(vhds.baothanhhoa.vn) - Là người con ưu tú của làng Bái Giao, xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa), Lê Khắc Tháo vốn tư chất thông minh, dù đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà ở lại quê nhà dạy học. Ông cũng là một trong những danh sĩ xứ Thanh thời bấy giờ hưởng ứng mạnh mẽ và có nhiều đóng góp cho phong trào Cần vương.

Về Bái Giao nghe chuyện danh sĩ Lê Khắc Tháo

Là người con ưu tú của làng Bái Giao, xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa), Lê Khắc Tháo vốn tư chất thông minh, dù đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà ở lại quê nhà dạy học. Ông cũng là một trong những danh sĩ xứ Thanh thời bấy giờ hưởng ứng mạnh mẽ và có nhiều đóng góp cho phong trào Cần vương.

Về Bái Giao nghe chuyện danh sĩ Lê Khắc TháoĐền thờ Lê Khắc Tháo ở làng Bái Giao sẽ được trùng tu trong thời gian tới.

Theo các tài liệu lưu giữ tại dòng họ và địa phương, Lê Khắc Tháo còn được biết đến với tên gọi Tán Tháo hay Cử Tháo. Ông sinh ra trong gia đình nhà nho có truyền thống học hành, khoa cử. Từ nhỏ, Lê Khắc Tháo đã nổi tiếng thông minh, tuấn tú, còn được dân làng ngợi ca là thần đồng. Khoa thi năm Kỷ Mão (1879) Lê Khắc Tháo đỗ cử nhân khi mới 21 tuổi. Dù được triều đình bổ nhiệm làm quan, nhưng trước thời thế nhiễu nhương, loạn lạc, ông quyết định ở lại quê nhà Bái Giao, cùng với cha đọc sách, dạy học.

Bấy giờ, tình hình trong nước hết sức phức tạp. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn gây sức ép bắt triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng, khiến cho nội bộ chia thành hai phe chủ chiến và chủ hòa. Trong đó, phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo đã bí mật tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ kháng chiến để chống Pháp. Khi thời cơ tưởng chừng chín muồi, quan đại thần Tôn Thất Thuyết đã chủ động cho quân tấn công kẻ xâm lược ngay tại kinh thành Huế. Tuy nhiên, do sự chuẩn bị chưa thật chu toàn, lại thêm tương quan lực lượng, thực dân Pháp nắm giữ ưu thế về vũ khí nên cuộc tấn công đã thất bại.

Sau đó, quan đại thần Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi ra phía Bắc để tính kế kháng chiến lâu dài. Ở Quảng Trị, vua Hàm Nghi đã xuống chiếu Cần vương kêu gọi Nhân dân, sĩ phu cả nước cùng nhau đồng lòng chống Pháp. Tại Thanh Hóa, hưởng ứng chiếu Cần vương, phong trào diễn ra mạnh mẽ từ đồng bằng lên trung du, miền núi.

Các sĩ phu xứ Thanh đã nhanh chóng chiêu mộ lực lượng để cùng nhau chống kẻ thù xâm lược. Nếu như ở Vĩnh Lộc có Tống Duy Tân; Hoằng Hóa có đội quân của Nguyễn Đôn Tiết; Hậu Lộc có Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt; Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) có Nguyễn Phương; Quảng Xương có Đỗ Đức Mậu; khu vực miền núi có Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước; thì Đông Sơn (khi đó Thiệu Giao thuộc Đông Sơn) có Lê Khắc Tháo.

Tại huyện Đông Sơn, Lê Khắc Tháo đã liên hệ với Tống Duy Tân, Trần Xuân Soạn và chiêu mộ quân sĩ để hưởng ứng phong trào, ông được phong chức Tán tương quân vụ Đông Sơn. Theo sách “Danh nhân Thanh Hóa” viết về Lê Khắc Tháo với phong trào Cần vương: “Đội quân của ông có đến hàng trăm người. Trong số đó có ông Tú Mền người làng Đại Bái, cử võ Thiều Kim Đề, Nguyễn Thế Sanh người làng Viện Giang (làng Vèn); Nguyễn Trọng Tây ở làng Phù Lưu... Các ông thường họp bí mật ở nghè Trại Cầu (nay thuộc xã Thiệu Vân, TP Thanh Hóa) bàn kế tập hợp lực lượng, luyện rèn binh sĩ, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù”.

Mùa xuân năm 1886, tại Mả Dưa làng Đại Bái (bên cạnh làng Bái Giao), Lê Khắc Tháo đã cùng với nghĩa quân làm lễ tế cờ, nguyện một lòng dốc sức chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Sau đó, nghĩa quân do Lê Khắc Tháo lãnh đạo dưới sự chỉ huy của Trần Xuân Soạn, Phạm Bành đã cùng với nghĩa quân ở các huyện Quảng Xương, Nông Cống... tiến đánh thành Thanh Hóa với chiến lược đánh nhanh nhằm gây cho kẻ thù thiệt hại về người và kho tàng vũ khí.

