(vhds.baothanhhoa.vn) - Là người con của đất mường Trịnh Vạn, nay là xã Vạn Xuân (Thường Xuân), Cầm Bá Thước - một trong những vị thủ lĩnh xuất sắc của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh trong phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19. Trải qua thời gian gần 150 năm, trở về ngôi đền thiêng thờ ông nằm soi bóng xuống ngã ba sông, trong âm vang của núi rừng, hậu thế lại được nghe chuyện kể về vị dũng tướng năm xưa.

Lên mường Trịnh Vạn nghe chuyện kể Cầm Bá Thước đánh giặc ngoại xâm

Là người con của đất mường Trịnh Vạn, nay là xã Vạn Xuân (Thường Xuân), Cầm Bá Thước - một trong những vị thủ lĩnh xuất sắc của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh trong phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19. Trải qua thời gian gần 150 năm, trở về ngôi đền thiêng thờ ông nằm soi bóng xuống ngã ba sông, trong âm vang của núi rừng, hậu thế lại được nghe chuyện kể về vị dũng tướng năm xưa.

Lên mường Trịnh Vạn nghe chuyện kể Cầm Bá Thước đánh giặc ngoại xâmNgười dân về dâng hương tại đền Cầm Bá Thước dịp đầu xuân.

Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, Cầm Bá Thước là người dân tộc Thái. Ông sinh năm 1858 ở bản Lùm Nưa tổng Trịnh Vạn (nay là xã Vạn Xuân) trong một gia đình lang đạo nhiều đời. Từ nhỏ đã thông minh, chăm chỉ học chữ, đọc sách. Lớn lên, Cầm Bá Thước kế nghiệp cha mình trở thành thổ ty và được triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ phong chức Bang biện trông coi hai châu Thường Xuân và Lang Chánh.

Nửa cuối thế kỷ 19, với dã tâm của kẻ xâm lược, đất nước ta đã từng bước rơi vào tay thực dân Pháp. Đặc biệt, năm 1885, sau khi quân triều đình nhà Nguyễn tập kích vào đồn Mang Cá tấn công giặc Pháp bị thất bại, kẻ thù phản công khiến kinh thành Huế thất thủ. Quan đại thần Tôn Thất Thuyết buộc phải đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) lánh nạn, đồng thời xuống chiếu Cần vương kêu gọi toàn dân đánh Pháp.

Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, Cầm Bá Thước là người dân tộc Thái. Ông sinh năm 1858 ở bản Lùm Nưa tổng Trịnh Vạn (nay là xã Vạn Xuân) trong một gia đình lang đạo nhiều đời. Từ nhỏ đã thông minh, chăm chỉ học chữ, đọc sách. Lớn lên, Cầm Bá Thước kế nghiệp cha mình trở thành thổ ty và được triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ phong chức Bang biện trông coi hai châu Thường Xuân và Lang Chánh.

Là Bang biện quân vụ, Cầm Bá Thước “nắm” được lực lượng quân sự thổ binh, dân binh của hai châu Thường Xuân và Lang Chánh và chính quê hương Trịnh Vạn trở thành căn cứ để ông chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa chống giặc, cứu nước. Lực lượng nghĩa quân lúc đầu là đồng bào các dân tộc ở châu Thường Xuân, họ chủ yếu là người dân trong dòng họ, thanh niên trai tráng trong bản… tham gia nghĩa quân với danh nghĩa bảo vệ gia đình, dòng họ, quê hương. Nhưng không dừng lại ở đó, với tư cách Bang biện, Cầm Bá Thước đã liên kết với những người có uy tín, thế lực trong vùng thời bấy giờ như: Lý trưởng Chiềng Ngà Lê Trạch Nhung; Lý trưởng Lùm Nưa Lò Văn Như; Lý trưởng Hà Văn Vạn ở làng Cọc; Lò Văn Piềng; Hà Văn Liêu; Cầm Bá Lá… Ông còn liên kết với nghĩa quân Hà Văn Mao ở Bá Thước; Tống Duy Tân ở Vĩnh Lộc…

Theo sử liệu, trên cơ sở tập hợp lực lượng và chuẩn bị kỹ cho cuộc khởi nghĩa, đến cuối năm 1885, Cầm Bá Thước đã tổ chức căn cứ Trịnh Vạn cùng hệ thống tiền đồn với số quân hàng trăm người. Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa do Cầm Bá Thước lãnh đạo còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Trong đó ông Tạo Cống ở Sầm Tớ (Lào) đã cung cấp nhiều thực phẩm như lúa, gạo, sâm, nhung, quế. Từ đây, Cầm Bá Thước tổ chức xưởng sản xuất vũ khí để chế tạo súng kíp, súng hỏa mai, giàn bắn đá, tên tẩm thuốc độc, cung nỏ với 50 thợ thủ công, thợ rèn từ khắp mọi nơi tập trung về đây đêm ngày miệt mài làm việc.

