(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm soi bóng xuống ngã ba sông Chu và sông Đặt, đền Cửa Đạt (hay Cửa Đặt) là cách gọi quen thuộc của người dân, du khách khi về tham quan, chiêm bái Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn tọa lạc trên vùng đất mường Chiềng Vạn, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.   

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Nằm soi bóng xuống ngã ba sông Chu và sông Đặt, đền Cửa Đạt (hay Cửa Đặt) là cách gọi quen thuộc của người dân, du khách khi về tham quan, chiêm bái Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn tọa lạc trên vùng đất mường Chiềng Vạn, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đền Cửa Đạt thu hút đông du khách về dâng hương, chiêm bái dịp đầu xuân.

Theo lý giải của người dân địa phương, sở dĩ gọi tên đền Cửa Đặt là bởi di tích nằm trong vùng thắng cảnh xinh đẹp Cửa Đặt - nơi ngã ba sông hợp lưu giữa sông Chu và sông Đặt. Di tích bao gồm đền thờ Cầm Bá Thước - vị thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương của đồng bào các dân tộc miền tây xứ Thanh và đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn - vị Mẫu thần cai quản miền rừng núi trong tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu của người Việt.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Bên trong di tích bao gồm đền thờ Cầm Bá Thước.

Vùng đất mường Chiềng Vạn (Trịnh Vạn) là khu vực “sơn kỳ thủy tú” xinh đẹp với núi non hùng vĩ, sông nước bao quanh đắm say lòng người. Theo sử liệu và lưu truyền dân gian, nơi đây trong thời kỳ đầu khởi nghĩa Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân bị giặc Minh truy đuổi phải chạy về thượng nguồn sông Chu. Tại đây, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã cùng nhau “mài son rửa bút”, rèn luyện vũ khí. Ngày nay, người dân địa phương còn lưu truyền chuyện kể “Hòn mài mực” và câu ca “Mài mực nuôi con, mài son đánh giặc” như một minh chứng.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Cầm Bá Thước là người dân tộc Thái, một trong những thủ lĩnh trong phong trào Cần vương chống thực dân Pháp của Nhân dân các dân tộc miền núi phía tây xứ Thanh cuối thế kỷ 19.

Đến cuối thế kỷ 19, Cầm Bá Thước - một người dân tộc Thái đã lãnh đạo Nhân dân trong vùng hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Dù cuộc khởi nghĩa sau đó bị kẻ thù đàn áp, song thủ lĩnh Cầm Bá Thước luôn là vị anh hùng được người dân tôn kính. Và, để khắc ghi công lao của ông, sau khi ông mất, Nhân dân trong vùng đã lập dựng đền thờ tưởng nhớ. Tên tuổi Cầm Bá Thước gắn liền với “trang sử” chống thực dân Pháp vẻ vang của Nhân dân các dân tộc miền núi xứ Thanh.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Cùng với đền thờ Cầm Bá Thước là đền Bà chúa Thượng Ngàn - vị Mẫu thần cai quản miền rừng trong quan niệm tín ngưỡng dân gian.

Cùng với đền Cầm Bá Thước, trong khu di tích đền Cửa Đạt còn có đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn. Trong quan niệm dân gian, Mẫu Thượng Ngàn là vị Mẫu thần cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người, cỏ cây, muông thú. Vị Mẫu thần dạy cho muôn loài biết sống hòa hợp, dạy con người biết cách sinh tồn, hái hoa thơm, trái ngọt trong rừng về để ăn, làm nhà để tránh lũ quét. Mẫu Thượng Ngàn còn được Ngọc Hoàng ban cho nhiều phép thuật và bà đã dùng phép thuật của mình để lặng lẽ phù trợ cho con người cùng muôn loài có cuộc sống bình yên, no đủ.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Hầu đồng bên trong đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn.

Truyền thuyết trên vùng đất mường Trịnh Vạn kể lại rằng, năm xưa trong khởi nghĩa Lam Sơn, trong một lần nghĩa quân bị giặc Minh bao vây. Trong lúc đêm tối khốn quẫn, nghĩa quân tan tác tưởng chừng không thể chống đỡ thì Bà chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc soi đường cho nghĩa quân Lam Sơn đi, rồi “dẫn dắt” họ về đất Mường Yên, lên núi Chí Linh tập hợp lực lượng. Ánh đuốc thiêng soi đường do Bà chúa Thượng Ngàn hóa phép chỉ nghĩa quân Lam Sơn mới có thể “nhìn thấy”.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Phía tây đền Cửa Đạt là hồ Cửa Đạt.

Với quyền năng và sức sống mãnh liệt, Bà chúa Thượng Ngàn được Nhân dân khắp nơi tôn thờ, từ miền rừng núi xuống đến đồng bằng. Tuy vậy, trong quan niệm dân gian, “đại bản doanh” của Bà vẫn là ở các miền non cao, nơi cửa rừng. Và những người đi rừng trong những chuyến đi vẫn thường đến đền thờ Bà cầu xin sự chở che, phù trợ.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Đền Cửa Đạt nằm “soi” bóng xuống ngã ba sông nơi hợp lưu của sông Chu và sông Đặt.

Ngày nay, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đền Cửa Đạt tọa nằm “tựa lưng” vào chân núi Róc - nơi hợp lưu của sông Chu và sông Đặt. Phía tây hồ Cửa Đạt và khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với những núi cao cả 1.000 m như: Pù Rinh, Pù Gió, Pù Ta Leo... quanh năm sương mờ giăng phủ.

Danh thắng Cửa Đạt đón 5 vạn lượt khách dịp đầu xuân

Nằm trong không gian cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đền Cửa Đạt mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn, Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đền Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn là điểm đến yêu thích của người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Theo thông tin từ Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đạt, từ Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng năm Quý Mão, di tích đã đón khoảng 5 vạn lượt khách về đây dâng hương, chiêm bái và vãn cảnh.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]