(vhds.baothanhhoa.vn) - Gỡ khó, vượt khó, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. PGS.TS Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có những trao đổi, chia sẻ về câu chuyện thiếu giáo viên tỉnh nhà.

Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra

Gỡ khó, vượt khó, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. PGS.TS Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có những trao đổi, chia sẻ về câu chuyện thiếu giáo viên tỉnh nhà.

Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra

Cần thiết phải có khoảng thời gian nhất định

Phóng viên (PV): Tỉnh Thanh Hóa là địa phương đang thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, với số lượng hơn 10.000 giáo viên ở các cấp học. Thưa ông, để giải quyết vấn đề này, chắc chắn không thể ngày một, ngày hai?

PGS.TS Trần Văn Thức: Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, cơ bản có các giải pháp sau đây: Thứ nhất, rà soát, sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh bảo đảm theo đúng quy định. Giảm thiểu số điểm trường, nhóm, lớp nhỏ lẻ. Thứ hai, thực hiện tuyển dụng kịp thời hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao. Thứ ba, thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường chưa được tuyển dụng và số giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Thứ tư, bố trí cho giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để có thể dạy liên trường, liên cấp, liên môn. Động viên giáo viên dạy tăng tiết, thực hiện điều động biệt phái từ nơi thừa đến nơi thiếu. Thứ năm, phối hợp với Sở Nội vụ, tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục theo quy định tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị. Thứ sáu, phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên trong và ngoài tỉnh (Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường đại học sư phạm khác) để thực hiện tốt kế hoạch đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ để tạo nguồn tuyển dụng cho các đơn vị.

Các giải pháp nêu trên đã và đang được triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có những giải pháp không thể ngày một, ngày hai cho kết quả ngay. Vì vậy, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh cũng cần thiết phải có thời gian.

Thiếu nguồn tuyển, đây là vấn đề còn bất cập trong ngành giáo dục

PV: Thực tế, nhiều địa phương khó tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế tỉnh giao. Nguyên nhân, không có người để tuyển hoặc nếu có, cũng rất ít. Ý kiến của ông về vấn đề này?

PGS.TS Trần Văn Thức: Việc tuyển dụng chưa hết chỉ tiêu biên chế tỉnh giao hiện nay tại các địa phương có nguyên nhân cơ bản là thiếu nguồn tuyển, đặc biệt là nguồn tuyển giáo viên tiểu học và nguồn tuyển làm giáo viên các môn đặc thù, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đây là vấn đề còn bất cập trong ngành giáo dục trong việc giao chỉ tiêu đào tạo tại các trường đại học có đào tạo sinh viên sư phạm với việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông như hiện nay.

Tuy nhiên, tinh thần là thiếu giáo viên mà còn chỉ tiêu biên chế vẫn phải tuyển. Còn tuyển có đủ hay không là việc khác. Việc tuyển biên chế sẽ tuyển được người mới đào tạo cơ bản, giàu năng lượng. Việc tinh giản biên chế vẫn phải làm và đúng nhất là tinh giản người không đạt chuẩn, có nguyện vọng cá nhân, nhiệm vụ chưa hoàn thành...

Các địa phương cần cân đối kinh phí để chi trả việc dạy tăng tiết và hỗ trợ dạy liên trường

PV: Thiếu giáo viên, đó là thực trạng không chỉ Thanh Hóa, nhưng quan trọng là vượt khó ra sao để vẫn phải nỗ lực bảo đảm chất lượng dạy và học.

PGS.TS Trần Văn Thức: Trong những năm qua, trong tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở tất cả các cấp học, giáo dục Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn được giữ vững trong tốp đầu của cả nước. Là tỉnh thường xuyên có học sinh đạt giải quốc tế và khu vực. Chất lượng giáo dục đại trà ngày càng được nâng lên vượt bậc. Khoảng cách chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi đang được thu hẹp dần.

Năm học 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa vẫn là địa phương đang thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, với số lượng thiếu hơn 10.000 giáo viên ở các cấp học. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, giáo dục Thanh Hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, triển khai và thực hiện tốt các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đoàn kết, thống nhất, liên tục nỗ lực cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Để vượt khó, ngành phải nỗ lực nội tại rất nhiều như: cân đối biên chế, bố trí đồng đều đội ngũ; những môn học thiếu nhiều giáo viên chưa khắc phục được (tin, nghệ thuật,...) phải biệt phái, dạy liên trường; tạo cơ chế để các trung tâm ngoại ngữ - tin học hoạt động hiệu quả hơn; triển khai việc ký hợp đồng lao động theo hướng mở theo Nghị định 111 của Chính phủ...

PV: Nhưng thực tế, vượt khó cũng rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ với đội ngũ giáo viên dạy tăng tiết, dạy liên trường... Điều này, theo ông có thực sự cần thiết?

PGS.TS Trần Văn Thức: Một trong các giải pháp trước mắt, cần thực hiện ngay để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay đó là: tích cực động viên đội ngũ giáo viên hiện có chia sẻ khó khăn với ngành, dạy tăng tiết, tăng buổi, dạy liên trường, liên cấp...

Các địa phương cần cân đối kinh phí để chi trả việc dạy tăng tiết và hỗ trợ dạy liên trường. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra rất nhiều khó khăn cho ngành từ đội ngũ đến trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tổ chức dạy - học và các hoạt động khác. Nguồn lực Nhà nước đầu tư dù cố gắng nhưng có hạn. Ngành cũng rất cần sự chia sẻ, các nguồn lực xã hội hóa bảo đảm các quy định của pháp luật, trong đó có việc hỗ trợ nguồn kinh phí để chi trả cho cán bộ, giáo viên dạy thừa số tiết theo quy định, phần nào có thể hỗ trợ, tái tạo sức lao động, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên vượt mọi khó khăn như hiện nay, toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp trồng người.

Hoàng Việt Anh (thực hiện)

Tin liên quan:
Tin liên quan:
  • Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra
    Thiếu giáo viên và câu chuyện gỡ khó: Chia khó

    Nhiều năm nay, ngành giáo dục Thanh Hóa phải đối diện với bài toán thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024 này cũng không ngoại lệ, ở tất cả các cấp học, giáo viên vẫn thiếu trầm trọng. Khắc phục khó khăn, các địa phương đã và đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp, bảo đảm chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, đằng sau đó, vẫn còn nhiều cái khó đặt ra...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]