(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, TP Thanh Hóa còn gắn liền với nhiều cuộc kháng chiến oanh liệt. Dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng các di tích, hiện vật cách mạng trên địa bàn thành phố vẫn được chính quyền địa phương và Nhân dân gìn giữ với một sự trân trọng, biết ơn về những tháng ngày hy sinh gian khổ của quân và dân Thanh Hóa.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, TP Thanh Hóa còn gắn liền với nhiều cuộc kháng chiến oanh liệt. Dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng các di tích, hiện vật cách mạng trên địa bàn thành phố vẫn được chính quyền địa phương và Nhân dân gìn giữ với một sự trân trọng, biết ơn về những tháng ngày hy sinh gian khổ của quân và dân Thanh Hóa.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Bia tưởng niệm các nữ sinh Trường Y Thanh Hóa.

Gắn liền với một số sự kiện, giai đoạn lịch sử hào hùng của Đảng bộ, Nhân dân và các LLVT trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những di tích, hiện vật cách mạng như: Cầu Hàm Rồng, Trận địa đồi C4, Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng... là dấu ấn rõ nét nhất thể hiện đầy đủ những giá trị lịch sử của một vùng đất đã đi qua chiến tranh với bao đau thương, mất mát.

Cầu Hàm Rồng vốn quen thuộc với không chỉ người dân xứ Thanh, mà còn nổi tiếng trên khắp cả nước. Là cây cầu bắc ngang qua dòng sông Mã do Pháp xây dựng năm 1904, cầu Hàm Rồng được xem là hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Trải qua hơn 1 thế kỷ, nhiều lần bị đánh phá, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang đứng vững, hai bên cầu tựa vào núi soi bóng trên dòng sông Mã. Đặc biệt, trong hai ngày 3 và 4-4-1965, khi đế quốc Mỹ huy động 454 lượt máy bay, ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất này, người dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng, điểm giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đến nay, di tích trở thành nhân chứng lịch sử quan trọng cho ý chí kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước của quân dân xứ Thanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Cầu Hàm Rồng đi vào lịch sử như một sự kiên cường, bất khuất.

Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, mảnh đất Hàm Rộng đã có nhiều “thay da đổi thịt” từ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông. Cầu Hàm Rồng không còn nằm trên tuyến đường bộ chính nối hai niềm Nam Bắc nhưng mỗi lần ngang qua đây, ai cũng muốn dừng chân ngắm nhìn để rồi lắng lòng nhớ lại những tháng năm bom đạn và máu lửa trong quá khứ.

