Để các giá trị văn hóa - lịch sử đến gần hơn với giới trẻ
Thanh Hóa với 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có tới 856 di tích đã được xếp hạng. Cùng với hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh đã, đang là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng của quê hương đối với thế hệ trẻ.
Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) là một trong những điểm đến hấp dẫn trong hành trình tìm hiểu văn hóa - lịch sử của các bạn trẻ.
Thời gian gần đây, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kết hợp hoạt động giáo dục, trải nghiệm, các điểm đến văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định sức hút đối với giới trẻ. Trong số đó phải kể đến xu hướng “Edutainment” - giáo dục giải trí. Xu hướng này được hiểu là sự kết hợp giữa giáo dục và giải trí, cụ thể là sử dụng các phương pháp giải trí để truyền tải nội dung giáo dục một cách thú vị và hấp dẫn. Mặc dù mới phát triển mạnh trong những năm gần đây, song xu hướng
Edutainment đã, đang góp phần tạo ra môi trường mà ở đó việc học trở thành trải nghiệm thân thiện và người học tiếp thu kiến thức một cách chủ động.
Không nằm ngoài xu hướng phát triển, những năm gần đây Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) đã đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kết hợp trải nghiệm và giải trí, góp phần thu hút đông đảo lượng khách trẻ đến tham quan, tìm hiểu. Với mục tiêu “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc tổ chức thành công nhiều hoạt động giáo dục di sản ý nghĩa, bổ ích. Trong đó, một số hoạt động chủ đề đặc biệt thu hút sự quan tâm của học sinh như: Em làm nhà khảo cổ học với chủ đề “Thành Nhà Hồ - Di sản cho mai sau”; Di sản Thành Nhà Hồ trong tôi; Cùng khám phá Thành Nhà Hồ được xây dựng như thế nào?; Lễ thượng nêu tết xưa; Rung chuông vàng “Âm vang cố đô”... Đáng chú ý, mỗi hoạt động giáo dục không chỉ dừng lại ở việc tham quan, tìm hiểu và trả lời câu hỏi liên quan đến Di sản Thành Nhà Hồ, lịch sử hay văn hóa - xã hội... mà còn là sân chơi bổ ích, với đa dạng các hoạt động trải nghiệm về không gian văn hóa xưa và một số kỹ năng khai quật khảo cổ. Qua đó, các em được trang bị kiến thức về văn hóa - lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn, giúp các em phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm trong bảo vệ di sản văn hóa quê hương.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Bá Linh cho biết: “Việc kết hợp giáo dục lịch sử - văn hóa với các hoạt động trải nghiệm là một trong những hướng đi quan trọng để di sản đến gần hơn với đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thời gian qua, chúng tôi đã chú trọng tổ chức các không gian, sản phẩm trải nghiệm mới nhằm quảng bá rộng rãi giá trị của di sản, đặc biệt là các hoạt động giáo dục di sản dành cho học sinh, sinh viên ở các nhà trường. Đối với các bạn trẻ, được trực tiếp tham quan, nhìn thấy hiện vật và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thì việc tiếp thu kiến thức lịch sử sẽ trở nên dễ dàng hơn, hấp dẫn hơn và bền vững hơn. Từ đó giúp các em phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”.
Xu hướng giáo dục kết hợp giải trí cũng được Bảo tàng tỉnh chú trọng tổ chức có hiệu quả. Trong những năm gần đây, cùng với việc tổ chức trưng bày, bảo quản, sưu tầm tư liệu, hiện vật và đón khách tham quan, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử - văn hóa gắn với nhiều chuyên đề ý nghĩa. Trong đó, một số hoạt động thu hút đông đảo các bạn trẻ đến tìm hiểu, trải nghiệm, check-in như: “Một góc chợ quê ngày tết”; trưng bày “Bác Hồ với Thanh Hóa- Thanh Hóa làm theo lời Bác”; những cổ vật trang trí Rồng tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa; rung chuông vàng; nghề làm hương truyền thống...
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương cho biết: “Trong những năm gần đây, việc đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động được Bảo tàng tỉnh đặc biệt chú trọng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số ở các phòng trưng bày chuyên đề và tổ chức đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Thông qua cách tìm hiểu lịch sử bằng việc sử dụng các ứng dụng công nghệ, tiếp cận tài liệu, hiện vật một cách trực quan, sinh động sẽ khiến việc tiếp thu kiến thức văn hóa - lịch sử của giới trẻ không còn nhàm chán. Ở chiều ngược lại, việc đẩy mạnh “kết nối” với giới trẻ sẽ giúp các giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc được gìn giữ, phát huy hơn nữa trong quá trình đổi mới và hội nhập”.
Có thể nói, việc kết hợp giáo dục với giải trí đã, đang là một trong những cách thức “truyền lửa” cho giới trẻ về văn hóa - lịch sử một cách hiệu quả, thiết thực. Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục văn hóa - lịch sử. Trong đó, các chương trình ngoại khóa và giáo dục lịch sử địa phương ngày càng được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, tạo sự lôi cuốn, giúp học sinh nhớ lâu, nhớ sâu kiến thức văn hóa - lịch sử của quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Hoài Anh
- 2024-11-05 14:56:00
Niềm vui với Toán học
- 2024-11-05 14:47:00
UNESCO xem xét công nhận kỹ thuật nấu rượu sake là di sản văn hóa phi vật thể
- 2024-09-02 08:31:00
Cuộc thi vẽ tranh “TP Thanh Hóa trong trái tim em”: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi
[E-Magazine] – Vùng đất lở hồi sinh
Xây dựng nền đối ngoại mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam
Tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ
Nhà sàn làm du lịch
Trên đất Kỳ Tân
Trưng bày nhiều chuyên đề tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2/9
Nghĩa của “Mạo” trong từ “Miếu mạo”
Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh chia sẻ hồi ức về mẹ qua “Những ô cửa gió lộng”
“Gõ cửa" truyền thống tìm đến… cách tân