(vhds.baothanhhoa.vn) - ...với vị trí đắc địa của vùng hồ Yên Mỹ, từ năm 2011, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị Yên Mỹ, huyện Nông Cống; đến năm 2020 có thêm quyết định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ gồm 1.660 ha. Nhờ đó mà hiện tại quanh hồ Yên Mỹ đã có một số nhà nghỉ dưỡng gần bến nước được xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch tham quan lòng hồ, bơi thuyền, câu cá, leo núi...

Mênh mang Yên Mỹ

...với vị trí đắc địa của vùng hồ Yên Mỹ, từ năm 2011, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị Yên Mỹ, huyện Nông Cống; đến năm 2020 có thêm quyết định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ gồm 1.660 ha. Nhờ đó mà hiện tại quanh hồ Yên Mỹ đã có một số nhà nghỉ dưỡng gần bến nước được xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch tham quan lòng hồ, bơi thuyền, câu cá, leo núi...

Mênh mang Yên MỹHồ Yên Mỹ.

1.Tham gia vào nhóm đi thực tế do Chi hội Nhà văn công nhân, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tôi mới may mắn được dịp trở lại vùng Yên Mỹ (huyện Nông Cống), nơi một thời đã cùng các đồng đội của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 57 (Đoàn Sông Gianh) đóng quân và tập luyện tại thao trường núi Đồng Nghĩa trước khi đi B. Ngày ấy, vùng đất bán sơn địa này là địa bàn của Nông trường quốc doanh Yên Mỹ, chuyên trồng cây cà phê. Vào cuối thập niên 1970, dự án ngăn sông đắp đập xây hồ được khởi công xây dựng để cung cấp nước tưới nông nghiệp cho các địa phương phía Đông Nam và Nam của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi hoàn thành, công trình hồ Yên Mỹ đã tạo nên một vùng hồ rộng lớn trên địa bàn 6 xã: Yên Mỹ (Nông Cống), Phú Sơn, Phú Lâm, Các Sơn (Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn), Thanh Tân, Thanh Kỳ (Như Thanh). Đến Yên Mỹ hôm nay, đứng trên bờ đập chính nhìn về hướng cầu mới, được cho là cây cầu bắc qua lòng hồ dài nhất trên đường cao tốc thiên lý Bắc Nam, tôi vô cùng náo nức cảm nhận vẻ đẹp lộng lẫy của một toàn cảnh nước non, non nước tương quan, tương thế và mới thấy hết được sự thần diệu chữ nghĩa trong câu Kiều “Long lanh đáy nước in trời” của thi hào Nguyễn Du.

2.Cùng đi với nhóm chúng tôi theo bờ đập chính dẫn đến kênh thoát nước phía núi Đồng Nghĩa, ông Phạm Minh Chính (66 tuổi), nguyên Bí thư Huyện ủy Nông Cống từng là một thanh niên trong lớp người “tuổi hai mươi sôi nổi” tham gia đắp đập xây hồ Yên Mỹ năm 1978 nhớ lại: Ngày ấy có hàng vạn dân công trẻ tuổi từ các huyện Nông Cống, Như Thanh, Tĩnh Gia... tập trung về đây làm việc mỗi ngày ba ca để xây dựng con đập ngăn đầu nguồn sông Thị Long. Hồ Yên Mỹ là hồ đầu tiên ở nước ta mà đập ngăn nước được đắp thành công bằng đất đỏ bazan, thứ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tiết kiệm được khá nhiều chi phí xây dựng và rút ngắn được thời gian hoàn thiện công trình. Đập chính của hồ Yên Mỹ có chiều dài 715 mét. Đập phụ dài 1.147 mét. Hai con đập này tạo nên diện tích lòng hồ rộng 2.800 ha, là một trong ba hồ nước ngọt lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa (Yên Mỹ, Cửa Đạt và Sông Mực). Hồ Yên Mỹ nằm cách danh thắng thiên nhiên Vườn Quốc gia Bến En 20 km, cách khu công nghiệp Nghi Sơn cũng chừng 20 km và chỉ cách ngã ba cụm đường liên tỉnh 505, 512, 513 chưa đầy 1 km. Hồ không những cung cấp nước tưới cho diện tích 5.840 ha của thị xã Nghi Sơn và Nông trường Yên Mỹ mà còn cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt với công suất 55.000m3/24 giờ cho Khu Kinh tế Nghi Sơn và thị xã Nghi Sơn. Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay công trình Yên Mỹ đã cắt giảm hơn 50% tổng lượng lũ của đầu nguồn sông Thị Long, chấm dứt nạn hạn hán, lụt lội, lũ quét cho cả một vùng rộng lớn hàng chục vạn ha, nơi tiếp giáp ba huyện Nông Cống, Như Thanh và thị xã Nghi Sơn.

