Đọc thơ Phạm Thanh Phương
Thơ Phạm Thanh Phương mạnh về trữ tình hướng tới người trưởng thành hơn là thơ dành riêng cho trẻ em - một lĩnh vực đặc thù. Cũng giống như việc anh viết về tuổi thơ của chính bản thân hay hơn viết cho trẻ em hiện tại.
Ảnh: Hà Hiếu
1. Người về từ cõi nhớ. Ngay từ tập thơ đầu tiên này, tính chuyên nghiệp đã rõ. Anh viết về tình yêu đôi lứa, như là của chính mình cùng với những quan sát trải nghiệm khác. Việc tìm đối tượng và chọn lối viết của tác giả tương đối vững vàng, ít sự non nớt của buổi đầu đến với văn chương. Không sa đà tả cảnh, kể việc. Đã chớm có ý thức táo bạo. Thấp thoáng có tứ thơ, có chiều sâu của suy cảm. Bài "Phận" là một điển hình về thi ảnh sáng tạo bất ngờ: Tiện tay vớ cục đá mài/ Đập xương đã vỡ thành hai mảnh rời/ Dở dang bởi tại tay người/ Đặt sai phận sự, hóa đời hại thân?/ Trả về vại nước góc sân/ Thân mòn, dao sắc - chẳng cần thiệt hơn/ Vỡ rồi mới rõ nguồn cơn/ Trời sinh dâu bể để còn chút ta. Và sự vênh lệch giữa cá nhân với hoàn cảnh, giữa chủ thể và cộng đồng ở bài "Vừa": Loay hoay chọn bát đi mua cháo/ Bát to sợ người ta bảo tham/ Bát nhỏ chỉ lo mình thua thiệt/ Đành mang đi cái vừa thôi/ Miệng khách gọi/ Cữ tay người bán/ Đọc giá tiền múc cháo tính môi/ Tiền chỉ một/ Đâu thể múc bằng trời! Và bài "Tuốt" nói đến việc chăm sóc thi hài người chết trước khi đặt vào quan tài, trớ trêu thay: Căn phòng lạnh chỉ hồn lai vãng/ Vẫn tất bật điểm phấn, tô son/ Cho hơi thở bớt phần bi thảm/ Mãi tươi xinh như giấc ngủ ngon/ Xin cảm ơn đôi bàn tay khéo/ Khoác lên đây diện mạo cuộc đời/ Để phía trước nhạt màu giả dối/ Thác đi rồi vẫn có ích cho ai.
2. Rụng chiều tóc rối. Tác giả hòa với cộng đồng rộng rãi nhiều hơn trước. Có những quan sát mới. Tính phản biện xã hội đậm đà hơn. Nhiều bài có tứ trọn vẹn, vững chãi. Đó là sự liên hệ giữa hạt cát bay vào mắt với hạt ngọc ở chuỗi vòng trên ngực phụ nữ (Cát), cậu con trai mất mẹ hai lần (Hai người mẹ). Hoặc bài "Cháo khê": Tôi cọ chiếc nồi/ Vội quay đi khi thấy mình khê từ kiếp nào/ lòng đen nhẻm dưới đáy nồi/ Khó chữa. Thơ buồn về sự giả dối của tục lệ phóng sinh (hai bài "Thả" và "Tự do"), chua xót về nỗi đời, phận người: Nắng thưa, lá nhạt cây vẫn quả/ Trĩu xuống thân già mấy mùa mưa/ một đời chắt chiu sao nghiệt ngã/ chật vườn, bạc đất, mãi đu đưa (Bưởi cảnh), hoặc: Sông khúc bồi khúc lở, hãy như nước lặng trôi/ đừng hóa bờ hờn oán/ tự nhiên khắc an bài/ Hãy cảm ơn lực cản/ sẽ giúp ta trưởng thành/ ở ngoài kia biển lớn/ càng xa bờ càng xanh (Xanh). Bạn đọc chắc chắn sẽ đồng cảm với tác giả khi cùng về một miền quê mà chứng kiến: Chính con đường nhựa/ Cắt đôi thửa ruộng/ cánh đồng/ ôm những phận người tất bật/ về huyệt mộ/ Một nhóm người khấn lạy/ mô đất bên đường/ khói nhang, vàng mã thi nhau cháy (Qua đường). "Đào nơi đất khách" khi tết về cũng là một bài thơ xúc động: Đào khắp nẻo nối đuôi xuống phố/ nằm bên đường, vạ vật đợi người mua/ những bông hoa bồn chồn vẳng tiếng gió/ bật khỏi rừng, đón phận hơn thua (...) khoác đèn nháy, tưới thêm nước ấm, những nụ đào vẫn cứ lặng câm/ không quê hương bây giờ mới thấm/ gió phương nào đến cũng chông chênh.
