(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Năm nay tôi đã bước sang tuổi 84, nhiều ký ức xa xưa đôi khi bị quên lãng, nhưng riêng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ thì vẫn còn nguyên vẹn như mới chỉ ngày hôm qua và luôn nhắc nhở tôi sống sao cho xứng đáng với sự quan tâm của Người”. Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Lữ, nguyên Giám thị Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa, người vinh dự 3 lần gặp Bác Hồ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cựu giám thị trại giam và 3 lần được gặp Bác Hồ

(VH&ĐS) “Năm nay tôi đã bước sang tuổi 84, nhiều ký ức xa xưa đôi khi bị quên lãng, nhưng riêng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ thì vẫn còn nguyên vẹn như mới chỉ ngày hôm qua và luôn nhắc nhở tôi sống sao cho xứng đáng với sự quan tâm của Người”. Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Lữ, nguyên Giám thị Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa, người vinh dự 3 lần gặp Bác Hồ.

Kí ức 3 lần gặp Bác Hồ

Sinh năm 1933, bà Nguyễn Thị Lữ là con thứ 2 trong gia đình truyền thống cách mạng xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống nên bà được lãnh đạo tỉnh cho được quyền lựa chọn hoặc đi đào tạo lớp cán bộ nguồn tại Vân Nam (Trung Quốc) hoặc được làm việc tại Nhà máy Dệt Nam Định. Nhưng bà đã không chọn. “Lúc ấy tôi chỉ nói với các chú lãnh đạo rằng, nếu có thể, cháu muốn xin các chú được vào bộ đội hoặc công an được trực tiếp cầm súng để chiến đấu”. Vậy là, chỉ khoảng nửa tháng sau, bà đã được gửi đi học tại chiến khu Việt Bắc. Cũng tại đây, bà gặp Bác Hồ lần đầu tiên năm 1953.

Hôm ấy, một buổi sáng tháng 6, cả lớp học 60 học viên, các học viên nữ đều được xếp ngồi ở bàn đầu. Buổi học vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Đang học thì tiếng của đồng chí cảnh giới bất ngờ reo lên: "A, Bác Hồ đến, Bác Hồ đến!” bà Lữ cùng mọi người trong lớp chưa hết ngỡ ngàng thì đã thấy một ông cụ có vầng trán cao, đôi mắt sáng ngời, chòm râu dài, dáng vẻ gầy gò trong bộ quần áo chàm, bước vào lớp học. Bác ân cần đến nắm chặt tay từng học viên, động viên rồi căn dặn: “Các cô, các chú được cử đi học thì phải ra sức học tập, rèn luyện để mai này có thể trở thành những chiến sĩ công an có ích cho đất nước, đem sức, đem tài phục vụ đất nước, nhân dân”. Rồi Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát. Khi dứt tiếng hát, mọi người bình tĩnh lại thì Bác đã đi lúc nào không hay. “Lúc ấy, tất cả chúng tôi đều không ai nói nên lời, đã nghe nói nhiều về Bác nhưng hôm nay mới được gặp và ai cũng khóc vì thương Bác, trông Bác gầy lắm!” Kể đến đây, đôi mắt bà ngấn lệ.

Bà Nguyễn Thị Lữ và con gái Lê Thị Oanh cùng cán bộ Nhà khách Tỉnh ủy Thanh Hóa vinh dự được gặp Bác Hồ (ảnh tư liệu).

