Để du lịch sự kiện tăng sức hút
Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Thanh Hóa công bố lịch sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhằm kích cầu, thu hút du khách. Sự thành công của các sự kiện đã được tổ chức góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và dần hình thành nên sản phẩm du lịch mới, đầy hấp dẫn - du lịch sự kiện, mặt khác tạo điểm nhấn cho hoạt động du lịch của tỉnh.
Không gian trình diễn văn hóa phi vật thể tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách.
Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa không ngừng sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực, gồm: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đã được phát triển, đưa vào khai thác, phục vụ du khách như: Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố,... (TP Sầm Sơn); tour du lịch Nghi Sơn - đảo Mê, các trò chơi cảm giác mạnh,... (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch Hải Tiến - đảo Nẹ, dù lượn,... (Hoằng Hóa); du lịch trải nghiệm tại các địa phương: TP Thanh Hóa, Yên Định, Quảng Xương, Như Thanh...
Đặc biệt, trong năm 2023, du lịch Thanh Hóa đã tập trung phát triển thêm sản phẩm du lịch sự kiện nhằm thu hút du khách. Với việc chú trọng kết hợp các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với nhau đã góp phần tạo nên chuỗi hoạt động du lịch hấp dẫn, đem đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn khi đến xứ Thanh. Đã có hơn 70 sự kiện được tổ chức trong năm 2023 tại các khu, điểm du lịch, trong đó nhiều sự kiện hấp dẫn tạo được sức hút với du khách, đồng thời được các đơn vị lữ hành đưa vào chương trình tour để giới thiệu, chào bán sản phẩm.
Ông Hoàng Anh Thọ, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và Dịch vụ du lịch VNPlus Travel (TP Thanh Hóa), cho biết: “Trong những năm gần đây đơn vị chúng tôi liên tục hoàn thiện và đổi mới bộ sản phẩm “Âm vang xứ Thanh”. Theo đó, để mang đến những trải nghiệm văn hóa đặc sắc, kéo dài thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch, chúng tôi đã chú trọng kết hợp các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Tháng 3 vừa qua, tại sự kiện bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2024, chúng tôi đã giới thiệu, chào bán bộ sản phẩm “Âm vang xứ Thanh” đến đối tác và khách du lịch. Về cơ bản chương trình tour nhận được phản hồi khá tốt từ khách hàng, tuy nhiên các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cần được quan tâm quảng bá sâu rộng hơn nữa, qua đó giúp các doanh nghiệp lữ hành khai thác sản phẩm du lịch sự kiện một cách hiệu quả”.
Nhìn nhận từ góc độ phát triển du lịch, một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, du lịch sự kiện của xứ Thanh chưa thực sự tạo được dấu ấn, thu hút sự quan tâm của du khách. Đáng chú ý, không ít sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch chưa được quan tâm tuyên truyền, quảng bá sâu rộng; đối với một số lễ hội văn hóa truyền thống chưa đa dạng các hoạt động trải nghiệm và tạo nên tính tương tác với du khách... Vì vậy, dù các sự kiện đã được tổ chức thành công, nhưng chưa đem lại tiếng vang lớn và thu hút được nhiều khách du lịch.
Một trong những ví dụ điển hình đó là chương trình nghệ thuật tối thứ 7 hằng tuần, với chủ đề “Điểm hẹn cuối tuần”, diễn ra tại Công viên Hội An, TP Thanh Hóa. Giao thông thuận tiện, chương trình được đầu tư bài bản, công phu, với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ Thanh. Cùng với đó, tại đây còn bố trí khu vực quầy hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, phục vụ người dân và du khách tham quan, giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực. Tuy nhiên, một số chương trình còn vắng bóng người xem.
Từ hạn chế này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã, đang có những hướng đi mới nhằm tăng sức hút ở mỗi sự kiện. Trao đổi với chúng tôi tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải, cho biết: “Thọ Xuân là quê hương của nhiều lễ hội, trò diễn dân gian độc đáo và đặc sắc. Mỗi sự kiện là dịp để quảng bá đến du khách những giá trị văn hóa ấy đến người dân và du khách. Trong đó, nhằm tạo nên sức hút cho lễ hội truyền thống, trong đó có Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, chúng tôi đã chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; đồng thời bố trí các không gian mở, tổ chức giới thiệu và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể như: nhảy sạp, múa pôồn pông, trò Xuân Phả, đánh bài điếm,... thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách”.
Kỳ vọng tăng sức hút từ du lịch sự kiện, năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa đã, đang nỗ lực làm mới các sản phẩm hiện có; đồng thời tiếp tục duy trì, phát triển sản phẩm du lịch sự kiện, với 145 sự kiện sẽ được tổ chức tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, mùa xuân gắn với các lễ hội truyền thống; mùa hè gắn với các sự kiện du lịch biển; mùa thu - đông với các giải thể thao quốc gia và quốc tế, lễ hội truyền thống gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách trong năm 2024, đồng thời lan tỏa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2024-12-03 20:07:00
Vinh danh 19 đơn vị, tổ chức đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
-
2024-12-03 14:18:00
“Tâm lý dân tộc An Nam” - Một góc nhìn khác trong nỗ lực tìm hiểu về Việt Nam
-
2024-05-04 14:50:00
Về với Mường Xia
Khắc họa đậm nét Chiến thắng Điện Biên Phủ qua hoạt động tuyên truyền lưu động, biểu diễn văn nghệ
Bạn sẽ sống ở đâu năm 2050?
Vào đội tại “địa chỉ đỏ”
UNESCO cảnh báo tình trạng bạo lực nhằm vào các nhà báo môi trường
“Cơm chim” là cơm gì ?
Lễ hội Đền thờ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần năm 2024
Phác họa chân dung người phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên
Bảo tồn di tích để “giữ lửa” văn hóa truyền thống
“Nông chân” hay “lông chân”,...?