Đào rừng làm đẹp mùa xuân vùng biên
Ngược ngàn trên những nẻo đường miền Tây xứ Thanh những ngày cận tết, thấp thoáng sau những vạt rừng, sắc hoa đào đang đua nhau bung nở. Cứ vào dịp tết đến xuân về, cây đào được bà con dân tộc nơi đây chăm sóc và gìn giữ như “báu vật” lại nở hoa, khoe sắc.
Ở xã Pù Nhi (Mường Lát), ngoài cây mận, cây đào cũng được người dân trồng, mở rộng.
Huyện biên giới Mường Lát xưa nay vốn nổi tiếng là nơi có hoa đào đá đẹp nhất xứ Thanh, tập trung chủ yếu ở bản người Mông tại các xã Nhi Sơn, Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý. Nơi đây hiện còn tồn tại hàng trăm gốc đào đá cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm được bà con trồng, chăm sóc, giữ gìn dưới mái hiên nhà sàn, trên những thửa ruộng, sườn đồi... như một phần không thể thiếu trong đời sống và phong tục tập quán, trong những lần du canh, du cư, dân bản đều đem theo cây đào giống để trồng. Cận tết, một số cây đã bắt đầu bung hoa nở tô thắm một góc trời. Những năm gần đây, nhu cầu đào chơi tết của người dân miền xuôi tăng đột biến nên bà con đã trồng nhiều rừng đào quanh các nương rẫy. Đây là nguồn thu không nhỏ góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con.
Trước đây, gia đình chị Giàng Thị Chung (bản Cá Nọi, xã Pù Nhi) chủ yếu trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống ngày này qua năm khác cũng chẳng khấm khá là bao. Nhận thấy cây đào có giá trị kinh tế cao, gia đình đã tập trung đầu tư công sức để chăm sóc một số cây đào đá đã trồng từ trước đó của cha ông để lại, đồng thời trồng thêm nhiều cây mới. Theo chia sẻ của chị, ở đây hầu như nhà nào cũng trồng đào, có những gốc đào tự nhiên, nhiều năm tuổi, gốc xù xì, rêu mốc có thể bán với giá hàng triệu đồng. Ngoài ra, những cành to, đẹp, nhiều nụ cũng mang lại giá trị kinh tế không kém. Đối với dân chơi đào, họ thường chuộng đào đá vì bông và nụ to, thân cây rêu phong, mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Ở xã Pù Nhi, cùng với cây mận, mô hình trồng đào đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Bên cạnh những cây đào đá có tuổi đời hàng chục năm được chăm sóc, giữ gìn, hàng năm các hộ dân còn trồng mới thêm nhiều diện tích đào lai đỏ ở các bản Pù Toong, Pù Quăn, Pha Đén... Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc lai tạo, cắt ghép để nâng cao hiệu quả cây trồng.
Suốt nhiều năm qua, đồng bào Mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) vẫn có thói quen gìn giữ những cây đào đá bản địa, đây không chỉ là nét đẹp văn hóa, tô đẹp bản làng, cây đào giờ đây còn có giá trị về kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Theo trưởng bản Sung Văn Cấu, cây đào có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của bà con, vậy nên nhà nào cũng có từ 1 – 2 cây đào được trồng xung quanh nhà. Nếu như trước đây loài cây này trồng chỉ để lấy quả, thì nay được mở rộng diện tích để lấy cây, cành bán dịp tết. Vừa qua, UBND huyện cũng đã ban hành quyết định về phê duyệt dự án trồng đào tại bản, thu hút 13 hộ dân tham gia, với tổng diện tích 2,8 ha. Bà con được hỗ trợ giống, phân bón, quy trình trồng, chăm sóc. Dự án được kỳ vọng giúp dân bản có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Bên cạnh đào cổ thụ, đồng bào Mông còn được hỗ trợ trồng thêm giống đào mới, mang giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo (Quan Sơn) cho biết, dự án trồng đào cũng được triển khai ở bản Ché Lầu, với 13 hộ tham gia. Tính đến nay, cả bản có 2,5 ha trồng đào, trong đó có 7 hộ thành vườn, hơn 40 hộ trồng xen canh. Thời gian qua, các cấp chính quyền luôn tích cực tuyên truyền, đưa ra các phương hướng, giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ bà con để họ yên tâm trồng, chăm sóc, khai thác, buôn bán đào. Nhờ đó, diện tích trồng cây đào luôn được duy trì ổn định, người dân có thêm thu nhập, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo và trở thành hộ khá tại địa phương. Dự kiến, trong năm 2024, ở bản Ché Lầu sẽ triển khai trồng thêm 1,6 ha cây đào mới.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, cây đào được trồng rải rác ở các thôn, bản trên địa bàn huyện với tổng diện tích phân tán, xen ghép tại các vườn hộ gia đình là 13,6 ha. Tập trung chủ yếu ở các bản Mông: Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu. Với mong muốn giúp bà con giữ gìn cây đào truyền thống cũng như tăng thêm thu nhập từ cây trồng này, vài năm gần đây cùng với khai thác cành những cây đã đến tuổi, bà con các bản vùng cao của huyện cũng đã tích cực trồng mới, mở rộng diện tích trồng đào để có cành cung ứng cho thị trường tết trong những năm tới. Riêng đối với 2 bản Mùa Xuân (Sơn Thủy), Ché Lầu (Na Mèo) huyện cũng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án trồng đào. Việc phát triển, mở rộng diện tích trồng đào hướng đến xây dựng thành loại cây trồng chủ lực góp phần mở hướng thoát nghèo cho bà con đồng bào Mông trong tương lai...
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-11-24 07:33:00
Những bản sáng vùng biên: “Chọn việc dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó”
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-01-25 11:05:00
Mường Lát trong giá lạnh
Tìm việc làm trên mạng, người lao động có nguy cơ bị lừa đảo
Ý nghĩa chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” cho trẻ em huyện Ngọc Lặc
Sôi động thị trường hoa, cây cảnh tết
Công an TP Thanh Hóa tăng cường các giải pháp chống ùn tắc giao thông trước và trong dịp Tết Nguyên đán
Năm 2024, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh phấn đấu đón trên 350.000 lượt khách
“9 ngày lạnh nhất” và sự trùng hợp về đợt rét đậm, rét hại đầu tiên năm 2024
Tinh thần tuyệt đối “đã uống rượu bia thì không lái xe”
Sinh kế để bà con vùng biên giới Mường Lát thoát nghèo
Trời rét đậm, rét hại, giữ sức khỏe cho người già và trẻ em thế nào?