(vhds.baothanhhoa.vn) - Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của toàn xã hội. Xác định được điều đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng truyền thông, giáo dục các em học sinh nội dung, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, phòng chống xâm hại đối với trẻ em.

Đẩy mạnh truyền thông bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em ngay từ nhà trường

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của toàn xã hội. Xác định được điều đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng truyền thông, giáo dục các em học sinh nội dung, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, phòng chống xâm hại đối với trẻ em.

Đẩy mạnh truyền thông bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em ngay từ nhà trườngHoạt động giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường tại Trường THCS Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa).

Với mục tiêu dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất và mang lại nụ cười hồn nhiên trong sáng cho các em học sinh, Trường THCS Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng của các em học sinh trong việc bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em. Tháng 4 vừa qua, Trường THCS Thiệu Khánh đã phối hợp với Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường cho học sinh nhà trường. Thông qua các hoạt động thực tế, các em học sinh và cán bộ, giáo viên cũng như phụ huynh và chính quyền địa phương đã được cung cấp các nội dung như: nhận biết những biểu hiện, hành vi xấu gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của trẻ em; cách phòng tránh trước các tình huống xấu, nguy hiểm; mạnh dạn tìm người tin cậy giúp đỡ, không sợ bị đe dọa hay che giấu sự việc. Cô giáo Đỗ Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Khánh, cho biết: Để bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ, ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, hoạt động ngoại khóa, các chương trình, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong nhà trường nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm cho trẻ, cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên nhà trường trong việc bảo vệ trẻ em.

Dự một buổi sinh hoạt chuyên đề “giáo dục kỹ năng - phòng chống tai nạn, đuối nước cho học sinh” tại Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa), chúng tôi nhận thấy các em học sinh cũng như giáo viên nhà trường rất quan tâm đến việc trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ. Nhà trường đã phối hợp với Học viện kỹ năng thế giới mới tổ chức tuyên truyền lồng ghép với tiết học phổ biến kiến thức về kỹ năng an toàn cho trẻ. Các em không chỉ được tìm hiểu lý thuyết, mà còn được trải nghiệm thực tế thông qua các mô hình nhằm tăng cơ hội thực hành và ghi nhớ kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm của trẻ. Em Cao Phương Ngân, học sinh lớp 7D cho biết: "Các kiến thức được học không chỉ giúp em nhận diện được những nguy hiểm để phòng tránh mà còn có thêm kỹ năng sống, áp dụng trong thực tế để bảo vệ bản thân...".

Hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, Ban Giám hiệu Trường THCS Cù Chính Lan đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn cho các em học sinh. Đồng thời, lồng ghép với các môn học, chương trình ngoại khóa, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên phối hợp với các trung tâm, đơn vị liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động truyền thông, giáo dục các kỹ năng an toàn, phòng tránh xâm hại trẻ em. Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp với công an địa phương và các hội, đoàn thể tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của học sinh tại trường lớp học nhằm nắm bắt, nhắc nhở kịp thời những trường hợp có nguy cơ không đảm bảo an toàn trường học. Cô giáo Lê Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan chia sẻ: Nhà trường đã tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức kỹ năng về phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông; giáo dục đạo đức lối sống cho các em học sinh trong nhà trường. Thông qua các buổi học lồng ghép, sinh hoạt ngoại khóa các em học sinh được nâng cao nhận thức về cách nhận diện nguy hiểm, cách phòng tránh các mối nguy hiểm, rủi ro. Đồng thời, giúp các em tự tin và từng bước xây dựng thói quen an toàn cho học sinh. Đặc biệt, nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên trong việc xây dựng môi trường an toàn cho học sinh.

Việc truyền thông giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em đã và đang được ngành GD&ĐT quan tâm triển khai. Ông Dương Minh Anh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, cho biết: Phòng đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục kỹ năng an toàn, phòng, chống xâm hại trẻ em. 100% các trường đã triển khai lồng ghép vào các môn học như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm... Tổ chức tuyên truyền thông qua các chương trình văn nghệ, các hoạt động ngoại khóa, trên zalo, fangage, web. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã tăng cường phối hợp với công an, các hội đoàn thể, các trung tâm tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục đạo đức lối sống, phòng chống cháy nổ, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh... với mục tiêu hướng đến xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại là một việc làm thường xuyên, liên tục cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Do đó, trường học - ngôi nhà thứ hai của trẻ, có nhiệm vụ nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục và hình thành kỹ năng thói quen an toàn, phòng chống xâm hại cho trẻ. Từ đó, giúp trẻ được phát triển học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh, có đủ hành trang vững bước vào đời.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]