(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với núi Hến Đa Bút, xã Vĩnh Tân (nay là xã Minh Tân, Vĩnh Lộc); cồn cổ Ngựa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung); Gò Trũng, xã Phú Lộc (Hậu Lộc), Rú Hến Bản Thủy (Vĩnh Thịnh) ngày nay là 1 trong 4 di chỉ văn hóa Đa Bút... Trên vùng đất cổ xưa ấy, người dân xã Vĩnh Thịnh ngày nay, không chỉ thụ hưởng những truyền thống quý giá mà còn góp phần xây dựng xã ngày càng đẹp hơn.

Trên vùng đất cổ Bản Thủy

Cùng với núi Hến Đa Bút, xã Vĩnh Tân (nay là xã Minh Tân, Vĩnh Lộc); cồn cổ Ngựa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung); Gò Trũng, xã Phú Lộc (Hậu Lộc), Rú Hến Bản Thủy (Vĩnh Thịnh) ngày nay là 1 trong 4 di chỉ văn hóa Đa Bút... Trên vùng đất cổ xưa ấy, người dân xã Vĩnh Thịnh ngày nay, không chỉ thụ hưởng những truyền thống quý giá mà còn góp phần xây dựng xã ngày càng đẹp hơn.

Trên vùng đất cổ Bản ThủyNhững bức chạm trổ trên gỗ ở chùa Hoa Long thể hiện sự khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân xưa.

Từ thời tiền sử và sơ sử, “cách đây khoảng 7.000 năm, đồng bằng sông Mã với những tài nguyên phong phú, hấp dẫn đã lôi cuốn chủ nhân văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa rời khỏi hang động, mái đá, miền đồng bằng trước núi, làm nên nền văn hóa Đa Bút độc đáo và phong phú” (Sách Lịch sử Thanh Hóa, NXB Khoa học xã hội, 1990). Trong quá trình chinh phục môi trường, lớp cư dân nguyên thủy này đã lan tỏa đến nhiều nơi. Chỉ biết được rằng, vùng đất này là nơi tiếp giáp giữa miền núi và đồng bằng, xung quanh có các dãy núi bao bọc, như núi Bầu, núi Nhầy, núi Mông Cù, núi Lừ, núi Kẹm, núi Cô Sơn (hay còn gọi là Côn Sơn), núi Soi, núi Đá Khao... Cũng bởi thế, khoảng trên dưới 2.000 năm trước, ven sườn núi Lừ, núi Kẹm, núi Bầu, một số dòng tộc đã lập làng để sinh cơ, lập nghiệp. Quá trình khai phá đất đai, trồng trọt và chăn nuôi, kết hợp với nguồn lâm thổ sản của rừng núi, nguồn thủy sản ở đồng chiêm trũng là điều kiện để dân làng phát triển đời sống kinh tế, văn hóa. Những cái tên Bản Thủy, Kẻ Kẹm, Kẻ Lừ, xã Khắc Kiệm, Phú Thịnh, Vĩnh Thịnh thể hiện từng giai đoạn phát triển của mảnh đất này.

Sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo biên soạn, có viết: “Tương truyền, xã Khắc Kiệm xưa kia có một cái khe làm thành hồ thủy... chảy vòng hợp ở phía trước, dân cư vì thế mà thịnh vượng. Dân khang vật thịnh, địa linh nhân kiệt, sinh ra nhiều các bậc thám hoa, tiến sĩ. Sau này nhờ hiển đạt của các quan, nhân đó đổi thành xã Phú Thịnh”.

Còn theo thư tịch, văn bản Hán Nôm cùng một số sắc phong hiện lưu giữ tại chùa Hoa Long (xã Vĩnh Thịnh) có nhắc đến vùng đất Ngư Võng Phường, một địa điểm mà cư dân xã Phú Thịnh di cư về núi Hến lập ra vào thế kỷ XV. Từ khi Ngư Võng Phường dân cư ở đông đúc dọc sông Kinh Xuyên thì ra đời tên làng Kinh Xuyên, sau gọi là Kênh Thủy, rồi đổi thành Bản Thủy.

Giới thiệu với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Huyền, công chức văn hóa xã cho biết: “Từ xưa các làng ở Vĩnh Thịnh đều có đình đền, nghè, miếu thờ Thành hoàng, thờ thần, đáp ứng đời sống tinh thần của bà con sau những ngày vất vả với công việc đồng áng. Ngày nay, trên địa bàn xã vẫn còn bảo tồn và gìn giữ 2 di tích cấp quốc gia: chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân. Đây là niềm tự hào của xã Vĩnh Thịnh".

Tới thăm Hoa Long tự, ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, chúng ta được hiểu thêm về kiến trúc, điêu khắc và văn hóa Phật giáo truyền thống. Hoa Long tự mang biểu tượng của một bông sen khổng lồ, thể hiện nghệ thuật tạo hình điêu khắc bằng đá, bằng gỗ độc đáo, hiếm thấy trong mỹ thuật qua bàn tay khéo léo của cha ông chúng ta thuở trước. Đôi câu đối: “Bắc khởi Hoa Long tam Phật tự/ Hương lưu Bản Thủy tứ thôn dân” (Phía Bắc khởi tạo chùa Hoa Long thờ Tam Bảo Phật. Hương thơm lưu ở đất Bản Thủy bốn thôn đều thờ) đã nói lên sự linh thiêng của Hoa Long tự.

