(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa số lượng di tích lớn, trong đó có nhiều di sản độc đáo, giàu giá trị. Để mỗi di sản có thể trở thành điểm đến hấp dẫn bạn trẻ trong hành trình trải nghiệm, khám phá lịch sử và trong hoạt động tham quan, trải nghiệm - “về nguồn” của học sinh các nhà trường hiện nay, đi gần hay đi xa cũng là câu chuyện khiến nhiều phụ huynh quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các ông: Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân; Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh.

Để hoạt động trải nghiệm - giáo dục di sản hấp dẫn bạn trẻ

Thanh Hóa số lượng di tích lớn, trong đó có nhiều di sản độc đáo, giàu giá trị. Để mỗi di sản có thể trở thành điểm đến hấp dẫn bạn trẻ trong hành trình trải nghiệm, khám phá lịch sử và trong hoạt động tham quan, trải nghiệm - “về nguồn” của học sinh các nhà trường hiện nay, đi gần hay đi xa cũng là câu chuyện khiến nhiều phụ huynh quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các ông: Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân; Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh.

Cần lấy học sinh làm trung tâm để tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp

Để hoạt động trải nghiệm - giáo dục di sản hấp dẫn bạn trẻ

PV: Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại di tích, bảo tàng... Các hoạt động này được tổ chức trên cơ sở nào, thưa ông Tạ Hồng Lựu?

Ông Tạ Hồng Lựu: Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc ở các cấp học của giáo dục phổ thông. Môn Giáo dục địa phương cung cấp cho học sinh những kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý, gắn lý thuyết với thực hành, nội dung sách vở với thực tế. Với môn học này, ngoài các tiết học chính khóa trên trường thì có các tiết học trải nghiệm ngoài giờ chính khóa. Tùy vào điều kiện thực tế mà mỗi trường có sự vận dụng linh hoạt, tổ chức phù hợp.

Thanh Hóa là vùng “Địa linh nhân kiệt”, có số lượng di sản lớn, nhiều loại hình... phân bố trải rộng ở nhiều địa phương, đây là thuận lợi cho hoạt động tham quan, trải nghiệm trong môn Giáo dục địa phương. Và thời gian qua, hầu hết các hoạt động trải nghiệm của học sinh các trường học chủ yếu diễn ra ở các địa điểm trên địa bàn tỉnh. Đó có thể là bảo tàng; di tích lịch sử, văn hóa; di tích cách mạng; khu lưu niệm... Gắn liền với những sự kiện, nhân vật, nội dung trong chương trình học.

Hoạt động trải nghiệm không nhất thiết phải đi xa, nhưng cũng tránh việc tổ chức hình thức khiến học sinh nhàm chán. Cũng như tất cả các môn học khác, hoạt động trải nghiệm cần lấy học sinh làm trung tâm, để từ đó có sự chọn lựa điểm đến phù hợp, hiệu quả, đi gần hay đi xa thì điều quan trọng là học sinh sẽ “thu” được gì sau những chuyến đi trải nghiệm thực tế.

Và có một vấn đề mà tất cả các trường học khi tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh phải đặt lên hàng đầu đó chính là sự an toàn. Trong quá trình tổ chức hoạt động, người đứng đầu đơn vị trường học phải chịu trách nhiệm về sự an toàn cho học sinh.

Không để học sinh “xa lạ” với di sản trên chính quê hương mình

Để hoạt động trải nghiệm - giáo dục di sản hấp dẫn bạn trẻ

PV: Thọ Xuân là vùng đất di sản, có số lượng di tích nhiều bậc nhất trên địa bàn tỉnh. Di sản được xem là một “kênh” hiệu quả để dạy lịch sử, văn hóa cho học sinh. Theo ông, vấn đề giáo dục di sản gắn với các hoạt động trải nghiệm tại các nhà trường, cần được thực hiện thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Phải khẳng định, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tham quan, học tập tại các di sản - giáo dục di sản gắn với chương trình học tập là điều cần thiết. Để hoạt động trải nghiệm diễn ra thành công, trước hết cần đảm bảo hai yếu tố: Thiết thực và an toàn. An toàn về giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm... Sau những chuyến đi, sau những niềm vui thì học sinh phải “thu hoạch” được gì đó. Từ đấy, góp phần khơi dậy lòng tự hào, biết ơn; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Việc học sinh được đến các di tích, được lắng nghe giới thiệu về nhân vật lịch sử, vùng đất, triều đại sẽ giúp các em có thêm những kiến thức, hiểu biết toàn diện hơn. Tôi tin rằng, khi một người đứng trong không gian thiêng của đền thờ Lê Hoàn, nghe kể về con đường “lập thân” của nhà vua từ khi còn là một chàng thanh niên nhà nghèo đến khi trở thành Thập đạo tướng quân rồi lên ngôi vua; oai phong thân chinh dẫn quân đi “phá Tống bình Chiêm” khiến kẻ địch khiếp sợ... Cảm xúc và cả sự ghi nhớ, chắc chắn sẽ rất khác những kiến thức sách vở có phần khô cứng.

