(vhds.baothanhhoa.vn) - Thuộc Giáp Bối Lý xưa, nay là xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), Kẻ Chè (Trà Sơn Trang, Trà Đông) nằm trong không gian vùng đất cổ, có con người đến cư ngụ từ khá sớm. Nơi đây có nghề đúc đồng cổ truyền nổi tiếng khắp xa gần đã được công nhận (đưa vào Danh mục) Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về đất Kẻ Chè

Thuộc Giáp Bối Lý xưa, nay là xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), Kẻ Chè (Trà Sơn Trang, Trà Đông) nằm trong không gian vùng đất cổ, có con người đến cư ngụ từ khá sớm. Nơi đây có nghề đúc đồng cổ truyền nổi tiếng khắp xa gần đã được công nhận (đưa vào Danh mục) Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về đất Kẻ ChèDi tích lịch sử văn hóa đền Trà Đông đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nằm ở phía Bắc huyện Thiệu Hóa, vùng đất Kẻ Chè được hình thành và phát triển gắn với những con sông: “Toàn bộ sự phát triển, sản xuất, văn hóa của làng quê Thiệu Trung gắn liền với một yếu tố tự nhiên rất quan trọng, đó là sông Chu. Trước đây, khi chưa có hệ thống đê, vào mùa mưa nước sông dâng lên tận các cồn bãi của Kẻ Rị, Kẻ Chè. Sông Chu vừa là nguồn cung cấp cá tôm, vừa là đường giao thông quan trọng bậc nhất, vừa ảnh hưởng quyết định đến tập quán sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân” (sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Trung).

Không chỉ có sông Chu, Kẻ Chè nói riêng, Thiệu Trung nói chung còn gắn với sông Nhà Lê. “Sông Nhà Lê từ phía Bắc... về đến Thiệu Trung sông chia thành 2 phần, tả ngạn là làng Chè, hữu ngạn là làng Rị, đây là đường giao thông quan trọng nhất của các làng xưa, góp phần tạo nên một trung tâm thương mại với cảnh chợ búa, trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp. Hai bên bờ xóm làng sầm uất, lại thêm có miếu thờ thần hai bên bờ sông, thu hút khách thập phương đến thăm, khiến quang cảnh càng thêm trù phú”.

Cũng bởi sự tốt tươi ấy, con người tìm về Kẻ Chè cư ngụ, lập nghiệp từ sớm, mỗi ngày thêm đông với nhiều dòng họ cùng nhau quần cư như họ Vũ, Lê, Đặng, Nguyễn, Trần... Đặc biệt, chính các dòng họ lớn và lâu đời ở Kẻ Chè đã gây dựng nên nghề truyền thống cũng như sự thịnh vượng của làng nghề đúc đồng Trà Đông. Trong đó, họ Lê Văn, họ Đặng, họ Vũ là những dòng họ có nhiều thợ đúc đồng nổi tiếng.

Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương cùng lời kể của các bậc cao niên trong làng, nghề đúc đồng làng Chè (Trà Đông) ra đời từ rất sớm. Trong đó, người dân nơi đây luôn hằng tin, tổ nghề chính là Thánh sư Nguyễn Minh Không (Không Lộ; Lý Quốc sư).

Tương truyền, ông họ Nguyễn vốn người đất Ninh Bình, từng sang Tây Trúc học đạo, sở dĩ có đạo hiệu là Không Lộ là bởi từng tu ở chùa Không Lộ và được thờ ở núi Không Lộ. Ông là một thiền sư tài danh lẫy lừng, cũng là một thần y nổi tiếng. Nhờ am hiểu y thuật, ông đã sử dụng các loại thảo dược trong tự nhiên để chữa bệnh cho vua Lý, vì thế mà được ban quốc tính (họ Lý - Lý Quốc sư). Với vai trò Quốc sư, ông tham gia gây dựng nhiều công trình Phật giáo thời Lý. Và trong truyền thuyết dân gian, Lý Quốc sư còn là nhân vật huyền thoại, gắn liền với nhiều câu chuyện kì bí. Vì thế, mà người đời còn tôn ông là Thánh sư Minh Không.

Vào thời nhà Lý, trong chuyến vân du qua đất Kẻ Chè, Thánh sư Minh Không đã dừng tại đây. Thấy quang cảnh trù phú, người dân chăm chỉ, hiền hòa nên ngài đã quyết định ở lại dạy nghề, truyền nghề đúc đồng cho dân làng. Lại có chuyện kể rằng, bấy giờ Lý Quốc sư sau khi từ Tây Trúc trở về đã bắt tay vào việc đúc bộ tứ khí. Ngài cùng hai đồ đệ chu du khắp nơi để tìm đất tốt, khi qua đất Kẻ Chè thì bất ngờ phát hiện ra thứ đất tốt hiếm có. Vì vậy đã cho hai đồ đệ ở lại Trà Sơn Trang mở lò, truyền nghề đúc đồng cho người dân.

