Đề đốc Lê Văn Điếm: Võ quan xứ Thanh giữ thành Nam Định
Sinh ra và lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, nhưng với sức khỏe và nghị lực phi thường, Lê Văn Điếm người làng Bồng Trung (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc) đã trở thành võ quan dưới triều Nguyễn. Khi thực dân Pháp xâm lược, ông đã chiến đấu anh dũng để giữ thành Nam Định.
Lăng mộ Đề đốc Lê Văn Điếm ở quê nhà Bồng Trung được tôn tạo khang trang.
Làng Bồng Trung bên bờ sông Mã là một trong những làng khoa bảng của xứ Thanh. Nơi đây là quê hương của thủ lĩnh Tống Duy Tân trong khởi nghĩa Hùng Lĩnh chống thực dân Pháp xâm lược. Và không chỉ có “Cụ nghè Tống”, Đề đốc Lê Văn Điếm- một người con của đất Bồng Trung cũng đã chiến đấu anh dũng để chống lại kẻ thù xâm lược.
Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, Lê Văn Điếm thuở nhỏ có tên là Đốm, vốn gốc là người làng Phú Thịnh (Vĩnh Thịnh) về sau gia đình dời nhà lên Bồng Trung. Sinh thời, ông có sức khỏe phi thường, một mình làm việc bằng nhiều người. Chuyện kể rằng, hàng ngày ông vẫn thường xuống sông Mã gánh nước. Từ nhà ra bến sông dù phải đi bộ một quãng xa, vậy nhưng trong khi những người xung quanh chỉ gánh nước bằng hai cái nồi đình (nồi đất to) thì riêng ông, lại gánh nước bằng hai chum lớn, bước đi thoăn thoắt rất vững vàng.
Do gia cảnh nghèo khó, Lê Văn Điếm phải đi ở đợ cho nhà phú hộ trong làng. Bấy giờ, vào nửa cuối thế kỷ XIX, tình hình chính trị đất nước rất phức tạp. Thực dân Pháp mở rộng xâm lược, trong khi đó dọc các vùng biên giới phía Bắc, giặc cỏ liên tục nổi dậy quấy rối, cướp phá của dân lành. Để ứng phó tình hình loạn lạc, triều đình nhà Nguyễn buộc phải tăng cường huy động thanh niên trai tráng vào lính và Lê Văn Điếm cũng được ghi tên.
Vào lính, ông được phân vào “hỏa đầu quân” chuyên trông coi, phục vụ việc ăn uống. Bởi sẵn có sức khỏe, nhanh nhẹn, không ngại khó ngại khổ nên ông được nhiều người yêu quý. Một lần, Lê Văn Điếm đi tiếp tế lương thực cho tướng sĩ đánh giặc “Cờ Đen” thì thấy quân triều đình gặp nạn, bị kẻ địch uy hiếp. Trước tình thế ấy, ông nhanh tay nhổ tre bên đường làm vũ khí rồi “tả xung hữu đột” vung vào kẻ địch khiến nhiều tên ngã ngựa, những kẻ còn lại thì kinh hãi bỏ chạy hòng thoát thân. Sự dũng mãnh của Lê Văn Điếm đã nhanh chóng thay đổi tình thế, giúp quân triều đình chuyển bại thành thắng. Khi trở về, ông được khen thưởng và được chuyển sang võ quân để đào tạo kỹ thuật đánh trận.
Sau khóa huấn luyện, Lê Văn Điếm trở thành võ sinh xuất sắc và được tham dự kỳ thi võ do triều đình nhà Nguyễn tổ chức và đậu Phó bảng võ (Tạo sĩ). Đậu Phó bảng võ, Lê Văn Điếm tham gia quân ngũ phục vụ dưới quyền chỉ huy của ông Ích Khiêm - một vị đại quan của triều Nguyễn bấy giờ. Với tài năng, bản lĩnh, Lê Văn Điếm nhanh chóng được cấp trên tin tưởng, yêu mến, không lâu sau ông được đề bạt giữ chức Đề đốc giữ thành Nam Định.
Tương truyền, trong một lần ông được cử vào kinh đô Huế chúc thọ vua Tự Đức. Khi diện kiến nhà vua, với giọng nói hào sảng và khí chất bất phàm, Đề đốc Lê Văn Điếm đã khiến vua Tự Đức chú ý. Đặc biệt, biết ông làm nhiệm vụ giữ thành Nam Định, nhà vua đã truyền cho vị võ quan xứ Thanh bốn chữ “Điếm bất ly Nam” với ý dặn dò ông gắng giữ vững thành trì.
