(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngày 14/10, tại Trung tâm hội nghị 25B, UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Luật dân sự, Luật Thống kê cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quán triệt, triển khai Luật ban hành VBQPPL, Bộ Luật dân sự và Luật Thống kê

(VH&ĐS) Ngày 14/10, tại Trung tâm hội nghị 25B, UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Luật dân sự, Luật Thống kê cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thìn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Thị Thìn nhấn mạnh, các quy định mới của Luật ban hành VBQPPL, Bộ Luật dân sự, Luật Thống kê có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi tỉnh ta đã và đang quyết tâm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển KT - XH, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH giai đoạn 2016 - 2020; góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, để sớm đưa nội dung các luật vào thực tiễn cuộc sống, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành là quán triệt, triển khai nghiêm túc các quy định của Luật. Đây là khâu quan trọng, là yêu cầu có tính bắt buộc đối với cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp thực thi các đạo luật.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã truyền đạt, giới thiệu những điểm mới, những nội dung cơ bản nhất của Luật ban hành VBQPPL; Bộ Luật dân sự.

Theo đó, đối với Luật ban hành VBQPPL năm 2015 gồm 17 chương, 173 điều, với những điểm mới, như: Luật đã thống nhất 2 luật hiện hành về ban hành VBQPPL thành một văn bản luật; giảm một số hình thức VBQPPL và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản. Vì vậy, ở các địa phương bỏ hình thức chỉ thị của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, xã.

Luật cũng quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn về nội dung, thẩm quyền và các trường hợp ban hành VBQPPL của HĐND, UBND. Đặc biệt, Luật có điểm mới: “Nghiêm cấm HĐND, UBND các cấp ban hành văn bản có quy định về thủ tục hành chính”.

Bộ Luật dân sự 2015 gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều với nhiều đổi mới về nhận thức, tư duy pháp lý trong việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự, xây dựng nền tảng pháp lý thống nhất, đồng bộ, ổn định cho hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, thực hiện bảo vệ quyền dân sự về nhân thân, tài sản của cá nhân, pháp nhân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN và phục vụ hội nhập quốc tế. Bộ Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Hội nghị cũng đã nghe đại diện Cục Thống kê Thanh Hóa truyền đạt, giới thiệu điểm mới của Luật Thống kê 2015. Theo đó, Luật gồm 9 chương, 72 điều, tăng 30 điều so với Luật Thống kê 2003. Trong đó, bổ sung 2 chương mới hoàn toàn.

Luật còn bổ sung hình thức thu thập thông tin thống kê mới so với hai hình thức trước đây là sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thông tin Nhà nước. Luật cũng dành một chương riêng về nghiên cứu ứng dụng phương pháp thống kê, công nghệ thông tin truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kế Nhà nước.

Luật đã quy định rõ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm, nhất là hành vi khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê, can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê…

Ngọc Huấn


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]