(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Du lịch làng quê đang trở thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách và là hướng phát triển du lịch bền vững của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên với một tỉnh có nhiều tiềm năng như Thanh Hóa thì loại hình này chưa được quan tâm đầu tư tương xứng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiềm năng du lịch trải nghiệm đồng quê

(VH&ĐS) Du lịch làng quê đang trở thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách và là hướng phát triển du lịch bền vững của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên với một tỉnh có nhiều tiềm năng như Thanh Hóa thì loại hình này chưa được quan tâm đầu tư tương xứng.

Du lịch trải nghiệm đồng quê đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới với nhiều hình thức khác nhau. Ở Việt Nam loại hình du lịch này còn khá mới với các hoạt động đưa du khách tới các vùng đồng quê để nghỉ ngơi, tham quan, giải trí và tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa bản địa. Các hoạt động bao gồm: Thăm các di tích lịch sử và các công trình kiến trúc nghệ thuật, tham gia hoạt động của các lễ hội làng, như: tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa của các vùng đồng quê, tham quan quang cảnh làng quê với cây đa, giếng nước, sân đình, các làng nghề truyền thống, hoặc tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp như gặt, đập lúa, xay thóc, giã gạo, câu cá, cất vó, thưởng thức những món ăn truyền thống... Du lịch trải nghiệm đồng quê ít tác động đến tài nguyên, môi trường và góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống nhờ việc tiêu thụ được những sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, các sản phẩm thủ công truyền thống.

Trong những năm gần đây, du lịch trải nghiệm đồng quê ngày càng phát triển, được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở các đô thị lớn, cuộc sống bận rộn, gấp gáp. Tại Thanh Hóa, du lịch trải nghiệm làng quê hiện đã được một số địa phương trong tỉnh xây dựng thành đề án để triển khai trong thời gian tới. Một trong những địa bàn đầy tiềm năng và thuận lợi để triển khai loại hình du lịch này là TP Thanh Hóa. Với sự đa dạng về sắc thái văn hóa, lại có những làng nghề đặc trưng, TP Thanh Hóa hiện đang xây dựng các mô hình như: Mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với làng nghề truyền thống (Thiệu Dương, Thiệu Khánh, An Hoạch, Đông Vệ, Đông Hương, Đông Thọ); du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch sinh thái; du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với lao động sản xuất (sản xuất rau an toàn tại các phường, xã Quảng Thắng, Quảng Thành, Hoằng Lý...

Du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa tại TP Thanh Hóa cũng có nhiều thuận lợi khi nhiều danh lam thắng cảnh gắn liền với đặc trưng văn hóa, sinh hoạt của làng quê xưa như Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng) với một loạt di tích lịch sử văn hóa tại khu vực Hàm Rồng; Khu vực thái Miếu Hậu Lê với làng nghề sản xuất rượu Làng Quảng; sản xuất bánh đa, gói chả giò...

Làng hoa Đông Cương (TP Thanh Hóa) là địa điểm có thể phát triển tốt mô hình du lịch trải nghiệm làng quê.

Không chỉ TP Thanh Hóa, tại các địa phương khác trong tỉnh cũng có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm làng quê như Tĩnh Gia với làng nghề sản xuất các sản phẩm từ hải sản như Ba Làng ở Hải Thanh, đánh bắt cá tại các xã ven biển; Sầm Sơn với các phường Quảng Cư, Quảng Tiến... Các địa phương ven biển của xứ Thanh luôn có những làng nghề đánh bắt, chế biến hải sản, bởi vậy đây cũng chính là điều kiện để thu hút khách du lịch tới trải nghiệm thực sự cuộc sống, lao động và sinh hoạt của các ngư dân, lao động khu vực ven biển.

Ngoài ra, ở góc độ du lịch làng quê gắn với tìm hiểu, khám phá lịch sử văn hóa, Thanh Hóa cũng là địa bàn có nhiều tiềm năng lớn với hàng trăm di tích đã được công nhận ở cấp tỉnh, cấp quốc gia. Du khách có thể vừa tham quan, tìm hiểu những nét lịch sử, văn hóa truyền thống tại huyện Thọ Xuân với khu di tích Lam Kinh, các lễ hội lớn tại đây, và hấp dẫn nhất là được cùng với người dân địa phương làm, thưởng thức những đặc sản như bánh gai, các đặc sản nem, bánh răng bừa... Trải nghiệm làng quê với nghề đúc đồng tại (Thiệu Hóa); nghề nấu rượu tại Nga Sơn, Hậu Lộc; nghề làm chiếu cói tại Nga Sơn, Quảng Xương; làng nghề trồng đào tại Xuân Du (Như Thanh), trồng quất (Hợp Lý, Triệu Sơn).

Một mô hình khác có thể triển khai tại các huyện khu vực miền núi là du lịch làng quê gắn với khám phá thiên nhiên và sinh thái. Du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống tại làng Mường ở Khu du lịch Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), được xuống đồng tham gia Lễ hội khai hạ; được trải nghiệm Tết của người Dao tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, được tìm hiểu cuộc sống, phong tục, tập quán của những bản người Thái tại các huyện vùng với những nét văn hóa, sinh hoạt rất đặc sắc...

Những khu vườn trồng thanh long trĩu quả ở miền núi cũng là điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm.

Để loại hình du lịch trải nghiệm đồng quê thực sự đem lại hiệu quả trong tương lai, nhiều người cho rằng tỉnh ta cần có chiến lược, quy hoạch phát triển chung. Đối với các huyện, thị xã, thành phố, cần căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương để xây dựng thành những sản phẩm cụ thể; tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến kỹ năng, kiến thức làm du lịch trải nghiệm làng quê cho người dân, qua đó vừa gìn giữ, phát huy được những giá trị văn hóa, đồng thời đem lại những nguồn lợi kinh tế.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]