(vhds.baothanhhoa.vn) - Đình Đa Lộc, tại thôn Đa Lộc, xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa) được xây dựng năm Tự Đức thứ 33 (1879), thờ hai vị Thành hoàng làng là Cao Minh và Uy Minh có công đánh giặc Ai Lao. Tại đây còn lưu giữ 19 đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn.

Đình Đa Lộc, nơi còn lưu giữ nhiều sắc phong quý

Đình Đa Lộc, tại thôn Đa Lộc, xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa) được xây dựng năm Tự Đức thứ 33 (1879), thờ hai vị Thành hoàng làng là Cao Minh và Uy Minh có công đánh giặc Ai Lao. Tại đây còn lưu giữ 19 đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn.

Đình Đa Lộc, nơi còn lưu giữ nhiều sắc phong quý

Trước đây, thôn Đa Lộc thuộc xã Đông Lỗ, tổng Mật Vật, huyện Thụy Nguyên. Căn cứ vào chữ Hán được khắc trên thượng lương, đình Đa Lộc xây dựng từ thời vua Tự Đức niên hiệu thứ 33 (1879) với lối kiến trúc 5 gian, hai chái, 6 vì được kết cấu theo kiểu kèo suốt, trụ chữ đinh chống nóc.

Trong đó 6 vì kèo bằng gỗ lim, các kèo vì được bố trí giống nhau, kết cấu mỗi vì có 2 cột cái, hai cột quân. Nách trước và sau có con ngang, hai vì giữa không có xà lòng. Liên kết cột quân với cột cái là bẩy trước, bẩy sau. Trên bẩy trước, sau chạm trổ hoa văn đối xứng với nhau hình hoa văn tùng, trúc hóa long và vân mây hoa lá cầu kỳ, tinh xảo…

Đây là công trình kiến trúc gỗ còn tương đối nguyên vẹn, với kết cấu không cầu kỳ, nhưng rất cổ kính, vững chãi.

Đình Đa Lộc, nơi còn lưu giữ nhiều sắc phong quý

Đình hiện còn lưu giữ 19 sắc phong quý.

Ngôi đình hiện là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống quê hương, đất nước của người dân trong làng. Dù trải qua nhiều biến cố nhưng đình vẫn lưu giữ một số hiện vật quý, như 2 tấm bia đá cổ, rùa đá, ống sắc, hộp sắc, cột cắm cờ đá… Đặc biệt còn lưu giữ 19 đạo sắc phong được ban dưới các triều: Vua Lê Dụ Tông, Lê Duy Phường, Lê Hiển Tông, Nguyễn Quang Toản, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định…

Trong cuốn “Thanh Hóa chư thần lục”, các sắc phong ban cho Thành hoàng làng là Cao Minh Quảng đức, Uy Minh Hoằng đức. Đây là những vị thần gắn với nhiều giai thoại, huyền tích, có công đánh giặc cứu nước, giúp dân, được dân làng thờ cúng, báo ghi công ơn. Khi mất được vua ban tặng mỹ tự, sắc phong.

Đình Đa Lộc, nơi còn lưu giữ nhiều sắc phong quý

Tấm bia đá cổ còn lại trong đình Đa Lộc

Xung quanh hai vị Thành hoàng làng được thờ tại đình Đa Lộc có truyền thuyết kể lại rằng, ở trang Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương có gia đình họ Hoàng, tên húy là Đạt, vợ tên Vũ Thị Bảo, làm nghề đánh cá mưu sinh, ngoài 40 tuổi chưa có con, đúng lúc có giặc Ma Cô vào cướp bóc, vợ chồng ông dời đến trang Đông Lỗ, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, đạo Thanh Hoa để cư trú, được hơn một năm quay trở về nghề đánh cá mưu sinh.

Vào đầu tuần tháng 6 mùa hạ năm ấy, nước sông bỗng nhiên lên to ngập tràn vào nhà, đến giờ Dần vợ chồng phát hiện hai quả trứng theo dòng nước nổi lên gần nhà, ông bà thấy điềm lạ, rồi vớt lên, đặt chỗ hay nằm ngủ. Đêm hôm đó ông được báo mộng rằng hai quả trứng sẽ nở thành hai người con trai. Không lâu sau, bà Bảo mang thai, đến giờ thìn ngày mồng 9 tháng 4 năm Nhâm Thìn, sinh một bọc được hai con trai. Người thứ nhất ông bà đặt tên là Cao, còn người thứ hai tên Uy. Khi trưởng thành, tài đức của hai ông được truyền đến triều đình, vua xuống chiếu, ban phong chức nhưng hai ông không nhận. Bấy giờ có giặc Ai Lao và Chiêm Thành nổi lên, cướp bóc dân làng, vua đích thân ra trận nhưng không thắng, hai ông nghe tin bèn xin yết kiến xin vua đánh trận. Bằng tài năng của mình, đoàn quân của hai ông khiến quân giặc vỡ trận tan nát, tranh nhau tìm đường chạy trốn, vua đã ban bổng lộc, nhưng hai ông không nhận, chỉ xin lấy dân hai đồn ở trang Đông Lỗ trước đây vốn là nơi trú dưỡng, về sau hai ông làm gia thần được làm ấp thang mộc mãi mãi…

Trở về quê cũ, trong lúc thăm hỏi Nhân dân, yết bái gia tiên, bỗng trời đất tối tăm, trên trời xuất hiện hai đám mây tựa hai chiếc cờ hồng chiếu xuống. Cuối canh ba, hai ông bị bệnh rồi cùng mất. Vua biết tin, sai đình thần về quê mai táng, ban sắc phong cho dân ở hai cung trang Đông Lỗ trùng tu cung sở, lấy làm nơi thờ phụng hai ông.

Đình Đa Lộc, nơi còn lưu giữ nhiều sắc phong quý

Ngôi đình hiện được trùng tu, tôn tạo, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của người dân trong thôn

Ông Trần Quốc Toản, trưởng thôn Đa Lộc, xã Thiệu Giang cho biết, với chủ trương bảo tồn và phục hưng các di sản văn hóa của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, đình Đa Lộc được chính quyền, Nhân dân trong xã sửa sang làm nơi sinh hoạt của người dân trong thôn. Hàng năm cứ đến 15 tháng Giêng dân làng tổ chức lễ hội, tế lễ hai vị Thành hoàng làng có công với dân, với nước.

Năm 2009, đình Đa Lộc đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]