(vhds.baothanhhoa.vn) - Pà Ban được ví như cô gái đẹp ngủ trong rừng, nguyên sơ, thuần khiết và cần được chính những người dân nơi đây đánh thức nhằm phát huy được tiềm năng, lợi thế, nhất là làm du lịch cộng đồng.

Đánh thức Pà Ban

Pà Ban được ví như cô gái đẹp ngủ trong rừng, nguyên sơ, thuần khiết và cần được chính những người dân nơi đây đánh thức nhằm phát huy được tiềm năng, lợi thế, nhất là làm du lịch cộng đồng.

Đánh thức Pà Ban

Pà Ban đẹp nguyên sơ với những thửa ruộng bậc thang, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Pù Luông.

Sau những cung đường đèo, dốc núi uốn lượn ôm lấy những cánh rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, chúng tôi dừng chân ở đầu con dốc vào bản Pà Ban, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước. Ngay đầu con dốc vào bản, anh Hoàng Xuân Hải – chủ Palm house nở nụ cười đón khách. Anh Hải - chàng trai chính hiệu ở Hà Nội, nghỉ việc làm và quyết định gắn bó với Pà Ban như quê hương thứ 2 với mong ước “đánh thức” những gì còn nguyên sơ ở Pà Ban.

Đánh thức Pà Ban

Palm house của ông chủ trẻ Hoàng Xuân Hải yên bình được bao bọc bởi núi cao, mây ngàn Pù Luông.

Palm house của anh dưới nắng chiều thật đẹp, bình yên, phía xa, những thửa ruộng bậc thang đương mùa lúa chín, óng ánh, vàng ruộm. Sau chặng đường dài, đứng giữa núi rừng bao la, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành như xóa tan những bộn bề, bận rộn chốn thành phố.

Đánh thức Pà Ban

Palm house là nơi dừng chân của du khách khi muốn khám phá Pà Ban, từ đây có thể ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn dưới chân mây, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ.

Dẫn chúng tôi vào thăm “cơ ngơi” của anh, tôi thích thú bởi sự sắp xếp đồ vật, cây cảnh, hoa lá, các phòng ngủ sạch sẽ, gọn gàng. Anh vừa cười vừa giới thiệu “ngôi nhà không giống ai” nhưng lại vô cùng thân thiện, ấm áp được dựng năm 2019 để thực hiện những giấc mơ đã ấp ủ từ lâu dành cho Pà Ban.

Palm house làm nơi đón khách cũng xây dựng từ ý tưởng của anh và sự đóng góp của bà con nơi đây. Mọi người cùng chung tay dựng lên ngôi nhà chung bằng lá cọ, vách nứa, rộng rãi và bên trong căn nhà là những phòng ngủ xinh xắn đáp ứng nhu cầu của những đôi uyên ương hay của những gia đình lớn.

Tôi hỏi anh: Dịch bệnh COVID-19 có làm ảnh hưởng đến việc đón khách du lịch của anh không?

Anh nói: Tôi đến Pà Ban không chỉ đơn thuần làm du lịch mà còn có những định hướng mong muốn Pà Ban cũng như người dân nơi đây sẽ phát triển bền vững nên dịch COVID-19 chỉ làm giảm lượng khách đến Pà Ban, tuy nhiên không ảnh hưởng đến kế hoạch mà tôi dành cho vùng đất này. Có thể hiện tại chậm hơn so với kế hoạch nhưng tôi tin những gì tôi đã vạch ra trong tương lai sẽ cùng người dân thực hiện được.

Trước ngôi nhà, anh đang hoàn thiện khu trưng bày sản phẩm và hướng tới thành lập hợp tác xã Pù Luông. Hợp tác xã sẽ là nơi gắn kết cộng đồng, cùng nhau làm du lịch, cùng nhau tạo ra những sản phẩm từ chính nơi đây để phục vụ du lịch.

Đánh thức Pà Ban

Đến Pà Ban được gặp gỡ những con người chân chất, mến khách và cùng thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc.

