Đánh thức tiềm năng, lợi thế từ rừng để phát triển du lịch cộng đồng
Thanh Hóa hiện có trên 648.370ha rừng và đất lâm nghiệp. Hệ sinh thái rừng của tỉnh rất đa dạng, phong phú, là nơi tập trung và phân bố của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Phát huy lợi thế trên, những năm qua tỉnh ta đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, gắn với việc bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) bền vững. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Khu BTTN Xuân Liên.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có Vườn Quốc gia (VQG) Bến En và một phần VQG Cúc Phương, 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, Xuân Liên, Pù Hu, 2 khu bảo tồn loài Nam Động, Sến Tam Quy, 8 ban quản lý rừng phòng hộ và 11 khu bảo tồn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Mỗi cánh rừng ở các địa phương đều có những đặc trưng riêng để phát triển du lịch. Với lợi thế đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 30 khu du lịch sinh thái. Nhiều khu lịch sử văn hóa nằm trên địa bàn có rừng cũng đã khai thác được thế mạnh, thu hút đông đảo khách du lịch. Vì vậy, du lịch cộng đồng dựa vào rừng những năm qua đang phát triển khá mạnh.
Điểm nhấn du lịch cộng đồng trong tỉnh đó là huyện Bá Thước, tận dụng vùng đệm, vùng lõi của Khu BTTN Pù Luông để phát triển du lịch cộng đồng. Được biết, Dự án du lịch sinh thái và cộng đồng tại Thanh Hóa bắt đầu thực hiện bởi dự án bảo tồn đa dạng sinh học Pù Luông - Cúc Phương do Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế FFI thực hiện vào năm 2002. Bước đầu, dự án hỗ trợ cho 10 bản thuộc vùng đệm Khu BTTN Pù Luông, mỗi bản dự án lựa chọn một số hộ gia đình làm du lịch, đón tiếp khách, hỗ trợ tập huấn... Đến nay, Bá Thước đã có 102 cơ sở lưu trú, trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã liên doanh, liên kết với các hộ dân để đầu tư nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô. Do vậy, lượng khách du lịch đến với Bá Thước ngày một tăng. 5 tháng đầu năm 2024 huyện Bá Thước đón trên 110 nghìn lượt khách du lịch, trong đó lượng khách quốc tế tăng cao.
Thiên nhiên ban tặng cho VQG Bến En (Như Thanh) nhiều cảnh đẹp thơ mộng, hùng vĩ. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến an ninh rừng. Vườn hiện có tổng diện tích tự nhiên hơn 14.305,9ha và 30.000ha rừng vùng đệm, phần lớn là rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Nơi đây có hồ sông Mực rộng lớn, nước trong xanh, có các đảo biệt lập, cảnh quan thơ mộng. Xung quanh VQG Bến En là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường. Đồng bào dân tộc nơi đây còn gìn giữ nhiều phong tục tập quán và nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Đến với VQG Bến En, du khách có thể thuận lợi để kết nối đến nhiều khu, điểm du lịch cộng đồng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, độc đáo của núi rừng hùng vĩ; khí hậu mát mẻ cùng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái, Mường... Để phục vụ cho hoạt động du lịch, thời gian qua VQG Bến En đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp phương tiện phục vụ kinh doanh du lịch và mua sắm các trang thiết bị PCCC, cứu hộ, cứu nạn; tổ chức khai thác một số điểm, tuyến tham quan trong vườn.
Ông Lê Công Cường, Giám đốc VQG Bến En, cho biết: “Nhằm bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVR trong cộng đồng dân cư, khách du lịch, tăng cường tuần tra, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng; giao khoán BVR, không ngừng nâng cao chất lượng, độ che phủ của rừng”.
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, những năm qua huyện Bá Thước và Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông luôn chú trọng công tác BVR, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Khác với các Khu BTTN khác, tại đây không di dời người dân ra khỏi khu bảo tồn mà để người dân cùng sinh sống và tham gia BVR, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khẳng định: Quan điểm của huyện là các điểm du lịch không được đầu tư xây dựng các hạng mục bằng bê tông, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Cùng với đó, huyện tích cực kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch về phát triển du lịch, gây ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên.
Để du lịch sinh thái phát triển, gắn với BVR, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện chính sách quản lý và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển du lịch xanh, như: Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; các đề án phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại một số huyện miền núi của tỉnh, như: Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En, giai đoạn 2021-2030; Đề án “Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”; Đề án “Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”...
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gần đây, mỗi năm Thanh Hóa thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến các điểm du lịch sinh thái và các điểm di tích có rừng. Do lượng du khách đến tham quan đông, rất dễ gây cháy và xâm hại đến rừng, nên các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an và chính quyền các địa phương luôn phối hợp với ban quản lý, chủ rừng, doanh nghiệp làm du lịch tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng, và phổ biến đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách mới của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp đến các hộ dân được hưởng lợi, từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc BVR.
Ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng Phòng BTTN, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Những năm qua, hoạt động từ du lịch sinh thái đang được quan tâm phát triển, nhiều địa phương đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhiều điểm du lịch, di tích đáp ứng xu thế du lịch sinh thái trải nghiệm rừng của du khách. Để đảm bảo cho công tác quản lý, BVR mà vẫn hoạt động có hiệu quả du lịch, những năm qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương, các ban quản lý rừng, chủ rừng Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, giữ vững cảnh quan môi trường, bảo đảm và nâng cao tính đa dạng sinh học đến đông đảo người dân và khách du lịch. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương mua sắm các trang thiết bị BVR, PCCCR, tập trung trồng mới các diện tích rừng nhằm tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Vì vậy, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp hay cháy rừng từ các khu du lịch, khu di tích có rừng.
Bài và ảnh: Khắc Công - Trung Lê
- 2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
- 2024-09-13 13:22:00
Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
- 2024-05-30 07:53:00
Nhà sách Fahasa Lam Sơn - “điểm hẹn” mùa hè
Sách thiếu nhi dịp Hè: Nội dung phong phú, đa dạng thể loại
Trí tuệ khắc kỷ - Học cách sống đạo đức và dũng cảm
“Hoa vui ca”: Sân chơi âm nhạc mới trên sóng VTV dành cho khán giả nhỏ tuổi
Thường Xuân: Sôi nổi các phong trào văn hóa - thể thao
“Hằng ngày” và “hàng ngày”
10 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW: Xây dựng văn hóa và con người Sầm Sơn ngày càng đẹp trong lòng bạn bè, du khách
Xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh
“Anora” giành giải Cành cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes 2024
Đạo Phật an vui giữa đời thường