Đảm bảo nguồn cung thực phẩm tại chỗ
Với mong muốn tạo điểm nhấn, sức hút đối với khách du lịch, bên cạnh việc không ngừng nâng cao, đổi mới chất lượng phục vụ, cải tạo cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên... các cơ sở homestay ở nhiều huyện miền núi xứ Thanh còn chú trọng đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên nguồn thực phẩm tại chỗ.
Ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số luôn hấp dẫn du khách.
Trong những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng theo hình thức homestay góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa của địa phương đến với du khách. Quan trọng hơn là mở ra cơ hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa ở nhiều huyện miền núi xứ Thanh có thêm việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Một số nơi, người dân biến nhà mình, hoặc đầu tư thêm những căn nhà nhỏ, xây dựng khu sản xuất, chăn nuôi nhằm đáp ứng nguồn cung thực phẩm tại chỗ cho khách tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống.
Khuôn viên homestay của hộ chị Ngân Thị Huệ, bản Báng, xã Thành Sơn (Bá Thước) được thiết kế hòa với thiên nhiên, xung quanh là vườn rau, cây xanh, xa xa là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại. Dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng homestay luôn thu hút lượng lớn du khách tới nghỉ ngơi. Với 4 phòng riêng, một nhà sàn cộng đồng có thể đón trên 20 khách nghỉ ngơi, ăn uống. Tại đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp nên thơ của núi rừng. Thỏa mình khám phá, tìm hiểu phong tục, tập quán, được cùng ăn, cùng ở, tham gia sinh hoạt cùng người dân bản địa trong không khí ấm cúng và thân thiện. Chị Huệ cho biết: "Gia đình tận dụng quỹ đất khu nhà ở cũ cách đó vài cây số để trồng trọt, chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm sạch tại chỗ để phục vụ du khách. Khu sản xuất, chăn nuôi được bố trí đảm bảo vệ sinh, với nhiều đặc sản của địa phương như vịt Cổ Lũng, lợn mán, gà đồi, cá dốc... cùng các loại rau, củ theo mùa".
Xã Thành Lâm (Bá Thước) có 6 thôn, trong đó có 3 thôn làm du lịch cộng đồng, tập trung ở thôn Bầm, thôn Đôn, thôn Leo với 26 cơ sở lưu trú. Năm 2023, địa phương đón gần 30.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng. Hầu hết nguồn rau xanh được trồng theo hướng hữu cơ, như: bắp cải, su hào, rau cải, xà lách, các loại rau thơm, hay gà đồi, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, cá dốc... được các hộ làm du lịch ở đây chuẩn bị theo hướng tự cung, tự cấp trên cơ sở đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm, vừa xây dựng thương hiệu, giá trị cho chính cơ sở của mình. Thời gian tới, xã sẽ thành lập HTX nông nghiệp – thảo dược Pù Luông, tập trung trồng cây ăn quả, rau, củ, chăn nuôi gia cầm, với mong muốn cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong suốt thời gian lưu trú tại đây.
Du khách đến tham quan thác Mây, thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) hẳn không thể không ghé chân nghỉ ngơi tại homestay “Bỏ phố về rừng” ở thôn Thống Nhất. Với phương châm phát triển du lịch đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, chủ nhân nơi đây đã dựng một nhà sàn truyền thống của người dân tộc Mường để làm nơi lưu trú, phía dưới thiết kế những lán nhỏ bên bãi đất ven sông, tạo khuôn viên cho du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh, trải nghiệm. Chị Bùi Thị Nga, chủ homestay “Bỏ rừng về phố” cho biết, mô hình đi vào hoạt động được hơn một năm và đã thu hút được lượng khách ổn định từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Song song với việc xây dựng triết lý sống xanh khi mang tới các sản phẩm, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp và chất lượng, homestay “Bỏ phố về rừng” luôn duy trì việc tự cung, tự cấp thực phẩm, chủ yếu là gà, lợn, các loại rau, củ quả nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống, lưu trú của du khách. Ngoài ra, nếu khách cần thưởng thức món ăn đặc sản như: cá, ốc núi, măng rừng... cơ sở sẽ liên kết, mua ở các hộ dân khai thác ở sông, suối...
Phát huy lợi thế về phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, môi trường trong lành, khí hậu quanh năm mát mẻ và văn hóa truyền thống giàu bản sắc dân tộc, huyện Bá Thước đang tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng (điểm nhấn là Khu du lịch Pù Luông với gần 80 cơ sở lưu trú, có thể đón tối đa 1.500 khách/ngày đêm) nhằm góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Bên cạnh việc xây dựng điểm bản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng và XDNTM, thông qua nhiều cơ chế hỗ trợ như phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức kỹ năng về du lịch, ngoại ngữ, ẩm thực, văn hóa văn nghệ; khôi phục các nét đẹp văn hóa, điệu khặp, múa sạp của người Thái, xường Mường, các ngành nghề truyền thống; xây dựng các điểm thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt tại các điểm du lịch cộng đồng tại bản Hiêu, xã Cổ Lũng; bản Kho Mường, xã Thành Sơn; bản Son, xã Lũng Cao; bản Muốn, xã Điền Quang; Chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm... huyện còn chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, di tích lịch sử, di tích khảo cổ. Thiết lập tour, tuyến du lịch phục vụ khách du lịch. Đồng thời tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, mật ong rừng Pù Luông, vịt Cổ Lũng, lạp sườn và khâu nhục họ Hoàng, thịt trâu gác bếp... phục vụ khách du lịch.
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-02-06 08:34:00
“Chuyến xe yêu thương” đưa người bệnh về quê đón Tết
Đa dạng thị trường giỏ quà Tết
Điện lực Khu vực Như Thanh - Như Xuân đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Tết của những người chăm lo việc Đảng, việc dân
Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo tại Thạch Thành
Ngày mới ở bản Pa
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào khu vực miền núi
Những món quà gợi nhớ tết quê hương
Xuân ấm cho học sinh nghèo
Hy vọng năm 2024 tiến độ giải ngân sẽ tăng