“Mỗi người dân nơi đây sẽ là những hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho du khách về văn hóa, phong tục và cuộc sống của chính họ; đưa du khách đi thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nếu du khách có nhu cầu khám phá hệ sinh thái phong phú của rừng Pù Luông hay tham quan vườn cam, quýt đặc sản của Thành Sơn, tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa. Du khách đến với bản Pà Ban sẽ có những đêm đốt lửa trại, uống rượu cần, cùng giao lưu văn nghệ với điệu múa người Mường, người Thái, hát múa dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc dân tộc với các thiếu nữ xinh đẹp trong trang phục dân tộc, tiếng nhạc cụ truyền thống làm mê đắm lòng du khách”, anh Hoàng Xuân Hải chia sẻ.

Đánh thức Pà Ban

Anh Hoàng Xuân Hải là người đầu tiên đến Pà Ban để làm du lịch, anh mong muốn người dân nơi đây biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của mảnh đất Pà Ban để cùng làm du lịch, người dân có cuộc sống ấm no.

Để hiểu hơn về Pà Ban, về Pù Luông, anh Hải cùng anh Ngân Xuân Bách – người Pà Ban đưa chúng tôi thăm quan bản, xung quang là núi non hùng vĩ.

Pà Ban có hơn 70 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Từ Pà Ban qua Eo Kén sẽ đến xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa và Tân Lạc, Mai Châu (Hòa Bình). Khách du lịch thường đi hướng Hà Nội qua Mai Châu (Hòa Bình) để vào khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Giữa đại ngàn Pù Luông mây vờn lưng núi, nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang ngả vàng rực rỡ, phảng phất đưa hương, hít thở bầu không khí trong lành, cảm nhận sự no ấm, bình yên. Bức tranh phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu ấy luôn có sức cuốn hút đặc biệt với bất cứ ai tìm về. Có tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, về phong tục, tập quán, văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc nhưng Pà Ban vẫn còn như người con gái ngủ trong rừng, nguyên sơ, thuần khiết.

“Pà Ban còn nhiều khó khăn, bà con sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, khai thác lâm sản. Trong thâm tâm họ mong muốn có thu nhập đảm bảo đời sống cho con cháu sau này vì họ nhận ra mất rừng, mất nước, sinh hoạt khó khăn, chưa có sinh kế, họ vẫn vào rừng khi mình tạo ra việc làm kết hợp tạo ra sinh kế thì mọi người ủng hộ”, anh Hải nói.

Anh Hoàng Xuân Hải là người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Pà Ban. Anh mong muốn, bà con nơi đây sẽ cùng làm du lịch, tạo nên cộng đồng bền vững. Hiện nay dưới sự tư vấn, hướng dẫn của anh Hải, nhiều hộ gia đình ở Pà Ban đã sẵn sàng làm du lịch cộng đồng.

Anh Ngân Xuân Bách, bản Pà Ban cho biết: Cuộc sống gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, trồng trọt và chăn nuôi. Được anh Hải giúp đỡ, hướng dẫn về cách làm du lịch cộng đồng, gia đình tôi đã cải tạo, sửa sang lại nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và sẵn sàng đón du khách về thăm, nghỉ lại. Chúng tôi mong muốn cuộc sống sẽ cải thiện hơn thông qua việc làm du lịch.

Anh Hoàng Xuân Hải trăn trở, mỗi mùa ở Pù Luông có đặc trưng, thú vị, không nhất thiết phải dựa vào mùa nhất định để làm du lịch. Lâu nay mọi người vẫn thường nói phát triển du lịch nhưng phát triển như thế nào thì chưa cụ thể. Anh muốn tìm ra phương thức, sinh kế cho mọi người yên tâm trong tương lai từ việc tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để tạo ra những sản phẩm của vùng đất nơi đây, vừa tạo ra việc làm cho bà con, vừa trở thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Điều ấy, không thể một cá nhân tự làm mà có sự đồng hành của chính quyền địa phương, của nhà đầu tư, người dân.

Đánh thức Pà Ban

Pà Ban được ví như cô gái đẹp ngủ trong rừng cần được đánh thức để phát triển.

Pà Ban vẫn còn nguyên sơ, thuần khiết. Pà Ban cần một “cú hích” để bừng tỉnh trong tương lai, để cuộc sống người dân được cải thiện dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của chính mình.

Ngọc Huấn - Hoàng Đông


Ngọc Huấn - Hoàng Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]