(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trong lòng thành phố Thanh Hóa, thắng tích Hàm Rồng không chỉ nổi tiếng bởi những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú qua các quần thể sông, núi, hang động… mà nơi đây còn được biết đến với chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong các cuộc kháng chiến cứu nước giải phóng dân tộc.

Thắng tích Hàm Rồng

Nằm trong lòng thành phố Thanh Hóa, thắng tích Hàm Rồng không chỉ nổi tiếng bởi những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú qua các quần thể sông, núi, hang động… mà nơi đây còn được biết đến với chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong các cuộc kháng chiến cứu nước giải phóng dân tộc.

Thắng tích Hàm Rồng

Nhắc đến thắng tích Hàm Rồng, hình ảnh đầu tiên chính là cây cầu Hàm Rồng lịch sử. Cây cầu gắn liền với những biến cố, thăng trầm trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta. Với mục đích ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam ruột thịt, hàng nghìn tấn bom đạn đã được không quân Mỹ thả xuống nơi đây. Cầu Hàm Rồng - sông Mã trở thành điểm bắn phá ác liệt nhất những năm kháng chiến chống Mỹ. Từng tấc đất, cây cỏ, ngọn núi, con sông... đều ghi dấu những chiến công của quân và dân Thanh Hóa.

Thắng tích Hàm Rồng

Cách cầu Hàm Rồng khoảng 500 m là Đồi C4 anh hùng nằm trên ngọn núi Rồng. Đây là di tích gắn liền với những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng lịch sử. Dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng nơi đây vẫn in đậm dấu ấn hào hùng của một thời máu lửa.

Thắng tích Hàm Rồng

Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng. Tại đây, các chiến sĩ cách mạng đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Sau 9 năm kiên cường bám trụ cùng với quân dân Hàm Rồng, Đại đội 4 đã đánh hơn 400 trận, góp phần bắn rơi 117 máy bay phản lực hiện đại, trong đó 2 máy bay B52 và 1 máy bay không người lái.

Thắng tích Hàm RồngThắng tích Hàm Rồng

Nằm trên núi Rồng còn có động Long Quang (hay còn gọi là động Mắt Rồng) - một thắng cảnh thơ mộng bên cầu Hàm Rồng lịch sử. Theo truyền thuyết, cả dãy núi Hàm Rồng là hiện thân của một con rồng chín khúc nhấp nhô trên dòng sông Mã. Đầu rồng chính là động Long Quang, lưng Rồng là các dãy núi liên tiếp (đồi C4, đồi Rada, khu Văn Chỉ, đồi Con Công) và đuôi rồng nằm ở cuối làng Đông Sơn. Động Long Quang nằm ngay vị trí mắt rồng, một vị trí kỳ lạ hiếm thấy nên gọi là Hang Mắt Rồng. Từ xa xưa, động Long Quang đã là nơi du ngoạn, thưởng lãm của các bậc tao nhân, mặc khách.

Thắng tích Hàm Rồng

Với phong cảnh nên thơ, trữ tình, động Long Quang đã lôi cuốn nhiều thi nhân, mặc khách đến vãn cảnh như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh tông, Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh... Trên những bức tường đá bên trong động hiện còn lưu giữ nhiều bài thơ chữ Hán từ thời Hậu Lê ca ngợi thắng cảnh núi Rồng, sông Mã... Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đây là nơi đóng quân của Phân đội 3 Công an vũ trang Thanh Hóa (nay là Bộ đội Biên phòng), cũng là nơi sơ cứu của các chiến sỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Thắng tích Hàm Rồng

Đối diện với núi Hàm Rồng, bên bờ bắc sông Mã là núi Ngọc hay còn gọi là núi Châu Phong. Nhìn từ xa, thế núi Hàm Rồng và núi Ngọc giống như con rồng đang vờn hạt ngọc.

Thắng tích Hàm Rồng

Một điểm không thể không nhắc tới trong quần thể Khu Di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng là làng cổ Đông Sơn. Nằm nép mình bên bờ Nam sông Mã thơ mộng, được bao bọc bởi các dãy núi đá nhỏ, đồi đất thấp nằm xen kẽ nhau, làng cổ Đông Sơn hiện lên như một bức tranh thu nhỏ của một làng quê Việt Nam truyền thống, mang đậm nét văn hóa lâu đời.

Thắng tích Hàm Rồng

Làng Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông. Vị thế của làng cho phép phát huy triệt để lợi thế của kinh tế ruộng nước và đất đồi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Đây được xem như một niên biểu về sự phát triển liên tục từ buổi các Vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Theo dòng lịch sử có thể thấy lịch sử của làng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh...

Thắng tích Hàm Rồng

Với những trang sử oai hùng cùng cảnh quan núi sông kỳ vĩ, Khu Di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng sẽ là thắng tích trường tồn mãi cùng chiều dài lịch sử dân tộc Việt.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]