Chỉ sau chưa đầy một năm, Cầm Bá Thước đã xây dựng Trịnh Vạn trở thành căn cứ vững chắc với ba con đường thông hiểm yếu. Cả ba con đường đều nằm dọc sông suối và hai bên là rừng rậm, núi đá với vách dựng đứng; một hệ thống đồn chốt nằm dọc tuyến để bảo vệ cho căn cứ như các đồn: Bù Lẹ, Bù Đồn, Hón Đòn, Cửa Đặt, Nhân Trầm… Quân Pháp mỗi khi tiến vào căn cứ Trịnh Vạn đều bị nghĩa quân ở các đồn chốt ngăn chặn, tiêu diệt.

Cuối năm Ất Dậu 1885, quan đại thần Tôn Thất Thuyết và Tả quân đô thống Trần Xuân Soạn được Vua Hàm Nghi phái ra Bắc chỉ đạo phong trào Cần vương chống Pháp. Khi dừng lại tại xứ Thanh để gặp mặt các thủ lĩnh Cần vương trong tỉnh, Cầm Bá Thước được giao chức Tán lý quân vụ châu Thường Xuân. Sang đầu năm 1886, tại hội nghị Bồng Trung, Cầm Bá Thước được Trần Xuân Soạn - người trực tiếp lãnh đạo phong trào Cần vương ở Thanh Hóa (do Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chỉ định) giao trách nhiệm cùng Tống Duy Tân phụ trách sơn phòng Thanh Hóa - tổ chức kháng Pháp ở khu vực miền núi xứ Thanh (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Cũng theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh, được sự điều động của Trần Xuân Soạn, tháng 2 năm Bính Tuất, Cầm Bá Thước cùng Hà Văn Mao dẫn quân xuống đồng bằng để hỗ trợ việc tấn công vào Hạc Thành do quân Cần vương của ba huyện Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn làm chủ lực. Cuộc tấn công tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn song đã làm giặc Pháp bị tổn thất một số tướng sĩ, vũ khí và không khỏi hoảng loạn trước tinh thần kháng Pháp mạnh mẽ của Nhân dân ta. Chính vì vậy, sau đó không lâu quân Pháp tại Thanh Hóa đã mở cuộc càn quét nhằm dập tắt phong trào Cần vương.

Sau khi căn cứ Ba Đình bị “vỡ”, Cầm Bá Thước thu quân trở về châu Thường Xuân, củng cố căn cứ Trịnh Vạn, suối Bọng, đồng thời phối hợp với nghĩa quân Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân đánh Pháp ở một vùng rộng lớn từ Vĩnh Lộc sang Thọ Xuân đến Nông Cống. Theo sử liệu, đầu năm 1892, nghĩa quân Tống Duy Tân phối hợp với quân của Cầm Bá Thước đánh vào các đồn giặc Pháp ở khu vực miền núi khiến kẻ thù gặp nhiều tổn thất. Và chúng quyết tâm “dập tắt” phong trào đấu tranh của Nhân dân ta. Vì chênh lệch lực lượng, vũ khí, ngày 13-5-1895, thủ lĩnh Cầm Bá Thước cùng gia quyến bị thực dân Pháp vây bắt.

Tương truyền, trên đường giải Cầm Bá Thước về đồng bằng, thực dân Pháp đã nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc, mang chức tước, bổng lộc ra hòng khiến ông lung lay. Tuy nhiên, người con anh dũng của đất mường Trịnh Vạn lúc bấy giờ đã khẳng khái: “Tao chỉ làm quan với dân tao”.

Và theo lưu truyền dân gian, lý do đền thờ Cầm Bá Thước được lập dựng ngay nơi ngã ba hợp lưu của sông Chu và sông Đặt là bởi, khi Cầm Bá Thước bị dẫn giải về đến đây - tức Cửa Đặt, biết không thể sống sót, ông đã bẻ một cành quế của vùng đất châu Thường Xuân rồi ném xuống đất mà rằng: “Sau này hãy làm miếu thờ ta ở đất này”.

Ngày nay, trở về với Cửa Đặt nơi ngã ba sông sơn thủy hữu tình, du khách bắt gặp quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đặt là nơi thờ danh tướng Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn. Di tích nằm trong không gian cảnh quan sông núi hữu tình, gắn liền tín ngưỡng tâm linh của người dân. Bà Lê Thị Phương - nhân viên Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đặt, cho biết: “Khu di tích là điểm đến yêu thích của người dân trong và ngoài tỉnh mỗi dịp đầu xuân. Cùng với trách nhiệm quản lý, ban quản lý di tích cũng tích cực tuyên truyền để người dân về dâng hương, chiêm bái tại di tích hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa của các nhân vật được thờ tự tại đền, từ đó thêm tự hào về việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống ông cha".

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]