(vhds.baothanhhoa.vn) - Không phải đau đầu nghĩ cách làm thế nào để trông coi, quản lý các con trong những tháng nghỉ hè, cũng chẳng cần phải gửi con đến các lớp học, hạn chế xem ti vi, điện thoại... Bằng những cách tưởng chừng đơn giản mà thiết thực, nhiều bố mẹ đã tạo nên những kỳ nghỉ “mùa hè” ý nghĩa và an toàn ngay tại nhà cho con.

Để con trẻ trưởng thành hơn sau những mùa hè

Không phải đau đầu nghĩ cách làm thế nào để trông coi, quản lý các con trong những tháng nghỉ hè, cũng chẳng cần phải gửi con đến các lớp học, hạn chế xem ti vi, điện thoại... Bằng những cách tưởng chừng đơn giản mà thiết thực, nhiều bố mẹ đã tạo nên những kỳ nghỉ “mùa hè” ý nghĩa và an toàn ngay tại nhà cho con.

Để con trẻ trưởng thành hơn sau những mùa hèNgười lớn hãy để con trẻ lớn lên với những kỳ nghỉ hè thực sự bổ ích và ý nghĩa. Ảnh minh họa: Khánh Lộc

Gia đình có 3 con nhỏ, con gái đầu học lớp 6, con gái thứ 2 học lớp 1 và cậu con trai út mới 4 tuổi, chồng thường xuyên đi làm xa nhà song với chị Trần Nguyệt (làm việc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa) nhà ở đường Lê Thần Tông phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) lại có cách để kỳ nghỉ hè của các con diễn ra một cách nhẹ nhàng, ý nghĩa. Thậm chí, chị còn phấn khởi chia sẻ: “Hè là thời gian tôi nhàn nhất”. Đáng nói, trong những tháng nghỉ hè, các con chị không phải tham gia bất cứ lớp học thêm hè nào cả, ngoài những buổi đi học bơi thì phần lớn thời gian là ở nhà tự học và cả tự làm việc.

Bước vào kỳ nghỉ hè, điều đầu tiên chị Trần Nguyệt làm là công bố bảng nội quy gia đình, dán ở vị trí tất cả mọi thành viên có thể đọc được để các con thực hiện, như: Thức và ngủ đúng giờ quy định, sáng 6h và tối là 21h30; dọn phòng ngủ ngăn nắp trước khi ra khỏi giường; giao tiếp với mọi người lịch sự, không to tiếng, không cáu gắt; không tự ý rời khỏi nhà khi chưa được sự đồng ý của người lớn; đồ chơi và đồ dùng trong nhà phải để gọn gàng, ngăn nắp; không nhận đồ ăn của người khác khi bố hoặc mẹ chưa cho phép; tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ; chủ động nói xin lỗi và cảm ơn; chủ động làm việc nhà theo sự phân công của bố mẹ; gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông bà... Và dĩ nhiên là nếu không thực hiện đúng sẽ phải chịu phạt nghiêm khắc.

Khi tôi hỏi về việc làm thế nào để các con có thể nghiêm túc thực hiện, chị Nguyệt cho hay: Dĩ nhiên người lớn phải làm gương cho các con trước. Và đã là bố mẹ thì luôn phải công bằng. Công bằng trong mọi sự phân công và cả khen thưởng. Có như vậy các con mới không tị nạnh nhau.

Tháng 9 này Khánh An - con gái đầu nhà chị Nguyệt (tên thường gọi ở nhà là Bông) mới chính thức lên lớp 6 nhưng cô bé đã ra dáng một “quản gia” - trợ lý đắc lực cho mẹ. Cô bé có thể chủ động nấu những bữa cơm gia đình ngay cả khi mẹ vắng nhà; giúp mẹ quản lý nhà cửa. Và theo chia sẻ của chị Nguyệt, con gái lớn giúp mẹ quản lý - chứ không phải là chăm các em. Vì chăm con là trách nhiệm của bố mẹ. Chị Bông sẽ chủ động nhắc nhở các em về việc học bài, uống sữa, làm việc nhà theo quy định.

Nếu chị Bông nấu cơm, rửa bát, quản lý nhà cửa thì em Kem (con gái thứ 2, học lớp 1) sẽ phụ mẹ phơi quần áo, em Bo (4 tuổi) quét nhà. Sau cuối mỗi ngày sẽ có “họp gia đình” để đánh giá công việc trong ngày của các con, ai làm tốt sẽ được khen, ai chưa hoàn thành sẽ phải nhắc nhở, chịu phạt. Chị Nguyệt cho biết: "Tuần đầu thực hiện có vẻ còn chểnh mảng nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đã vào quy củ rồi. Mỗi ngày mẹ đi làm về nhà cửa đã tinh tươm sạch sẽ, cơm nước sẵn sàng. Hôm nào mẹ phải trực ở bệnh viện không về nhà thì ba chị em đã có thể tự chủ động lo cho nhau, thành ra tôi thấy mình khá nhàn".

