(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm đào tạo nguồn lực có trình độ, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã tập trung đổi mới công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường liên kết, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Nhằm đào tạo nguồn lực có trình độ, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã tập trung đổi mới công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường liên kết, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làmGiờ học thực hành của lớp chăn nuôi thú y Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.

Có mặt tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, chúng tôi được giáo viên nhà trường dẫn đi mục sở thị tại các lớp học, mô hình thực nghiệm của trường. Tại giờ học thực hành của lớp chăn nuôi thú y, các em sinh viên được học cách tiêm phòng cho vật nuôi trên mô hình trước khi áp dụng thực tế trên vật nuôi. Em Trịnh Phương Linh, lớp chăn nuôi thú y cho biết: “Việc học thực hành đã giúp cụ thể hóa các nội dung lý thuyết, giúp cho em tiếp thu và nhớ những kiến thức được học nhanh hơn, lâu hơn, khi áp dụng vào thực tế mang lại độ chính xác cao, hiệu quả hơn”.

Tại lớp học điện công nghiệp, các em sinh viên được thầy giáo vừa truyền đạt lý thuyết, vừa hướng dẫn trực tiếp trên bảng điện và cho các em lên thực hành. Em Lê Đình Thanh, lớp điện công nghiệp cho biết: “Em lựa chọn học nghề điện vì cảm thấy phù hợp với bản thân và có thể tạo việc làm ngay tại địa phương. Trong quá trình học, thời gian học thực hành nhiều nên sau nửa năm, những kiến thức đã học em đều có thể áp dụng vào cuộc sống, có thể sửa được điện trong gia đình mình”.

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa hiện đào tạo 13 ngành nghề trình độ cao đẳng, 12 ngành nghề trình độ trung cấp, 24 nghề trình độ sơ cấp. Năm 2024, trường tuyển sinh 2.415 người học. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy là 517 học sinh, sinh viên; trình độ sơ cấp 230 học viên, đào tạo dưới 3 tháng và bồi dưỡng ngắn hạn cho 1.665 học viên. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà trường thường xuyên rà soát, bổ sung chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và sự thay đổi của khoa học công nghệ.

Song song với học lý thuyết, trường đã chú trọng triển khai các giờ học thực hành. Thường mỗi môn học, giờ học thực hành chiếm từ 65% tổng số giờ học đối với trình độ cao đẳng, 75% tổng số giờ học đối với trình độ trung cấp. Điều này giúp cho học sinh, sinh viên, người học nắm được các kiến thức, kỹ năng cần thiết, áp dụng hiệu quả hơn trong thực tiễn. Để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành, nhất là các ngành, nghề như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ thú ý, lâm nghiệp, trường đã xây dựng mô hình thực nghiệm, chăn nuôi trồng trọt để học sinh thực hành.

Một giải pháp mà trường chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thời gian thực hành cho học sinh, sinh viên đó là kết hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và hỗ trợ sinh viên. Hằng năm, nhà trường đã gắn kết với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, mô hình, thiết bị phục vụ đào tạo. Trong quá trình rà soát xây dựng chương trình đào tạo và các mô hình đào tạo, nhà trường đã tham khảo ý kiến và mời các doanh nghiệp tham gia hội thảo, nghiệm thu các chương trình đào tạo.

Đặc biệt, nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trường đã phối hợp với Công ty CP Greenfeed Việt Nam tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường cũng phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên tham gia rèn nghề, thực tập với 1/3 thời gian đào tạo tại doanh nghiệp. Đến nay, trường đã kết nối, ký kết và duy trì hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp. Điển hình như: Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Bắc Sông Mã, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam, Công ty CP Nông sản Phú Gia...

Việc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp giúp các em học sinh, sinh viên được tăng giờ học thực hành tại các doanh nghiệp. Từ đó, tăng khả năng đào tạo, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ gắn với dịch vụ sản xuất trong nhà trường. Việc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế ngay khi đang còn học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và có cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, hằng năm, trường xây dựng kế hoạch, tổ chức, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường học thực hành, thực địa cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mục tiêu chung của trường: phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Nhờ vậy, 100% giáo viên, giảng viên của trường đều có giáo án phù hợp và kỹ năng thực hành.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, Lê Hoằng Bá Huyền cho biết: “Trường đã và đang nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Phát huy những kết quả đạt được, trường tiếp tục tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, đánh giá nắm bắt nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng đào tạo để tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường”.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]