Đầu năm 1883, sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp mở rộng địa bàn xâm chiếm ra các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Với lợi thế về vũ khí, súng đạn, chúng đem quân đánh thành Nam Định. Khiếp đảm trước thế giặc mạnh, Tổng đốc thành Nam Định đã bỏ chạy thoát thân, còn quan án sát bị thương nặng. Nhân tình thế ấy, giặc Pháp tấn công càng thêm ồ ạt khiến quân triều đình nhà Nguyễn tổn thất nặng nề.
Ngôi nhà Đề đốc Lê Văn Điếm sống thuở thiếu thời ngày nay trở thành nơi con cháu trong dòng họ thờ phụng ông.
Trước tình thế ấy, Đề đốc Lê Văn Điếm vẫn hiên ngang đốc quân chống trả kẻ địch quyết liệt. Tuy nhiên, trước hỏa lực vũ khí tối tân của thực dân Pháp, tương quan lực lượng hai bên ngày càng lớn. Trong lúc chiến đấu, Đề đốc Lê Văn Điếm bị thương nặng. Đến lúc biết không thể qua khỏi, lại không muốn rơi vào tay giặc, ông chọn lên ngựa ra một làng ven thành. Tương truyền, trước khi mất, ông nói với dân làng nấu một nồi cháo hoa và đào huyệt, sau đó bình thản nằm xuống. Ngày nay, khu vực ông trút hơi thở cuối cùng được cho là thuộc địa bàn huyện Vụ Bản (Nam Định).
Biết tin võ quan xứ Thanh, Đề đốc Lê Văn Điếm chiến đấu quật cường, hy sinh anh dũng, vua Tự Đức hết sức thương cảm. Vì thế, người đứng đầu triều đình nhà Nguyễn đã ban cho ông nhiều chế biểu, sắc phong, hiện nay vẫn được con cháu trong dòng họ lưu giữ.
Thương tiếc sự ra đi của vị tướng tài, người đương thời đã “khóc” ông với nhiều áng thơ ngợi ca.
Về đất Bồng Trung, chúng tôi ghé thăm nơi thờ tự Đề đốc Lê Văn Điếm. Trong không gian di tích đơn sơ, ông Lê Thanh Hải, hậu duệ của vị Đề đốc, chia sẻ: “Mộ phần cụ (Đề đốc Lê Văn Điếm) trước kia vốn ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Về sau được con cháu đưa về quê nhà ở làng Bồng Trung. Năm 2010, khu lăng mộ được tôn tạo khang trang. Còn ngôi nhà nơi khi xưa ông lớn lên thuở thiếu thời trở thành chốn thờ tự. Tại nhà thờ hiện còn lưu giữ bài vị, sắc phong... Hằng năm, vào ngày 19 tháng 2 (âm lịch) con cháu trong dòng họ lại tề tựu về nhà thờ để tổ chức lễ tưởng nhớ tiền nhân đã hy sinh anh dũng”.
Ông Tống Văn Trường, công chức văn hóa xã hội xã Minh Tân cho biết thêm: “Đề đốc Lê Văn Điếm là người con xuất chúng của quê hương Minh Tân. Tinh thần chiến đấu bất khuất, dũng cảm của ông trong nhiệm vụ giữ thành Nam Định là tấm gương sáng cho các thế hệ người dân Bồng Trung nói riêng, người Minh Tân nói chung sẵn sáng góp sức mình khi Tổ quốc cần. Nhà thờ và lăng mộ Đề đốc Lê Văn Điếm tuy không phải công trình kiến trúc cổ nhưng vẫn chứa đựng nhiều giá trị. Vì thế đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Cùng với nhiều di tích hiện hữu trên địa bàn xã như Đền thờ và lăng mộ Tống Duy Tân; đình làng Bồng Trung; đình làng Bồng Thôn... thì nhà thờ và lăng mộ Đề đốc Lê Văn Điếm là một trong những địa điểm tham quan cho du khách khi về với Minh Tân”.
(Bài viết tham khảo, sử dụng nội dung trong một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-01-08 09:36:00
Bản lĩnh để thoát nghèo
Sức sáng tạo bền bỉ của những “lão làng” xứ Thanh
Đào Cam Mộc - vị Thái sư được thờ phụng ở nhiều nơi
Gặp chàng trai của “Việc tử tế”
Lý Triện - Dũng tướng nơi chiến trận
Nghệ nhân trẻ Kim Thoa và những mũi thêu trên lá bồ đề
Gương thanh niên đạt giải thưởng “15/10”
Người phụ nữ cao chỉ hơn 100cm và nghị lực vượt lên chính mình
Phạm Lê Phương Vỹ - Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Hoàng giáp Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang: Bảng vàng bia đá truyền mãi mãi