Cũng theo chị Nguyệt, không ai tự dưng mà học giỏi, làm việc giỏi, biết nấu ăn ngon cả, tất cả đều phải có sự rèn dũa. Vì thế, có một nguyên tắc là đồ ăn bố mẹ hay chị Bông đã nấu ra, dù ngon hay chưa thì cả nhà đều phải ăn hết, không được bỏ phí hay đòi hỏi món khác. “Nhiều hôm buổi trưa về qua nhà, thấy con gái mồ hôi nhễ nhại đang nấu cơm trong bếp, thú thật người làm mẹ thật sự thương con. Nhưng rồi vẫn phải nén lại. Tôi thường động viên con rằng món này hôm nay Bông nấu đã ngon hơn ngày hôm trước. Còn với món nào chưa ngon thì thay vì chê, tôi góp ý để ngày mai con tự điều chỉnh. Được mẹ khen, chị Bông thích lắm. Con bé thường nói, mẹ đi làm cả ngày vất vả, lại còn thường xuyên đi trực buổi tối, con không muốn mẹ phải vất vả thêm nữa... Những lúc nghe con nói như vậy, người làm mẹ như tôi thực sự rất hạnh phúc.

Để khuyến khích con gái lớn có trách nhiệm và cả động lực với công việc “quản lý” gia đình được giao, chị Nguyệt cũng thỏa thuận sẽ trả lương cho con. Mỗi ngày hoàn thành công việc, chị Bông sẽ nhận được 50 nghìn đồng, cả tháng là 1,5 triệu đồng. Dĩ nhiên, nếu phạm lỗi sẽ phải bị trừ tiền.

Chia sẻ về việc sử dụng số tiền lương của mình, cô bé Khánh An hồ hởi khoe với tôi về những cuốn sách trên giá em đã tự mua được bằng tiền mẹ trả “lương”. Nhìn “gia tài” sách của cô bé 12 tuổi với những Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ; Điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn; Từ điển Anh - Việt... tôi thực sự khâm phục cô bé. Không chỉ vậy, cô bé còn tự hào cho biết thêm: “Mỗi lần cùng bố mẹ đi nhà sách, cháu cũng dùng tiền “lương” tiết kiệm mua cho em sách và đồ chơi yêu thích”.

Ngoài thời gian quản lý là làm việc nhà, ba chị em Khánh An cũng chủ động tự ôn bài, học bài ở nhà. Và dù nghỉ hè không đi học thêm, trong năm học chính cũng chủ yếu chỉ học trên lớp nhưng kết quả học tập của cô bé Khánh An luôn khiến chị Trần Nguyệt yên tâm, năm nào cô bé cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

Để con trẻ trưởng thành hơn sau những mùa hèDo công việc chị Nguyệt thường xuyên vắng nhà, song trong kỳ nghỉ hè các con vẫn tự giác ôn bài, dọn dẹp nhà cửa.

"Nhiều người góp ý với tôi rằng, làm như vậy liệu có quá nghiêm khắc với các con không? Còn tôi thì luôn quan sát biểu hiện của các con để biết việc mình làm liệu có đúng. Tôi thấy các con vẫn chấp hành và hoàn thành công việc, nhiệm vụ mẹ giao... Thậm chí, các cháu còn vui vẻ khoe những việc mình đã làm được, vậy có nghĩa là các con đang hạnh phúc với những điều đó đấy chứ. Trẻ con vốn đơn giản, cảm xúc cũng rõ ràng, chúng không biết nói dối như người lớn. Tôi nhớ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói, “sống dễ lắm, hãy cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. Và đến giờ, tôi tin mình vẫn đang làm đúng. Tôi muốn các con mình trưởng thành hơn qua những mùa hè. Con biết được các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như dọn dẹp, nấu ăn để ngay khi mẹ không có nhà thì vẫn có thể chủ động lo cho chính mình. Còn chuyện học hành của con, dù là trong năm học hay nghỉ hè tôi chỉ nhắc nhở chứ không ép. Tôi khuyến khích con tự học thay vì đi học thêm ở bên ngoài". - chị Trần Nguyệt chia sẻ quan điểm.

Với chị Hà ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) thì vào những ngày hè, chị lại tranh thủ dạy các con làm nghề đan lát của gia đình để có thêm thu nhập. Chị Hà cho biết: "Nếu để bọn trẻ rảnh rỗi thì loanh quanh kiểu gì cũng đòi xem ti vi, điện thoại... Thay vào đó, mình dạy con biết làm việc, biết được rằng kiếm tiền thực sự rất vất vả, để con biết quý trọng hơn sức lao động. Để khuyến khích con làm việc, tôi trả công cho con - trả theo thực tế sản phẩm làm ra. Số tiền đó, sẽ được cất đi và sử dụng vào đầu năm học mới".

Dĩ nhiên, nghỉ hè là dịp để con trẻ nghỉ ngơi, vui chơi. Bởi thế, sau một ngày cần mẫn ngồi đan lát, cuối buổi chiều, chị Hà lại tranh thủ cho các con ra đồng làng thả diều, hóng mát, để con có dịp hòa mình vào cuộc sống làng quê.

Câu chuyện “ứng xử”, quản lý mùa hè của các con của chị Nguyệt hay chị Hà chỉ là hai trong số vô vàn những mùa hè của con trẻ hiện nay. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà người lớn hãy lựa chọn những cách khác nhau trong việc tạo nên những kỳ nghỉ hè đúng nghĩa dành cho con.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]