Theo các tài liệu về khí tượng thủy văn và những khảo sát về thổ nhưỡng, địa chất, địa hình, toàn bộ khu vực hồ Yên Mỹ được bao bọc bởi hệ thống vòng cung núi xen kẽ, chạy dài, với độ dốc tương đối lớn nên về mùa hè thường có gió đông nam thổi theo các lèn núi từ hướng Nghi Sơn vào thung lũng khiến cho cả khu vực hồ và phụ cận trở nên mát mẻ; còn về mùa đông thì hạn chế được các đợt gió mùa tràn về từ hướng Bắc và Đông Bắc.

Với đặc điểm khí hậu tương đối hài hòa đó, vùng bờ hồ Yên Mỹ nằm trên địa hình bán sơn địa trải rộng từ mép hồ đến các mái núi thấp có nhiều thảm thực vật quanh năm tươi tốt, làm nơi sinh trưởng lý tưởng của các loại thú ăn cỏ. Trong hồ có khá nhiều loại cá có trọng lượng khá lớn như cá trắm, cá mè, có thể đạt tới bốn mươi, năm mươi kg/con. Cùng với đó, các sản vật ngon như hạt sen xanh, rau đắng, tép suối, cá bống bông, chạch cán dao, lươn khe, ốc núi... cũng khá dồi dào.

3. Ông Chủ tịch xã Yên Mỹ Phan Thế Lộc cho biết, với vị trí đắc địa của vùng hồ Yên Mỹ, từ năm 2011, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị Yên Mỹ, huyện Nông Cống; đến năm 2020 có thêm quyết định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ gồm 1.660 ha. Nhờ đó mà hiện tại quanh hồ Yên Mỹ đã có một số nhà nghỉ dưỡng gần bến nước được xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch tham quan lòng hồ, bơi thuyền, câu cá, leo núi... Dự án vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu đầy đủ về hệ sinh thái để xây dựng một khu du lịch đẳng cấp nhằm kết hợp nghỉ dưỡng với các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ tổng hợp, đủ đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế với quy mô phấn đấu, sau năm 2030, cụ thể là đến năm 2035 lượng du khách đến với Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ đạt khoảng trên dưới ba mươi vạn lượt.

"Để về đến đích tương lai trong khoảng mười năm tới, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình (+18.50) mét đến cao trình (+20.36) mét với tổng mức bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 216 tỷ đồng. Đây là một công việc hết sức khó khăn vì hàng trăm hộ dân sẽ phải di dời, trong đó có hộ di dời lần thứ hai (lần thứ nhất là năm 1978). Nhưng xã Yên Mỹ đã và đang có những bước đi hợp lòng dân, đó là không để các hộ trong diện giải tỏa bị thiệt thòi mà tạo điều kiện cho họ có chỗ định cư mới tốt hơn - ông Chủ tịch xã Yên Mỹ nói và hướng chúng tôi về con đường chính nối liền các thôn làng trong xã đi qua cầu chui của đường cao tốc về hướng Nghi Sơn cho biết thêm: “Hiện, Yên Mỹ đã được công nhận là đô thị loại IV, con đường này không bao lâu nữa sẽ có dãy nhà mặt phố. Hy vọng một số hộ trong diện giải tỏa sẽ có địa chỉ nhà ở mặt phố mới!”.

Tôi nhìn con đường rộng rãi đang được xây dựng theo thiết kế đường đô thị bằng bê tông nhựa, hai bên có hệ thống thoát nước và lề hè được căn ô trồng cây bóng mát như hiểu thêm mấy chữ “hợp lòng dân” của ông chủ tịch xã.

Để chúng tôi thấy thêm tâm thế đang hướng tới một toàn cảnh của Yên Mỹ ngày càng được mở rộng để mênh mang thêm, nguyên Bí thư Huyện ủy Nông Cống Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo xã Yên Mỹ đưa chúng tôi lên thăm khu chăn nuôi bò sữa áp dụng công nghệ cao ở phía bên kia hồ. Trên đường đi, “phát hiện” ra một cánh đồng lúa đang độ chín vàng trải dài từ chân đập phụ đến tận dãy núi xanh lơ ở phía Tây, mọi người đề nghị dừng xe để chụp ảnh cảnh quan thiên nhiên hiếm có ở một vùng bán sơn địa này. Tôi cứ nghĩ nếu không có con đập phụ mà chúng tôi đang đứng thì cánh đồng mênh mông phía trước mặt chỉ có thể là đáy hồ nước hoặc là một vùng đất cằn, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Như để trả lời sự lăn tăn của tôi, một lãnh đạo địa phương giải thích thêm: “Khi thiết kế xây dựng con đập, cấp trên đã tính đến vấn đề an ninh lương thực cho một vùng đất mà ba bốn phần là rừng núi, chỉ có một phần nhỏ là đất trồng trọt, nhờ đó mà Yên Mỹ chúng tôi và các xã trong vùng hồ có được vựa lúa như thế này!”.

