(vhds.baothanhhoa.vn) - Nông thôn không chỉ có cuộc sống yên bình, khung cảnh thiên nhiên sinh động mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đây là thế mạnh trong phát triển du lịch gắn với nông thôn mà huyện Thường Xuân đang chú trọng phát triển trong thời gian tới.

Đa dạng loại hình du lịch nông thôn ở Thường Xuân

Nông thôn không chỉ có cuộc sống yên bình, khung cảnh thiên nhiên sinh động mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đây là thế mạnh trong phát triển du lịch gắn với nông thôn mà huyện Thường Xuân đang chú trọng phát triển trong thời gian tới.

Đa dạng loại hình du lịch nông thôn ở Thường XuânBản Mạ là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Thường Xuân.

Khai thác thế mạnh ở vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Những năm gần đây, du lịch nông thôn đã và đang được huyện Thường Xuân đầu tư với việc xây dựng giao thông, cơ sở vật chất, cùng chuỗi các hoạt động, dịch vụ, tiện nghi... Thế mạnh của du lịch nông thôn là sử dụng chính cơ sở vật chất của cộng đồng (bản, làng) với các cơ sở văn hóa làng (đình, đền, chùa, miếu), cơ sở sản xuất truyền thống, kết hợp đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông... gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp của cộng đồng dân cư. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố ấy sẽ khiến du lịch nông thôn hút khách.

Hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn, gồm: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Nhờ chiến lược phát triển du lịch hợp lý cùng việc xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, khiến Thường Xuân phát huy thế mạnh về du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, trong đó có nhiều điểm đến hấp dẫn như bản Mạ, bản Vịn, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên...

Nằm bên bờ sông Chu hiền hòa, bản Mạ (thị trấn Thường Xuân) đẹp như một bức tranh thủy mặc với núi đồi bao bọc, dòng sông nước trong xanh. Trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bản Mạ được xác định là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng nổi bật của huyện, là mô hình phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, hạ tầng nông thôn tại đây đã được đầu tư xây dựng với bê tông hóa đường giao thông, 100% gia đình có điện nước đầy đủ, sóng điện thoại, mạng internet cơ bản được phủ khắp... Hiện tại, bản Mạ có 57 hộ dân với 246 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Thái, bản còn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ, 7 hộ duy trì được nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm, đan lát... Vì vậy, đến đây du khách không chỉ đắm say trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn được tìm hiểu, khám phá nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, các phong tục tập quán của người Thái qua những nếp nhà sàn cổ, cách dệt vải, se tơ hay hòa mình vào các điệu múa, lễ hội đặc trưng của người Thái. Đặc biệt, bản Mạ còn thu hút du khách nhờ những món ăn đậm chất núi rừng, được chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, tẩm ướp gia vị đặc trưng... như: canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo, gà nướng, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc...

Đa dạng loại hình du lịch nông thôn ở Thường XuânDu khách tận hưởng thiên nhiên hoang dã khi đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân).

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp tục là một điểm đến du lịch nông thôn hấp dẫn tại Thường Xuân. Với tổng diện tích 63.668 ha, khu bảo tồn - “món quà” vô giá mà thiên nhiên ban tặng có 5.000 ha rừng nguyên sinh, hơn 1.000 loại động, thực vật. Hệ thống thác nước đã tạo cho Xuân Liên một vùng sinh thái đẹp, trong lành. Bên cạnh đó, khu bảo tồn còn có hệ động, thực vật rất phong phú, có nhiều loại được ghi tên trong sách đỏ thế giới. Để phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học, ban quản lý khu bảo tồn đã cải tạo, nâng cấp bảo tàng thiên nhiên, đồng thời thu thập, lưu giữ, bảo quản hàng nghìn mẫu vật động, thực vật.

Để phục vụ hoạt động du lịch, một số công trình đã và đang được huyện đầu tư xây dựng như: các điểm thác Hón Yên; thác Thiên Thủy; rừng nguyên sinh - bản Vịn... Hiện tại, với các tour, tuyến: “Ngược dòng sông Chu”, “Dã ngoại thác Yên”, “Chinh phục thác Thiên Thủy”, “Chinh phục đỉnh Pù Gió”, “Khám phá rừng nguyên sinh bản Vịn”... chỉ tính riêng năm 2022 đã thu hút trên 4.000 lượt khách đến tham quan và khám phá.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông thôn, huyện Thường Xuân thường xuyên tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao. Mới đây nhất là Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân năm 2022 với chuỗi các hoạt động: Lễ cúng cơm mới tại miếu Thành hoàng làng bản Mạ; khai trương gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện; thi đấu các môn thể thao truyền thống như: bắn nỏ, kéo co, tung còn; giao lưu ẩm thực, thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; đua thuyền... thu hút gần 8.000 lượt khách về tham dự. Chính nhờ những sự kiện văn hóa cùng với sản phẩm du lịch độc đáo đã giúp Thường Xuân đón 25.798 lượt khách về tham quan trong năm 2022, cho doanh thu hơn 6 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: “Huyện đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng ứng xử, đón tiếp du khách, khả năng ngoại ngữ..., kết nối thêm nhiều tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm phát huy được tiềm năng du lịch vùng nông thôn”.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]