Anh Lê Đức Sơn, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa), tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã chấm dứt nhưng những câu chuyện, tấm gương về sự chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và Nhân dân Thanh Hóa để bảo vệ cầu Hàm Rồng vẫn được bố mẹ kể lại từ khi tôi mới chỉ lên 5 lên 6 tuổi. Cho đến nay, mỗi khi có dịp cùng con đi qua cầu Hàm Rồng, tôi lại kể cho các cháu nghe về chiến tích vẻ vang của những bậc cha anh đi trước với một niềm yêu mến và tự hào. Cho con đặt từng bước chân trên chiếc cầu lịch sử, tận mắt ngắm nhìn cảnh quan sông nước hữu tình xung quanh, tôi muốn vun đắp thêm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc để con biết gìn giữ tất cả những giá trị quý giá mà các thế hệ di trước đã đổ biết bao xương máu của để giành được cho quê hương”.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Sự hiện hữu của các di tích, hiện vật cách mạng cùng với những câu chuyện gắn liền như những thước phim lịch sử đưa lớp trẻ trở về những năm tháng kiên cường, bất khuất của đồng bào. Tình yêu nước, truyền thống dân tộc cũng từ đó được vun đắp và vững mạnh hơn. Vào mỗi dịp lễ, ngày kỷ niệm, tại các điểm di tích luôn có nhiều đoàn người đến dâng hương, tưởng nhớ. Một số trường học trên địa bàn tỉnh như: Trường THCS Minh Khai, trường Tiểu học Đông Vệ 2... đã tổ các buổi hoạt động ngoại khóa đưa học sinh đến tham quan tìm hiểu về lịch sử và mảnh đất quê hương mình. Qua đó, nhiều bạn trẻ đã được hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Động Long Quang là nơi sơ cứu các chiến sỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, TP Thanh Hóa cho biết: “Không chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh qua sách vở và những bài giảng trên lớp, nhà trường còn muốn cho các em được trực tiếp cảm nhận về những giá trị lịch sử, văn hóa và con người xứ Thanh qua các buổi hoạt động ngoại khóa tại các điểm di tích. Đây là hình thức truyền đạt hiệu quả giúp các em hiểu rõ về lịch sử quê hương, biết tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương của mình cho nền độc lập nước nhà đồng thời bồi đắp tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập để xây dựng Tổ quốc ngày một giàu mạnh”.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Nằm cách Cầu Hàm Rồng khoảng 500m, Trận địa đồi C4 cũng là một trong những di tích cách mạng nổi bật của TP Thanh Hóa với tổng diện tích 120 nghìn m2, gồm: 1 hầm chỉ huy, 2 trung đội pháo gồm pháo B1, B2 ; 6 khẩu đội, 1 hầm câu lạc bộ và 2 hầm đạn. Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như : Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông…, từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, Trận địa Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội xuống cầu Hàm Rồng. Với khẩu hiệu: “Thà gục trên mâm pháo chứ quyết không để cầu gục” các anh bộ đội đã chiến đấu hết mình, bảo vệ thành công cầu Hàm Rồng và làm nên những chiến thắng lẫy lừng, giòn giã.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Giữa không gian xanh ngát của những hàng thông già, chị Trần Thị Ngân, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đang miệt mài quét dọn lần lượt từng căn hầm, từng khẩu đội pháo trong khu di tích. Tự hào về quá khứ hào hùng, chị Ngân chia sẻ: “Là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực quản lý các điểm di tích văn hóa lịch sử, chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy giá trị các di tích, hiện vật cách mạng đối với mỗi thế hệ người dân Việt. Mong muốn ngày càng có nhiều người quan tâm hơn tới điểm di tích, cảm nhận sâu sắc hơn về những cống hiến lớn lao của các thế hệ đi trước để từ đó thêm yêu hơn mảnh đất quê hương mình, chúng tôi hàng ngày vẫn thay nhau lên quét dọn, vệ sinh toàn khu trận địa để nơi đây luôn được tươm tất, gọn gàng và ấm áp. Với những đoàn khách đến tham quan, anh chị em trong Ban sẽ trở thành những hướng dẫn viên trực tiếp tận tình giới thiệu giúp du khách mọi nơi hiểu hơn về lịch sử mảnh đất Hàm Rồng nói riêng và vùng đất xứ Thanh nói chung.

Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa

Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng - nơi tưởng nhớ, tôn vinh quân và dân Nam Ngạn trong kháng chiến.

Bằng các cách làm cụ thể như: Thực hiện trùng tu, tôn tạo các điểm di tích; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh đến đông đảo người dân; kết nối với các điểm văn hóa lịch sử khác trên địa bàn tỉnh tạo thành tuyến du lịch; đi sâu giới thiệu đến thế hệ trẻ thông qua hệ thống trường học..., TP Thanh Hóa đang từng bước đưa mỗi di tích cách mạng đến gần hơn với đời sống Nhân dân.

Cùng với sự ồn ào tấp nập của phố phường, cùng với sự phát triển nhanh của thời cuộc, những di tích cách mạng vẫn lặng lẽ bên cạnh như chứng kiến, đồng hành và cổ vũ người dân Thanh Hóa vươn lên trong thời đại mới.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]