thuốc đắp cho nó, con rắn vì thế mà bò đi được. Hơn một năm sau, con rắn được cứu sống ấy từ dưới sông bơi lại, miệng ngậm viên ngọc trai sáng lấp lánh (gọi là dạ minh châu) báo đáp ơn cứu mạng của vua. Về sau sách thường dùng Linh xà châu - 靈蛇珠, hay Tùy hầu châu - 隋侯珠 để phiếm chỉ ngọc trai, ngọc quý hoặc để ca ngợi tài cao đức trọng, chỉ việc báo đền ân đức.

Như vậy, dù ra đời gắn liền với điển tích, nhưng các câu thành ngữ về rắn vẫn mang đậm dấu ấn ngoại hình, tính cách của con vật này: Vẽ rắn thêm chân (về đặc điểm sinh học, rắn không có chân); Bôi cung xà ảnh (nọc độc của loài rắn khiến con người bị nỗi khiếp sợ ám ảnh); Đập cỏ cho rắn sợ (Phép ứng xử khi phải sống chung hoặc đối diện với cái ác).

Rắn là con vật có cùng môi trường sống gần gũi với con người. Từ xa xưa, rắn đã là đối tượng con người săn bắt để ăn thịt, nhưng bởi chúng mang nọc độc chết người nên rắn cũng chính là kẻ thù cực nguy hiểm trong cuộc đấu tranh sinh tồn của loài người từ hàng vạn năm trước. Đây chính là lý do khiến con rắn có mặt trong 12 con giáp, và bước vào lời ăn tiếng nói của dân gian, hiện lên trong đời sống văn hóa các dân tộc trên thế giới với những đặc điểm tính cách của một con vật mang hình thù kỳ dị và tập tính còn nhiều bí ẩn.

MẪN NÔNG



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]