Theo sử liệu, nửa đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12/3/1886 Lê Khắc Tháo dẫn quân tham gia cùng đánh thành Thanh Hóa. Nghĩa quân cảm tử bí mật xông vào thành giết chết lính gác. Lính Pháp trong thành bị đánh bất ngờ vô cùng hoảng loạn, nhiều kẻ bị tiêu diệt tại chỗ, kẻ tháo chạy tán loạn, lửa rực trời, trống mõ khua vang. Tuy nhiên sau đó, kẻ địch đã nhanh chóng ổn định tình hình, với lợi thế vũ khí hiện đại, chúng giành lại thế chủ động. Trong trận này, Lê Khắc Tháo bị thương.

Trận đánh mở đầu phong trào Cần Vương tại xứ Thanh vào thành Thanh Hóa do Lê Khắc Tháo cùng các nghĩa quân tham gia đã khiến giặc Pháp điên cuồng, đề cao cảnh giác. Chúng cho quân đi khắp các làng quê tìm bắt người. Ngay tại Bái Giao, chúng bắt mẹ già của ông để uy hiếp buộc ông phải ra nộp mạng, tuy nhiên âm mưu của kẻ địch bất thành.

Về Bái Giao nghe chuyện danh sĩ Lê Khắc Tháo

Trước tình hình đó, phong trào Cần Vương ở xứ Thanh nói chung đứng trước nhiệm vụ phải thống nhất lực lượng để đối đầu với kẻ thù. Các sĩ phu yêu nước đã cùng nhau họp ở Bồng Trung (Vĩnh Lộc) để tìm kế sách nhằm đẩy mạnh phong trào phát triển. Tại hội nghị, các thủ lĩnh địa phương như Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt và một số tướng sĩ đã được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ Ba Đình với nhiệm vụ bảo vệ “cửa ngõ” miền Trung và làm “bàn đạp” để đánh Pháp ở các huyện đồng bằng. Lúc này, Lê Khắc Tháo đã dẫn toàn bộ nghĩa quân cùng tham gia xây dựng căn cứ Ba Đình và đánh Pháp những trận ác liệt tại đây. Vốn là người thông minh, có tài thao lược, Lê Khắc Tháo đã có nhiều đóng góp, chiến đấu kiên cường, chống trả quyết liệt nhằm đẩy lui những cuộc tấn công của thực dân Pháp vào căn cứ Ba Đình khiến kẻ địch gặp nhiều tổn thất.

Trước sự “đe dọa” của căn cứ Ba Đình, thực dân Pháp đã phải dồn binh lực để bao vây, phá hủy. Đầu năm 1887, căn cứ Ba Đình thất thủ. Dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, nghĩa quân tại căn cứ Ba Đình đã mở đường máu để rút lên miền núi tiếp tục chiến đấu. Trên đường rút quân, Lê Khắc Tháo bị ốm nặng không qua khỏi. Ông mất khi mới 28 tuổi.

Biết tin ông qua đời, Nguyễn Thượng Hiền (con rể của quan đại thần Tôn Thất Thuyết) đã “khóc” ông với bài thơ “Ai Lê Tăng Trai” (Tăng Trai là tên hiệu của Lê Khắc Tháo”. Bài thơ chữ Hán, dịch nghĩa đại ý: “Nấm cỏ ngoài gươm giáo/ Đau lòng giọt lệ rơi/ Nước chảy đời mau chóng/ Đêm khuya chuyện nửa lời/ Trời sao nên tỏ mãi/ Mây gió cứ đi hoài/ Chiêu hồn ôi đã vậy/ Rau Thú Dương vắng người” (theo sách Danh nhân Thanh Hóa, bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Khiếu).

Cuộc đời và sự nghiệp tuy ngắn ngủi song với chí khí và tấm lòng của một nhà nho yêu nước, Lê Khắc Tháo đã “ghi” tên mình vào dòng chảy của lịch sử dân tộc. Tên tuổi ông được đặt tên cho con đường trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Đình Bảy, Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao, cho biết: “Thiệu Giao là vùng đất cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Trong đó, danh sĩ Lê Khắc Tháo là một trong những nhân vật lịch sử với tài năng, khí chất cùng những đóng góp đã làm “rạng rỡ” cho đất và người Bái Giao. Đền thờ Lê Khắc Tháo đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Di tích thời gian tới sẽ được trùng tu, tôn tạo nhằm tri ân tiền nhân”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số tư liệu lưu giữ tại dòng họ và địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]