(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Bằng Trình xưa, thôn Nam Bằng 1 ngày nay, nằm ở hình sông, thế núi hữu tình vùng đất xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa. Vì thế, trong mười cảnh đẹp quần tụ ở hai bờ sông Chu mà các danh sĩ xưa đã gọi là Bàn A Sơn thập cảnh, có núi Bằng Trình được sử gia Ngô Thì Sĩ mô tả “Khánh Bằng liệt chướng” (tức núi Đại Khánh và núi Bằng Trình cùng hàng).

Núi Bằng Trình trong Bàn A Sơn thập cảnh

Làng Bằng Trình xưa, thôn Nam Bằng 1 ngày nay, nằm ở hình sông, thế núi hữu tình vùng đất xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa. Vì thế, trong mười cảnh đẹp quần tụ ở hai bờ sông Chu mà các danh sĩ xưa đã gọi là Bàn A Sơn thập cảnh, có núi Bằng Trình được sử gia Ngô Thì Sĩ mô tả “Khánh Bằng liệt chướng” (tức núi Đại Khánh và núi Bằng Trình cùng hàng).

Núi Bằng Trình trong Bàn A Sơn thập cảnhNúi Bằng Trình và chùa Thái Bình nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bàn A Sơn nổi tiếng của xứ Thanh và cả nước.

Theo các nhà sử học, ở khu vực núi Bằng Trình, một trận chiến lớn giữa đội quân của những vị tướng anh hùng thời Hai Bà Trưng với đội quân của Mã Viện đã diễn ra ác liệt trước khi thành Tư Phố kề bên bị rơi vào tay giặc (năm 40 sau Công nguyên). Hiện nay trong lòng đất vẫn còn nhiều chứng tích về các loại vũ khí và xương người. Cùng với những hiện vật phát hiện được, kết hợp với các nguồn tài liệu khảo cổ học, địa lý, lịch sử, thư tịch cổ mà nhất là những tên đất, tên đồng mang tên nôm còn tồn tại đến ngày nay, chứng tỏ bên bờ tả ngạn sông Chu đã từng tồn tại một làng cổ thực sự.

Tên Bằng Trình chỉ thực sự có từ thế kỷ XIII – XIV. Truyền thuyết để lại kể rằng, trong một trận lụt lớn có một người họ Đỗ Đình bám trên một thân cây gỗ trôi lênh đênh trên dòng sông Chu dạt vào Vực Dậu (nay còn gọi là khu chùa Đậu, làng Bằng Trình). Sau khi xem xét địa hình, nhận thấy đất này là vùng chiêm trũng, chỉ nổi lên một gò đất bằng phẳng lộ ra trước ngã ba sông, ông quyết định ở lại sinh cơ lập nghiệp. Ông đặt tên cho mảnh đất này là Bằng Trình.

Năm 1418, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, cũng đã lấy Bằng Trình làm căn cứ đánh đuổi quân Minh giành độc lập dân tộc. Câu thơ: “Thượng tri Lam Sơn, hạ tri Bằng Trình” còn lưu truyền đến ngày nay là vậy. Điều đó đã nói lên sự đóng góp nhân tài, vật lực, đất và người Bằng Trình xưa, trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

Trước cảnh đẹp của vùng quê này, trong thời gian từ 1533-1592, sau khi chúa Trịnh lập kinh đô tại Vạn Lại (nay là xã Thuận Minh) huyện Thọ Xuân, Trịnh Sâm đã đi du ngoạn vãn cảnh Bằng Trình thăm “Thái Bình sơn tự” (chùa Thái Bình). Thấy nơi đây, thế làng đẹp, có cây đa, bến nước, sân đình, có tiếng hò khoan bên dòng sông Chu, sông Mã, có ngày hội làng phong cảnh núi non huyền bí, diệu kỳ, để ghi nhớ chuyến du ngoạn này, ông đã đặt tên là làng Trịnh. Từ đó, những địa danh của làng Bằng Trình đều mang tên Trịnh, như: chùa Trịnh, núi Trịnh, chợ Trịnh, làng Trịnh...

Làng Bằng Trình xưa, Nam Bằng nay, có nhiều công trình văn hóa đặc sắc. Giữa làng có ngôi đình 7 gian thờ vua Tự Đức, thờ các vị thần có công với dân làng. Đình được xây dựng theo kiến trúc cổ rất uy nghi và tinh xảo. Sân đình rộng rãi thoáng mát và là nơi diễn ra các hoạt động của làng. Hằng năm, ngày mùng 5, mùng 6 tháng Giêng âm lịch, là ngày mọi người dân nô nức đến đình tham gia lễ hội làng và xem 3 phường Ngô trong làng diễn lại trò Ngô độc đáo.

