Điểm sáng bản Mò
Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, trẻ em đến trường đầy đủ, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm... Từ chỗ khó khăn, thiếu thốn đủ bề, đến nay cuộc sống bà con ở bản Mò, xã Tam Thanh (Quan Sơn) đang đổi thay từng ngày, một “sức sống mới” đang đến trên vùng đất khó.
Nhà văn hóa bản Mò được xây dựng khang trang.
Về bản Mò những ngày đầu xuân của năm mới, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của một trong 2 bản đặc biệt khó khăn của xã Tam Thanh. Thấp thoáng dưới những cánh rừng luồng, thửa ruộng bậc thang xanh ngát là con đường giao thông được đầu tư cứng hóa, hai bên là những mái nhà sàn xây dựng khang trang, kiên cố. Từ khi có đường, điện, giao thương buôn bán ở đây đỡ vất vả hơn trước, bà con được tiếp cận kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế, mua sắm các thiết bị sinh hoạt hiện đại về dùng, đầu tư xe máy, xe tải để đi lại và phục vụ kinh doanh, sản xuất... Nhờ vậy, trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần đã từng bước được cải thiện. Trưởng bản Lương Văn Diệp cho biết: Bản Mò là bản đặc biệt khó khăn và là 1 trong 5 bản biên giới của xã với trên 312 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái. Trước đây, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế nên việc giao thương, buôn bán hàng hóa gặp nhiều trở ngại, cộng thêm điều kiện canh tác nhỏ lẻ, chủ yếu phụ thuộc cây ngô, cây sắn, cuộc sống vì vậy cứ mãi quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu.
Mặt khác, do đặc thù là bản biên giới nên thường xảy ra tình trạng buôn bán trái phép chất ma túy. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án, nỗ lực của người dân trong việc thay đổi thói quen sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây keo, luồng, quế vào trồng để nâng cao thu nhập cho gia đình, từ đó cuộc sống dần thay đổi, không còn gói gọn “tự cung, tự cấp” mà đã chuyển sang sản xuất hàng hóa. Trong những năm qua, việc triển khai các chương trình tín dụng cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đang giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giảm nghèo của người dân bản Mò. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Cả bản có 44/68 hộ dân vay vốn, với tổng dư nợ trên 3,2 tỷ đồng, các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả đã giúp dân bản vươn lên thoát nghèo. Đến nay, cả bản chỉ còn 26 hộ nghèo.
Phát huy lợi thế về rừng, nhiều hộ gia đình bản Mò đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại cây nguyên liệu có giá trị như: luồng, vầu, keo, quế... vào trồng trọt.
Năm 2018 gia đình anh Lò Văn Phích (SN 1984) vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế rừng, đến nay với hơn 2ha luồng, vầu trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Nhờ đó, có thể cho con cái học hành đầy đủ, sắm sửa được nhiều vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Ở bản Mò, 100% hộ gia đình đều có diện tích rừng hỗn giao có cây nứa, vầu, nhiều hộ có từ 2 - 4ha cho thu nhập từ 40 - 70 triệu đồng/năm. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, đồng thời trở thành cây trồng chủ đạo mang lại thu nhập cao, giúp nhiều hộ nghèo trong bản vươn lên làm giàu.
Theo ông Lương Văn Thạnh, chủ cơ sở thu mua, sản xuất, kinh doanh lâm sản ở bản Mò: Vài năm gần đây, giá bán cây luồng, vầu và các sản phẩm nan thanh xuống thấp. Nếu trước đây, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng, thì nay trừ chi phí, nguồn thu của các hộ gia đình cũng rơi vào khoảng trên 15 triệu đồng/tháng. Để hỗ trợ bà con tìm đầu ra cho sản phẩm, các cấp, chính quyền trong huyện đã khuyến khích các hộ trồng lâm sản khai thác để các nhà máy trên địa bàn thu mua, đồng thời kêu gọi đầu tư, xây dựng thêm các nhà máy lâm sản tại địa phương.
“Thời gian qua, Đồn Biên phòng Tam Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động giúp người dân phát triển kinh tế, hỗ trợ bà con trong bản về cây, con giống, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Từ các mô hình này, nhiều hộ dân có nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đồn còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con. Với sự sắc bén về nghiệp vụ, sự quyết tâm đẩy lùi tội phạm của lực lượng biên phòng, cùng sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng, đến nay trên địa bàn bản Mò không còn tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, an ninh trật tự đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững”, ông Lò Văn Mợi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh, cho biết.
Bài và ảnh: Lê Viết
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-03-17 09:50:00
Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, cống hiến của tuổi trẻ
Để học sinh thỏa sức sáng tạo
157 thí sinh tham gia cuộc thi viết chữ đẹp
Giải Bóng bàn, Cầu lông toàn hệ thống y tế tư nhân Thanh Hóa năm 2024
Tuyên truyền, trải nghiệm thực hành PCCC&CNCH cho sinh viên trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch
“Đi về phía Mặt trời”
Chinh phục những đỉnh cao mới
[Góc nhìn]: Không phải vấn đề phụ
Tháng 3 tình nguyện
Xây dựng vùng nguyên liệu phát triển sản phẩm OCOP dược liệu bền vững