3. Nũng mẹ là tập thơ đáng yêu, đúng như tên gọi. Tập thơ 69 bài, có hai phần: Đom đóm và Băng đồng. Phần đầu viết về tuổi thơ của chính tác giả, khiến tập thơ như là một sự rẽ ngang, khác hẳn hai tập thơ trước. Phương viết cho trẻ em ngoại trừ đôi chỗ chưa ổn (như câu mùi vị thung thủng, các từ toang, càm ràm...). Tuy nhiên, viết về chính mình ở quê nhà nông thôn xưa nghèo túng, đơn sơ rất dễ đọng lại cảm xúc cho độc giả. Dư âm: Ôi một chùm hoa bưởi/ Gói trong chiếc khăn tay/ Người đi có trở lại/ Trắng mái đầu nào hay? hay tả cảnh đàn cá sinh hoạt vui đùa, bỗng loáng bóng con người/ cả đám mất dạng, là những tứ thơ hay mà gần gũi. Không có tuổi thơ ở thôn quê, không thể viết được như thế. Ngày ấy nghèo túng mà đẹp biết bao: Tháng ba ngày tám/ khoai xéo tỏa hương. Bây giờ sáng sáng người ta bán và mua xôi xéo, nhớ lại khoai xéo ngày xưa mà rưng rưng...
4. Rồi còn heo may. Tập thơ này có ý, tứ, tư tưởng sáng tạo táo bạo, hơn hẳn ba tập thơ trước. Thơ Phạm Thanh Phương cho thấy cái đẹp, cái thật phải đối mặt với cái xấu, cái giả một cách nghiệt ngã. Những trang thơ vừa chao chát, vừa ẩn giấu, ý nhị. Xin dẫn: Những con sông phương Bắc/ Cứ lở về phía ta/ Đỏ dòng phù sa nhắc/ Nghìn năm ấy chưa nhòa (Phù sa vẫn nhắc); hoặc bài "Giả gấu": Gấu đứng thẳng hai chân/ Biết vẫy tay chào hỏi/ Tiếng gầm như thở than/ Xin ăn khi nào đó/ Lộ làn da nhăn nheo/ Bất giác lòi sự thật/ Vườn thú dẫn trò mèo/ Cốt moi tiền nhiều nhất/ Người đội lốt của gấu/ Hay gấu vác phận người/ Giữa dòng đời xô đẩy/ Khóc ở trong tiếng cười... Đáng chú ý là tập thơ mới nhất này, Phạm Thanh Phương có một bài thơ dài nghiêng về triết lý nhân sinh, gồm 109 đoạn (đánh số thứ tự) mang tên chung là "Nghiệm".
* **
Thơ Phạm Thanh Phương mạnh về trữ tình hướng tới người trưởng thành hơn là thơ dành riêng cho trẻ em - một lĩnh vực đặc thù. Cũng giống như việc anh viết về tuổi thơ của chính bản thân hay hơn viết cho trẻ em hiện tại.
Chỉ 4 tập thơ vừa nêu, công bố trong ba năm mới đây, cũng đã cho thấy tác giả là một cây bút trẻ khá sung sức, nhanh nhạy. Hai tập khá nhất là Nũng mẹ và Rồi còn heo may. Phạm Thanh Phương có nhiều thi ảnh mang tính triết lý thâm hậu, táo bạo, tính phản biện xã hội và thế thái nhân tình nhuần nhuyễn. Câu chữ của anh khoáng đạt, thuận với nhiều dạng thức biểu đạt, tuy một số chỗ bỏ qua vần một cách đáng tiếc, nhưng vẫn giữ được nhịp điệu. Càng về sau, thơ anh càng sáng rõ ý thức hướng về ưu điểm nền nã, vững chãi.
Phạm Đình Ân (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-01 09:44:00
Nắng sau cơn bão
-
2024-12-01 09:43:00
Kí ức gió mùa
-
2024-08-09 14:35:00
Dòng sông thời gian