(vhds.baothanhhoa.vn) - Thạch Thành là huyện miền núi có nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú. Mảnh đất và con người Thạch Thành trong suốt các thời kỳ dựng nước và giữ nước từ thời cổ đại đến nay còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như: Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong, di tích chiến khu Ngọc Trạo, đền Phố Cát...

Để du lịch Thạch Thành trở thành điểm đến hấp dẫn

Thạch Thành là huyện miền núi có nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú. Mảnh đất và con người Thạch Thành trong suốt các thời kỳ dựng nước và giữ nước từ thời cổ đại đến nay còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như: Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong, di tích chiến khu Ngọc Trạo, đền Phố Cát...

Để du lịch Thạch Thành trở thành điểm đến hấp dẫnThác Mây, xã Thạch Lâm - điểm du lịch hấp dẫn.

Nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Hiện nay, huyện Thạch Thành có 16 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận và 78 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, bảo vệ, lưu giữ mang sắc thái văn hóa riêng của 2 dân tộc Kinh - Mường. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Thạch Thành đại ngàn hùng vĩ với hình sông, thế núi làm đắm say lòng người như: thác Mây, thác Voi, thác Đẹn, hồ Vũng Sú, hồ Bỉnh Công, suối khoáng nóng Vó Ấm... Đó chính là những “chất liệu” quan trọng góp phần hình thành nên những tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn cho địa phương với các loại hình du lịch đặc trưng như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm văn hóa kết hợp với nghiên cứu khoa học và lịch sử văn hóa.

Từ lâu, vùng đất Thạch Thành được xem là “điểm dừng chân” lý tưởng của du khách, tạo lợi thế cho Thạch Thành phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch. Tiêu biểu trong di tích, danh thắng trở thành điểm đến hấp dẫn trên địa bàn như Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận. Ngoài những ý nghĩa khoa học và giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo mang tính toàn cầu, hang Con Moong còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú, góp phần thuận lợi trong kết nối, phát triển các tuyến tham quan tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Hiện nay, di tích đang được hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trên địa bàn huyện Thạch Thành còn có Di tích quốc gia chiến khu du kích Ngọc Trạo và năm 2019 di tích được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh; đền Phố Cát linh thiêng và lễ hội đền Phố Cát (thị trấn Vân Du) gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam; di tích đền Tam Thánh, đền Mẫu (xã Thạch Bình), đình Mường Đòn (xã Thành Mỹ) gắn với lễ hội Mường Đòn, đền Giếng Đá (xã Thành Tâm), nghè Đồi Sao (xã Thành Long), điểm du lịch thác Mây (xã Thạch Lâm), thác Voi (thị trấn Vân Du), thác Đẹn và suối khoáng nóng (xã Thành Minh).

Về với Thạch Thành, du khách còn được thưởng thức những món ăn gắn liền với văn hóa ẩm thực của cộng đồng người Mường như rau đồ, canh lóng, măng đắng, măng chua, thịt trâu nấu lá lồm, xôi đồ; những món ăn chế biến từ gà đồi, cá sông, ốc núi đá; có mía tím Kim Tân, xưa kia là thứ ngon vật lạ dùng để tiến vua. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đồi rộng lớn, giàu dinh dưỡng, góp phần hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao đem lại giá trị kinh tế cao tại thị trấn Vân Du và các xã Thành Tân, Thành Công - nơi đây sẽ trở thành điểm đến tham quan, check-in, mua sắm hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.

Thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Từ những tiềm năng, lợi thế huyện Thạch Thành coi phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thành lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là 1 trong 4 chương trình trọng tâm. Ngày 11/5/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1528/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Thạch Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình phát triển du lịch tỉnh; Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 62-KH/HU ngày 15/10/2021; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 31/12/2021 thực hiện Chương trình phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV. Huyện Thạch Thành phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng các công trình phụ trợ phục vụ phát triển du lịch; du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của huyện, điểm đến du lịch mới và hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa và Việt Nam; đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, UBND huyện triển khai thực hiện các quy hoạch về phát triển du lịch, gồm: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Du lịch thác Voi và Quy hoạch phân khu Khu Du lịch thác Mây; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu Du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh, xã Thành Minh. Hiện nay huyện đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu Du lịch thác Mây và thác Voi để phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện. Đã hoàn thành việc cắm mốc quy hoạch phân khu Khu Du lịch thác Mây và quy hoạch phân khu Khu Du lịch thác Voi để quản lý quy hoạch theo đúng quy định. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án phục vụ phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Cụ thể, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu Du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh với diện tích 48,54ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 610,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ đang xây dựng và hoàn thiện các hạng mục thuộc giai đoạn 1 của dự án...

Bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Giai đoạn 2021-2023, Thạch Thành đã thu hút 175.100 lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 116,2 tỷ đồng; trên địa bàn huyện có 19 cơ sở lưu trú du lịch, thu hút hơn 1.000 lao động trong ngành du lịch. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia như: Khôi phục tổ chức Lễ hội đền Phố Cát với quy mô cấp huyện; tổ chức Lễ hội Mường Đòn, xã Thành Mỹ; Lễ hội đình Tam Thánh, Lễ hội đền Mẫu, xã Thạch Bình; Lễ hội đền Hang Bống, xã Thạch Sơn. Đặc biệt, Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch xã Thạch Lâm gắn với khai trương du lịch thác Mây đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài huyện tham gia. Huyện Thạch Thành tiếp tục xây dựng, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch có ưu thế như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thác Mây, thác Voi, thác Đẹn, suối khoáng nóng Thành Minh; du lịch văn hóa, tâm linh tại đền Phố Cát, chiến khu Ngọc Trạo, hang Con Moong; du lịch cộng đồng tại Thạch Lâm; du lịch nông nghiệp gắn với giáo dục, trải nghiệm tại xã Thạch Lâm... Tính đến tháng 8/2024, toàn huyện ước đón 100.000 lượt khách, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2023. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 62 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm 2024.

Trong thời gian tới, huyện Thạch Thành tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch. Thực hiện nghiêm các quy hoạch của tỉnh liên quan đến phát triển du lịch trên địa bàn huyện và Quy hoạch vùng huyện Thạch Thành đến năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt và các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch chung các xã, thị trấn liên quan. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư hạ tầng du lịch, nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư du lịch. Tập trung khai thác các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường; ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh trong phát triển du lịch...

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]