(vhds.baothanhhoa.vn) - Phù Nguyên xưa, xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) ngày nay vốn được coi là địa phương có truyền thống sinh hoạt văn hóa phong phú. Ở đây, tất cả các thôn, thôn nào cũng có đội chèo. Các thành viên là những người nông dân, không qua bất kỳ lớp đào tạo nào nhưng đều chung niềm tự hào mỗi khi tiếng trống chèo vang lên. Bên cạnh đó, Thiệu Nguyên còn là nơi chôn cất một vị vua nhà Hậu Lê. Đó là vua Lê Ý tông, vị vua rất đặc biệt bởi đã nhường ngôi cho cháu ruột để tuân thủ nguyên tắc “đích tôn thừa trọng”.

Về Thiệu Nguyên nghe kể chuyện vua Lê Ý tông

Phù Nguyên xưa, xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) ngày nay vốn được coi là địa phương có truyền thống sinh hoạt văn hóa phong phú. Ở đây, tất cả các thôn, thôn nào cũng có đội chèo. Các thành viên là những người nông dân, không qua bất kỳ lớp đào tạo nào nhưng đều chung niềm tự hào mỗi khi tiếng trống chèo vang lên. Bên cạnh đó, Thiệu Nguyên còn là nơi chôn cất một vị vua nhà Hậu Lê. Đó là vua Lê Ý tông, vị vua rất đặc biệt bởi đã nhường ngôi cho cháu ruột để tuân thủ nguyên tắc “đích tôn thừa trọng”.

Về Thiệu Nguyên nghe kể chuyện vua Lê Ý tôngKhu mộ hoàng đế Lê Ý tông tại xã Thiệu Nguyên đã được tôn tạo tu bổ. Ảnh: Thanh Mai

Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, làng Phù Lê thuộc tổng Phùng Cầu, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa (theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX) nhưng từ năm Tự Đức thứ 14 (1861) vì kiêng đồng âm chữ Cầu (tên của mẹ Định vương Nguyễn Phúc Thuần) nên đổi tổng Phùng Cầu thành tổng Phùng Thịnh, đồng thời đổi tên Phù Lê thành Phù Nguyên thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa.

Nằm trong vùng văn hóa Đông Sơn, Phù Lê xưa có điều kiện tự nhiên khí hậu thuận lợi, lại còn vừa “cận thị” (gần trấn thành Thanh Hóa ở Thiệu Dương) vừa “cận giang” (ở ngay mép sông Chu). Vì thế mà con người đến đây cư trú từ sớm. Theo các tài liệu của địa phương, trong quá trình khai phá đất đai để đắp đê sông Chu, Nhân dân địa phương đã phát hiện núi Trinh Sơn có một số hiện vật như trống đồng, thạp đồng, cùng với nhiều hiện vật bằng đồng, bằng gốm khác... Những hiện vật này cho thấy dấu vết cư trú của một làng Việt cổ thời văn hóa Đông Sơn cách nay trên dưới 2.000 năm.

Được thiên nhiên ban tặng, Thiệu Nguyên có trên 3 km sông Chu uốn mình bồi đắp 115,5 ha đất bãi phù sa, Nhân dân nơi đây tập trung trồng nhiều loại cây nông nghiệp, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng; chuyển đổi diện tích đất sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng cỏ và ngô dày để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Từ đó mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại tập trung với số lượng lớn. Hiện, xã Thiệu Nguyên đã xây dựng sản phẩm bánh lá nhãn hiệu Hưng Ân đạt OCOP 3 sao. Toàn xã có 315 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, vận tải, may mặc và các dịch vụ khác. Mục tiêu của xã là hoàn thành xã NTM kiểu mẫu trong năm 2023 với thu nhập bình quân đạt 68-70 triệu đồng/người/năm.

Ngọn Trinh Sơn vừa là biểu tượng về cảnh quan thiên nhiên dành cho nơi này, vừa mang hồn cốt văn hóa. Cũng chính ở nơi núi Trinh này, người dân trong làng đã tìm thấy dấu vết của mộ vua Lê Ý tông.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1600, với công lao đánh bại nhà Mạc - phục hưng nhà Lê, họ Trịnh xác lập địa vị là “chúa”, lập phủ riêng. Từ đây họ Trịnh lập ra hệ thống tổ chức chính quyền ở phủ chúa tương ứng với chính quyền có sẵn bên cung vua; cung vua ở phía Đông thì phủ chúa ở phía Tây. Đây là thời kỳ duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam có sự điều hành của quyền thần được thế tập, truyền nối nhiều đời.

Sinh ra trong thời cuộc ấy, cuộc đời của vua Lê Ý tông (1719-1759) cũng một phần bị đẩy đưa, từ việc được đưa lên ngôi đến khi bị ép phải trả lại ngai vàng là do chủ ý của người khác.

Lê Ý tông là hoàng đế thứ 25 của nhà Hậu Lê, ông tên thật là Lê Duy Thần (còn có tên khác là Lê Duy Thận) là con thứ 11 của Lê Dụ tông.