Đến năm 1957, bà được gặp Bác lần thứ hai tại Hà Đông, khi Người đến thăm lớp học của bà. Nhưng có lẽ, lần gặp Bác để lại cho bà nhiều ấn tượng nhất là vào năm 1961, khi bà đã được biên chế về tổ trinh sát thuộc Ty Công an Thanh Hóa. Bà nhớ lại, vào ngày 12/12/1961, khi được tin Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, tôi đưa con gái đầu lòng Lê Thị Oanh hơn 4 tuổi lên cơ quan từ sớm, năn nỉ các đồng chí cảnh vệ cho sang nhà khách Tỉnh ủy với mong mỏi được gặp Bác Hồ và được chấp thuận. Bé Oanh được đồng chí cảnh vệ đưa đi trước. Tôi thay quân phục, vấn tóc vội chạy theo sau. Vừa sang nhà khách Tỉnh ủy thì nhìn thấy Bác. Bé Oanh và một cháu gái nữa là con một đồng chí trong nhà khách Tỉnh ủy chạy lại bên Bác, lễ phép khoanh tay: “Cháu chào Bác Hồ ạ”. Bác giang tay ôm hai bé vào lòng và dí dỏm đùa vui: “Bác Hồ chào cháu ạ”. Chúng tôi chạy ùa lại, quây quần quanh Bác, Bác ân cần thăm hỏi chúng tôi và phát lệnh “Nào Bác cháu ta cùng chụp ảnh” rồi Bác bế hai cháu bé ngồi hai bên và chúng tôi đứng, ngồi chung quanh để chụp ảnh cùng Bác. Chụp ảnh xong, Bác chia kẹo cho hai cháu nhỏ rồi đi luôn ra trung tâm thị xã nói chuyện với đồng bào tỉnh Thanh. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ không bao giờ quên đối với bà, không ngờ rằng cuộc đời mình lại may mắn, vinh dự gặp Bác, chụp ảnh với Bác, được nghe Bác nói...

Nhớ lời Bác dạy

Kỷ niệm những lần gặp Bác luôn hiện hữu trong tâm trí bà, vinh dự ấy là nguồn cổ vũ lớn lao, nhắc nhở bà trong suốt bao nhiêu năm qua, nỗ lực phấn đấu hết mình, cống hiến công sức mình cho quê hương, đất nước, xứng đáng với sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu.

Vốn là nữ công an nhân dân, từ cán bộ tổ trinh sát rồi chuyển công tác văn phòng thuộc Ty Công an Thanh Hóa. Đến năm 1964, do yêu cầu nhiệm vụ, bà lại được chuyển ra giữ chức Phó Giám thị Trại giam số 4, Phú Sơn tại Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Trước sự đánh phá ác liệt của giặc Mĩ, bà đã cùng các đồng đội của mình giữ vững an ninh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những thành tích xuất sắc trong thời gian công tác tại Bắc Thái, bà cùng đơn vị đã được Nhà nước phong tặng là anh hùng LLVT Nhân dân. Sau giải phóng miền Nam được biệt phái sang Bộ LĐ-TB&XH vào các tỉnh phía Nam để phân loại đối tượng chính trị. Năm 1976, sau khi Bộ Công an sáp nhập Trại giam số 4 với Trại số 5, bà được bổ nhiệm làm Giám thị trại tạm giam của Thanh Hóa cho đến lúc về hưu.

Bà Nguyễn Thị Lữ và chồng Lê Minh Giản.

Kỷ niệm những lần được gặp Bác, đặc biệt là bức ảnh bà và con gái cùng cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa chụp chung cùng Bác khi Người về thăm Thanh Hóa là kỷ vật bà đem theo bên mình, động viên, nhắc nhở bà luôn làm những điều xứng đáng với lời dặn dò của Bác, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện, bức ảnh được bà treo trang trọng trong phòng, như một kỷ vật thiêng liêng mà bà may mắn có được.

Làm theo lời dạy của Bác, bà Lữ cùng chồng là ông Lê Minh Giản - một kỹ sư ngành lâm nghiệp, luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, nuôi dạy các con chăm lo học hành, thành đạt.

Với những cống hiến của mình, bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhưng với bà, có lẽ những lần được gặp Bác, tấm ảnh mà hai mẹ con bà được vinh dự chụp chung với Người vẫn là phần thưởng vô giá. Có lẽ cũng vì những điều thiêng liêng ấy, những người con của bà, trong số ấy có người đã nghỉ hưu, đều được bà hướng vào công tác trong ngành công an, nối bước mẹ, cống hiến cho quê hương, đất nước… Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, tích cực tham gia hoạt động CLB công an hưu trí, tham gia viết thơ, viết báo... ôn lại kỷ niệm về một thời hoạt động, công tác, mong muốn các con cháu mình cũng luôn học tập, rèn luyện phẩm chất, phong cách, đạo đức của Bác Hồ kính yêu.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]