Làng Bằng Trình xưa còn có 4 chùa nên dân gian thường gọi là “Đất bốn chùa”, gồm: chùa Trên, chùa Đậu, chùa Côn và chùa Thái Bình. Nếu chùa Trên, chùa Côn chỉ còn trong ký ức người dân thì chùa Đậu, chùa Thái Bình nay vẫn là điểm sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng. Đặc biệt chùa Thái Bình dựng trên núi Bằng Trình – một ngọn núi sừng sững đối diện với dãy Bà Na (núi Vồm, phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa), xây dựng khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời Lê Hy tông.

Núi Bằng Trình trong Bàn A Sơn thập cảnh

Núi Bằng Trình được các sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí biên soạn triều Tự Đức, Hoàng Việt nhất thống chí của Lê Quang Định (đầu thế kỷ XIX), Đồng Khánh dư địa chí... ghi rất cụ thể. Trong đó đều khẳng định: Đây là danh thắng đáng để ca ngợi. Ở kề sát khu vực Ngã Ba Đầu – nơi gặp nhau giữa sông Chu và sông Mã, lại đối diện núi Bàn A, vì thế nó như một góc độc đáo trong bức tranh phong cảnh đẹp ở đây.

Diện mạo cảnh quan của làng Bằng Trình xưa thì vẫn còn đó, nhưng các di tích đã xuống cấp nhanh chóng. Chùa Đậu giờ đây cần được tôn tạo khẩn cấp; chùa Thái Bình sau khi bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại đất đai, nền móng và một số di vật. Từ năm 2002 bằng sự đóng góp của Nhân dân trong vùng và du khách thập phương, Thái Bình sơn tự đã được xây dựng lại đáp ứng phần nào nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân.

“Từ thời nhà Lê, nơi đây là vùng đất đã sản sinh ra nhiều người tài giỏi. Đó là Phó bảng Đỗ Khải, đỗ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), đời vua Tự Đức và được bổ nhiệm chức tri huyện; Đại tướng quân Đỗ Nhã; tri phủ huyện Tĩnh Gia Đỗ Bá Vây; tri phủ huyện Thạch Thành Đỗ Vượng... Trước Cách mạng Tháng Tám, có nhiều người con ưu tú của làng đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Nhân dân Nam Bằng đã tích cực tham gia trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều người con yêu quý đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường, nhiều cá nhân và gia đình được Đảng và Nhà nước tặng Bảng vàng danh dự, Bảng Gia đình vẻ vang, huân huy chương các loại”, ông Phùng Bá Duy, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp, cho biết.

Về thôn Nam Bằng 1, xã Thiệu Hợp, chúng tôi đã gặp Bí thư kiêm trưởng thôn Đỗ Hữu Hùng. Anh cho biết: “Người dân ở Bằng Trình xưa chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải; sau thêm trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán. Còn người thôn Nam Bằng 1, trong số 1.165 nhân khẩu thì có 1/3 đi làm ở các công ty, nhà máy, đã góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập để thôn phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2025. Cũng vì đời sống kinh tế phát triển nhanh, nên nếp xưa nhà cũ không còn, nhà cao tầng đã mọc lên san sát. Tuy nhiên là thôn trung tâm của xã, bà con luôn chú trọng hài hòa giữa phát triển đời sống vật chất và tinh thần. Ở đây các phong trào thể dục thể thao, văn hóa - văn nghệ hoạt động rất mạnh”.

Quả thật, nếu ai đã về Thiệu Hợp cách đây 10 năm, nay quay lại sẽ thấy diện mạo hoàn toàn khác... những con ngõ đã được bà con hiến đất mở rộng, trang trí bồn hoa cây cảnh bắt mắt, nhà cửa đẹp và khang trang... Song, núi Bằng Trình vẫn sừng sững đứng như một điểm tựa vững chãi để người trong làng, trong xã tự tin mà đi lên, mà phát triển.

Bài viết có sử dụng tư liệu sách “Lịch sử Thanh Hóa”, tập 2 NXB KHXH, 1994; Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Hợp (1930-2011), NXB Chính trị - Hành chính, 2011.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]