Khi đến khu chăn nuôi bò sữa chất lượng cao, chúng tôi được biết, Nông trường Yên Mỹ vốn xưa là đồn điền chuyên trồng cà phê của chủ người Pháp, tạo ra thứ cà phê ngon nổi tiếng khắp Đông Dương. Đến năm 1955, đồn điền này được chuyển thành nông trường quốc doanh tiếp tục trồng cây cà phê. Đến năm 1987, chuyển sang trồng thêm các loại cây khác như chè, cao su, mía... Hiện tại, cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH đã được khởi công xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Đây là dự án nông nghiệp lớn cả về quy mô và áp dụng công nghệ cao của tỉnh Thanh Hóa với tổng số vốn đầu tư là 3.800 tỷ đồng để nuôi 20 ngàn con bò sữa tại cụm trang trại Yên Mỹ và 30 ngàn con trong các hộ gia đình. Hiện tại 1.600 con bò giống đã “nhập trại” đang phát triển khá tốt. Các cánh đồng trồng giống cỏ nhập ngoại cũng đã mọc xanh rì xung quanh các trang trại. Chủ doanh nghiệp TH cũng đã cam kết với các hộ nuôi bò trồng cỏ rằng, người nuôi bò sẽ không phải đi một mình mà có một chuỗi các liên kết hợp tác đồng hành để nối kết với doanh nghiệp, từ khâu bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ đến cung cấp thức ăn chăn nuôi, thu mua sản phẩm nhằm tạo nên những ly sữa đồng nhất, nhằm hướng tới hai mục tiêu là phục vụ sức khỏe của cộng đồng và xuất khẩu.

Như vậy, Nông trường Yên Mỹ với diện tích rộng hơn 1.300 ha lâu nay đang loay hoay trong việc “trồng cây gì, nuôi con gì” để có hiệu quả kinh tế đã chuyển thành các cụm trang trại nuôi bò sữa có bước đi mạch lạc, có tiền đồ tự tin và hy vọng. Cùng với đó là tạo thêm một mô hình sản xuất mới, mô hình nuôi bò sữa với quy mô và chất lượng cao trong các hộ gia đình.

4.Chiều muộn, thể theo lời mời tha thiết của lãnh đạo xã Yên Mỹ, nhóm chúng tôi có cả nguyên Bí thư Huyện ủy Nông Cống Phạm Minh Chính ở lại dùng bữa cơm mà các vị chủ nhà nói là cơm tép suối, cá bống hồ. Chúng tôi được thưởng thức món khai vị, nhấm nháp hạt sen xanh rồi chiêu nước vối trước khi vào “tiệc”.

“Tiệc” gồm toàn các món từ núi và hồ Yên Mỹ. Cá bống được nấu thành hai món: món canh chua và món kho mặn. Tép suối toàn những con to hơn đầu đũa rang khô xúc bánh đa giòn rùm rụm. Món nộm rau má trộn với thịt dê núi thái mỏng tang cũng rất hấp dẫn khẩu vị...

Từ nơi ẩm thực dân dã nhìn ra, xa xa bên kia phía đập phụ, ánh dương cuối ngày tia lên chân trời những hình rẻ quạt vàng sáng hắt xuống mặt hồ, tạo nên một màu huyền ảo như khói như sương, chẳng khác gì một bức thủy mặc có thêm các màu ngũ sắc. Mặt hồ Yên Mỹ cảm như rộng vô cùng, xa vô cùng - mênh mang Yên Mỹ.

Gắp cho mỗi người một “đũa” nộm rau má trộn với thịt dê núi, một bạn thơ xứ Thanh đi cùng nhóm ngân nga đọc: “Ngày xưa rau má rau khoai/ Đỡ lòng đứt bữa giêng hai cơ hàn/ Bây giờ rau má rau lang/ Lên ngôi đặc sản nhà hàng xóm quê!”.

Bút ký của Lê Ngọc Minh (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]