Hay khi về với Lam Kinh, ngoài sự choáng ngợp trước một công trình kiến trúc bề thế. Bạn trẻ cũng thêm một lần hiểu hơn những công lao to lớn của ông cha xưa trong những tháng ngày gian khổ “nếm mật nằm gai”... Để hiểu rõ, vùng đất này “địa linh nhân kiệt” đến nhường nào.

Trên tinh thần đó, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm thành công. Tùy từng điều kiện mà mỗi trường có sự lựa chọn điểm đến trải nghiệm thực tế khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, Thọ Xuân là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đậm đặc các di sản. Trước khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm ở xa thì các nhà trường cần tổ chức cho học sinh học tập, tìm hiểu, đến thăm những di sản ở ngay trên quê hương mình. Không có lý gì, bạn trẻ trên địa bàn huyện Thọ Xuân lại “xa lạ” với di sản trên chính quê hương Thọ Xuân. Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong bạn trẻ, phải bắt đầu từ chính những di sản ở gần chúng ta nhất.

Trên tinh thần đó, thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh; khu di tích, điểm đến tham quan, trải nghiệm... nhằm tổ chức các hoạt động trải nghiệm, học tập bên ngoài nhà trường một cách chu toàn, hiệu quả.

Cần quan tâm đến việc ứng xử với di sản và du khách

Để hoạt động trải nghiệm - giáo dục di sản hấp dẫn bạn trẻ

PV: Trong hành trình khám phá, trải nghiệm của bạn trẻ hiện nay, Lam Kinh “nổi” lên là một điểm đến hấp dẫn, được nhiều trường học trong và ngoài tỉnh đưa học sinh đến thăm. Riêng trong năm 2023 và quý 1 năm 2024, có khoảng 1/3 lượng khách về Lam Kinh là học sinh, sinh viên, đó hẳn là niềm vui rất lớn đối với khu di tích. Có “bí quyết” gì để Lam Kinh trở thành điểm đến hấp dẫn bạn trẻ, thưa ông Nguyễn Xuân Toán?

Ông Nguyễn Xuân Toán: Tôi cho rằng, bản thân Khu di tích Lam Kinh vốn dĩ đã là một di sản đặc biệt giàu giá trị, vô cùng hấp dẫn. Không phải di sản nào cũng “hội tụ” đầy đủ các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc, giá trị văn hóa, lưu dấu lịch sử... tạo nên một không gian văn hóa lịch sử, tâm linh đặc biệt như ở Lam Kinh.

Bên cạnh đó, để một di sản trở thành điểm đến hấp dẫn, có một phần quan trọng từ chính thái độ “ứng xử” của người làm công tác chuyên môn với di sản và cả du khách.

Câu chuyện “ứng xử” ở đây cần được hiểu rộng ra là thái độ ứng xử với di sản (công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan; thuyết minh giới thiệu, truyền tải giá trị di sản đến du khách; ứng xử với du khách...). Đối tượng khách là bạn trẻ khi về với Lam Kinh, ngoài tham quan thì còn gắn với trải nghiệm, học tập và tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa. Vì thế, công tác thuyết minh phải lồng ghép, tạo sự hấp dẫn.

Để nhiều người, đặc biệt bạn trẻ biết đến Lam Kinh nhiều hơn, thời gian qua, chúng tôi đã chủ động đấu mối với các công ty du lịch, trường học ở trong và ngoài tỉnh. Khi có các đoàn học sinh đến thăm, ban quản lý cũng tạo điều kiện tốt nhất, có thể là giảm giá vé... để mọi du khách về Lam Kinh có được trải nghiệm ý nghĩa nhất...

Thu Trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]