Nghề đúc đồng ở Kẻ Chè có từ thời Lý, phát triển mạnh mẽ qua các triều đại phong kiến. “Người xưa trên đất Đông Sơn đạt tới trình độ cao về kỹ thuật đúc đồng. Làng Trà Đông có loại đất thịt, loại đất làm khuôn đúc đồng rất tốt, ít nơi nào có được, lại thêm có nhiều thợ giỏi, được truyền bí quyết qua nhiều thế hệ. Vì vậy, nghề đúc đồng ở đây tồn tại lâu đời, sản phẩm phát triển thành hàng hóa”. Các sản phẩm đúc đồng được tạo nên từ sự tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân Kẻ Chè đã đi muôn phương, vươn đến nhiều miền xa. Nghề truyền thống phát triển rực rỡ, qua đó tạo sự thịnh vượng cho vùng đất cổ.

Về đất Kẻ ChèNghề đúc đồng làng Trà Đông được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Trải qua biến thiên thời gian và lịch sử, nghề truyền thống đúc đồng Kẻ Chè sau thời gian tưởng chừng “ngủ quên” đã được “đánh thức” bởi những trăn trở, tâm huyết của người làm nghề. Ông Đặng Ích Hân, nghệ nhân đúc đồng làng Trà Đông, chia sẻ: “Nghề đúc đồng ở đất Kẻ Chè thường có quy mô theo hộ gia đình. Mỗi hộ làm nghề lại có “bí quyết” làm nghề riêng được trao truyền qua các thế hệ. Trong đó, ngoài đồ thờ, việc đúc các nhạc khí như chuông, trống, chiêng... âm thanh tạo ra phải chuẩn xác. Ngoài việc “pha đồng” thì còn phải biết “lấy tiếng”. Nghề đúc đồng làng Trà Đông trải qua nhiều thịnh - suy, thậm chí có những giai đoạn tưởng chừng mai một, thất truyền nghề. Thật may, sức sống của làng nghề vẫn bền bỉ... để đến hôm nay, lửa làng nghề Trà Đông vẫn đỏ rực”.

Làng đúc đồng Trà Đông đỏ lửa quanh năm, tuy nhiên những ngày cuối năm vẫn thường tấp nập hơn. Chị Lại Thị Châm, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ đồng Cường Châm, cho biết: “Cơ sở sản xuất của gia đình tôi tạo việc việc làm thường xuyên cho 9 lao động. Tùy theo nhu cầu thị trường mà sản phẩm làm ra cũng đa dạng, phong phú. Ngoài đồ thờ, các vật dụng trang trí thì trống đồng (nhiều kích cỡ) được ưa chuộng, đưa đi tiêu thụ trong cả nước, dùng làm tặng phẩm. Dịp cuối năm, các sản phẩm đồ thờ thường được khách hàng tìm mua nhiều hơn”.

Bà Trần Thị Hiên, công chức văn hóa xã hội xã Thiệu Trung, thông tin: “Trên địa bàn xã Thiệu Trung hiện có 25 hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm đồ đồng thủ công truyền thống. Nghề đúc đồng truyền thống đã giải quyết việc làm, mang lại cuộc sống ấm no, góp phần vào sự phát triển, giàu mạnh của quê hương Thiệu Trung”.

Nhắc đến nghề đúc đồng trên đất Kẻ Chè, người làm nghề vẫn luôn nhớ đến công lao của vị tổ nghề Thánh sư Minh Không. Theo đó, để tri ân công đức của ngài, vào thời Nguyễn dân làng đã lập dựng đền thờ ngài theo kiến trúc chữ “Đinh”, thường gọi là đền Trà Đông. Cho đến ngày nay, đền Trà Đông vẫn là chốn thiêng - “điểm tựa” tâm linh cho người dân địa phương. Và với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc được lưu giữ, đền Trà Đông đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đền Trà Đông đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Dẫn chúng tôi đi thăm di tích, ông Lê Minh Nhân, trưởng ban nội tự giữ việc thờ cúng tại di tích, trăn trở: “Đền Trà Đông ngoài thờ ngài Không Lộ thì còn thờ hai vị tiên hiền họ Lê, họ Vũ là những người có công trong việc gây dựng nghề đúc đồng ở Trà Đông. Những năm qua, di tích bị mối mọt, rui mè hỏng, mái ngói tụt, tường nứt hở khiến cho mưa dột, nắng chiếu. Để chống đỡ tạm thời, người dân làng buộc phải phủ bạt che lên mái để hạn chế mưa ẩm. Dân làng Trà Đông mong mỏi di tích sớm được các cấp, ngành quan tâm để cùng với dân làng trùng tu, bảo vệ di sản ông cha”.

(Bài viết tham khảo một số nội dung trong sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Trung).

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]