Ngày 15 tháng 4 năm Ất Mão (1735), vua Lê Thuần tông mất sau một thời gian lâm bệnh. Chúa Trịnh Giang lúc bấy giờ sai quần thần tìm xét xem vị hoàng thân nào nổi bật về tài đức để đón lập lên làm vua. Với mục đích đưa một người trẻ tuổi, dễ điều khiển hơn là một người trưởng thành, có chí khí, cuối cùng đã chọn hoàng thân Lê Duy Thần, em ruột Lê Thuần tông đưa vào cung tôn lên làm vua vào ngày 27 tháng 4 năm Ất Mão (1735), đặt niên hiệu là Vĩnh Hựu. Điều này đã được sách Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… chép.

Về Thiệu Nguyên nghe kể chuyện vua Lê Ý tông

Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết vào thời Nguyễn cũng có đoạn ghi như sau: “Giang lập Duy Thận, em nhà vua (hoàng đệ), lên ngôi, đổi niên hiệu, đại xá. Duy Thận, con thứ mười một của Dụ tông và là em Thuần tông. Lúc ấy Duy Thận 17 tuổi, kém Duy Diêu, con cả nhà vua (hoàng trưởng tử) 2 tuổi. Nhưng Trịnh Giang e rằng Duy Diêu tuổi đã trưởng thành và nhận thấy Duy Thận là cháu ngoại bà thái phi Vũ Thị (bà của Trịnh Giang), trước kia vẫn nuôi nấng ở trong phủ, thân cận yêu đương có phần dễ kiềm chế. Giang mới nói thác ra rằng diện mạo Duy Thận giống như tiên đế, nên quyết ý lập làm vua. Bầy tôi không ai dám nói gì cả”.

Vĩnh Hựu đế (tức Lê Ý tông) lên ngôi lấy ngày sinh nhật của mình gọi là “Xuân hòa thánh tiết”, xá cho thiên hạ 2 phần 10 thuế tô, dung cho cả nước. Ông ở ngôi 5 năm từ 1735-1740.

Chúa Trịnh Giang vốn là người chuyên quyền, đã thế lại ham mê sắc dục, dâm loạn bừa bãi nên bị mắc bệnh kinh quý (tâm thần hoảng hốt). Trước tình thế ấy, mẹ Trịnh Giang bàn với một số đại thần đưa em Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên thay ngôi chúa, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương.

Sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Doanh đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm khắc phục những sai lầm của Trịnh Giang khi đang cầm quyền. Một trong những việc làm đầu tiên và quan trọng nhất được thực hiện đó là “thay vua mới”. Chúa Trịnh Doanh nghĩ rằng hoàng điệt Duy Diêu (cháu gọi vua bằng chú) là ngành trưởng đáng làm vua, nên theo đúng phép tắc để lấp đường kẻ phản trắc. Bèn xin vua trả ngôi cho cháu trưởng để trong nước yên ổn. Vua nghe theo. Về việc này, tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm (Viện sử học) trong một bài viết đã khẳng định tư cách, nhân cách của vua Lê Ý tông. “Mặc dù đang tại vị nhưng tuân thủ theo nguyên tắc “đích tôn thừa trọng”, ngài đã chủ động nhường ngôi cho cháu ruột là Lê Duy Diêu – tức vua Lê Hiển tông sau này. Việc làm trên của hoàng đế Lê Ý tông đã được các sử gia phong kiến đánh giá cao. Ông xứng đáng là một vị vua được hậu thế tôn vinh và ngưỡng mộ bởi nhân cách cao quý, đức độ của mình”.

Từ khi trả ngôi cho cháu, Lê Ý tông sống âm thầm trong cung cấm với vai trò là Thái thượng hoàng. Đến tháng 6 nhuận năm Kỷ Mão (1759) Lê Ý tông mất. Triều đình đưa ông an táng tại làng Phù Lê, nay là xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa).

Theo ông Nguyễn Viết Tiêu (90 tuổi), người chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong xã, đặc biệt là khi ngôi mộ vua Lê Ý tông phát lộ ngẫu nhiên khoảng năm 1977, cho biết: Kể từ khi Nhân dân trong làng phát hiện đến gần nửa thế kỷ ngôi mộ vua Lê Ý tông gần như không có phương án bảo vệ tại chỗ, bảo vệ nguyên trạng. Rất mừng là năm 2019, sau khi có tọa đàm khoa học về lăng mộ hoàng đế Lê Ý tông được tổ chức, các cấp chính quyền ở đây đã quan tâm hơn nhiều.

Về lại khu mộ vua Lê Ý tông ở thôn Nguyên Sơn, chúng tôi thấy thực sự vui mừng. Nếu chỉ cách đây vài tháng, xung quanh khu vực này còn dở dang các công trình thì nay đã khang trang hơn, đáp ứng lòng mong mỏi của chính quyền và Nhân dân địa phương. Gần đây nhất, ngày 25-7-2023, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức lễ dâng hương nhân 265 năm ngày mất của vua Lê Ý tông tại đây.

Theo ông Nguyễn Viết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, cho biết: "Song song với việc tu bổ tôn tạo giai đoạn 1, chúng tôi sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích. Trong tương lai, chắc chắn sẽ cần có quy hoạch không gian di tích theo mô hình Lăng - Mộ - Điện thờ. Bởi đây là điều rất cần thiết, thể hiện thái độ ứng xử công bằng với người đã khuất, đặc biệt là với một vị hoàng đế, cần có hình thức tôn vinh xứng đáng".

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]