Ngay bên cạnh chùa là đền thờ Trần Khát Chân (nghè Bản Thủy) được xây dựng vào thời nhà Lê thế kỷ XVII-XVIII. Ngoài giá trị lịch sử văn hóa, đền còn mang nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật, với đường nét chạm trổ hoa văn, đao mác ở các mảng cấu trúc gỗ... Tại đền hiện còn lưu 20 đạo sắc được các triều Lê, Nguyễn ban phong và nhiều hiện vật khác. Đặc biệt, lễ kỵ Đức thánh lưỡng Trần Khát Chân vào ngày 24 tháng 4 âm lịch hằng năm là lễ hội lớn nhất ở xã Vĩnh Thịnh.

Ngoài ra, theo tài liệu lịch sử của xã thì mỗi làng có một đền thờ riêng. Ở làng Mòi xưa có đền thờ 4 vị quan; làng Sanh có đình thờ Thành hoàng làng; làng Đông có đền thờ các vị đỗ đạt cao là Nguyễn Phóng, Nguyễn Ngự; làng Trung có văn chỉ thờ Khổng Tử và các danh nhân địa phương... Họ là những con người tiêu biểu cho truyền thống hiếu học ở đất Vĩnh Thịnh. Truyền thuyết về 18 ông nghè, sự tích cây đa Quận công và đền thờ các vị quan, tiến sĩ là những minh chứng về việc học hành khoa cử. Trong đó phải kể đến Nguyễn Phóng (có nơi ghi là Trương Phóng) đỗ Thám hoa khoa Giáp Thìn 1304 đời vua Trần Anh tông; Nguyễn Ngự đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn 1448 đời Lê Nhân tông; Nguyễn Cao Tiêu đỗ đầu kỳ thi Hương của tỉnh Thanh Hóa thời Nguyễn năm 1915 và đến khoa thi Kỷ Mùi (1919) đời Khải Định, ông đã đỗ tiến sĩ; danh y Nguyễn Đình Hòe, được mời vào Huế làm thái y...

Không chỉ có tinh thần hiếu học, người dân nơi đây còn tự hào với truyền thống yêu nước. Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở làng Sanh hiện nay và sắc phong để lại, vào thời Hậu Lê, có ông Nguyễn Nhượng là một võ tướng có công đánh đuổi giặc Ai Lao và đã anh dũng hy sinh. Đây cũng là quê vợ của tiến sĩ Tống Duy Tân nên thời bấy giờ thanh niên trai tráng trong làng hầu hết đều tham gia nghĩa quân Hùng Lĩnh dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân hoặc sôi nổi ủng hộ lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân.

Trên vùng đất cổ Bản ThủyVĩnh Thịnh đang nỗ lực hoàn tất các tiêu chí để được công nhận xã NTM nâng cao trong năm 2023.

Từ vùng thung lũng ven núi, người dân Vĩnh Thịnh xưa đã trồng lúa, trồng màu phát triển nông nghiệp. Sau này, người ta đã tìm thấy trên đất Vĩnh Thịnh và các xã lân cận thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung những chứng tích của nền nông nghiệp trồng lúa nước thuộc thời văn hóa Đông Sơn với những công cụ sản xuất như lưỡi cày, cuốc, rìu... Ông Nguyễn Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh chia sẻ: Vốn là vùng đất sâu trũng, bùn lầy có nguồn gốc phù sa cổ, thủy lợi gặp nhiều khó khăn, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt, luôn trong cảnh “Chiêm khô, mùa thối” song người dân Vĩnh Thịnh rất giàu kinh nghiệm trong sản xuất, nhất là khâu chọn lúa giống phù hợp thổ nhưỡng địa phương, chịu được hạn, chịu được nước sâu mà vẫn thơm ngon. Trên địa bàn xã hiện có 250 ha lúa nếp hạt cau. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh của xã đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao... Dù nghề trồng lúa không mang lại thu nhập cao, nhưng giữ được giống thuần là sự nỗ lực và trân trọng nghề truyền thống của người dân.

Thu nhập chính của bà con Nhân dân Vĩnh Thịnh hiện nay phụ thuộc lớn vào các ngành nghề thủ công. Hiện trên địa bàn xã có 12 công ty, doanh nghiệp, 1 HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, 121 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ vật liệu xây dựng, trên 230 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Vì thế, bình quân thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/người/năm.

Điều độc đáo nhất ở Vĩnh Thịnh đó là tiếng nói vô cùng đặc trưng. Không giống bất kỳ ngôn ngữ nào khác, “tiếng Vĩnh Thịnh” là thứ thổ ngữ riêng, rất lạ. Tiếng người Vĩnh Thịnh nhẹ nghe ríu rít như chim hót. “Có những người đi xa cả chục năm, nhưng về đến làng là phải nói tiếng Vĩnh Thịnh”, ông Lưu Văn Bình, Trưởng ban văn hóa làng Sanh nói với chúng tôi.

Đến nay, xã Vĩnh Thịnh đang hoàn tất các tiêu chí để được công nhận xã NTM nâng cao vào cuối năm 2023 này.

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thịnh (1930-2015), NXB Thanh Hóa, 2015.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]