(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã tạo môi trường giáo dục mang tính mở, giúp trẻ có cơ hội học tập, vui chơi, phát triển phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi mới phương pháp dạy học tích cực lấy trẻ làm trung tâm

Thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã tạo môi trường giáo dục mang tính mở, giúp trẻ có cơ hội học tập, vui chơi, phát triển phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng.

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” trẻ được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị phù hợp với từng lứa tuổi.

Tạo môi trường cho trẻ khám phá

Là trường mầm non (MN) có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, Trường MN Xuân Vinh (Thọ Xuân) đã có nhiều giải pháp xây dựng môi trường bên ngoài lớp học ngày càng đa dạng, phong phú.

Cô giáo Trịnh Thị Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường MN Xuân Vinh chia sẻ:Môi trường ngoài lớp học là yếu tố góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện trẻ. Nhà trường bố trí các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời một cách khoa học và phù hợp. Những yêu cầu về môi trường ngoài lớp học được nhà trường nghiên cứu, tìm hiểu bố trí diện tích sân tập thể dục và khu vực hoạt động thể chất, khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời (cầu trượt, đu quay, đu bay, bập bênh...), khu vực trẻ trồng rau, trồng cây và chăm sóc cây cối; trồng hoa, trồng cây cảnh, cây bóng mát trên sân trường, hệ thống đường đi lối lại trên sân; độ cao của hệ thống tường bao... được nhà trường quan tâm, xây dựng dựa trên đặc điểm, sở thích, tính phù hợp với trẻ. Qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, môi trường trong các nhóm lớp được giáo viên thiết kế, tạo góc mở để trẻ hoạt động, trải nghiệm hàng ngày; môi trường ngoài lớp học có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo cho trẻ sự yêu mến, ham thích đến trường, tạo cho phụ huynh sự tin tưởng và yên tâm khi trẻ được học tập, vui chơi trong môi trường xanh, sạch, đẹp.

Với không gian các phòng học rộng, thoáng mát, đồ dùng, đồ chơi được sắp xếp trưng bày góc theo từng chủ đề, chủ điểm, theo các mùa một cách sinh động và hấp dẫn, ở Trường MN Quảng Ngọc (Quảng Xương) trẻ sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để học tập và phát huy các khả năng của mình. Ngoài các phòng học nhà trường còn có đủ các phòng chức năng và phòng năng khiếu hỗ trợ tích cực cho việc học tập các môn năng khiếu ở trường của trẻ.

Cô giáo Lê Thị Bảy - Hiệu trưởng Trường MN Quảng Ngọc cho biết: Nhà trường chú trọng xây dựng môi trường giáo dục hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ hứng thú, thích đến trường, chủ động tham gia các hoạt động. Trong lớp, các góc chơi được thiết kế sinh động, đồ dùng, đồ chơi được thay đổi, bổ sung thường xuyên, trong đó có nhiều sản phẩm do cô và cháu cùng làm. Ở ngoài lớp học, các khu phát triển vận động, khu vui chơi, khu chợ quê, vườn cổ tích... cũng được bố trí hợp lý. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thi, chương trình giao lưu... để trẻ được trải nghiệm, tạo cơ hội cho gia đình các bé cùng tham gia các hoạt động của nhà trường.

Trong một môi trường xanh - sạch - đẹp, các bé được chăm sóc bởi những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm, chế độ sinh hoạt phù hợp với từng lứa tuổi, chế độ dinh dưỡng, ăn uống có thực đơn hợp lý, an toàn, chế biến khoa học và có nguồn gốc rõ ràng. Không những vậy, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường đã có sự đổi mới về xây dựng kế hoạch giáo dục, phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; linh hoạt trong tổ chức đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng trong triển khai thực hiện chuyên đề tại các địa phương.

Thay đổi tích cực

Thanh Hóa có tổng số 685 cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, sau 5 năm triển khai và tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Môi trường giáo dục được xây dựng xanh - sạch - đẹp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mỗi năm đều được đầu tư mua sắm, tu sửa đảm bảo an toàn, phù hợp với tổng kinh phí thực hiện trên 94 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập và nhu cầu khám phá của trẻ theo đúng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non có sự thay đổi trong nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, từ đó phương pháp giáo dục trẻ được đổi mới, công tác đánh giá sự phát triển của trẻ được nhận thức và thực hiện đúng mục đích, yêu cầu. Cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” được các đơn vị tổ chức triển khai theo đúng kế hoạch đã tác động tích cực đến việc tạo môi trường, đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non. Trong 5 năm triển khai thực hiện, chuyên đề nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt đã thu hút được sự tham gia, chung tay góp sức của phụ huynh học sinh và cộng đồng.

Cô giáo Trịnh Thị Chiến - Hiệu trưởng Trường MN Xuân Lai (Thọ Xuân) chia sẻ: "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, chính quyền và phụ huynh học sinh. Phong trào đã thúc đẩy việc xây dựng cơ sở vật chất, tạo nên diện mạo mới về môi trường trong và ngoài lớp học theo hướng phát huy tính tích cực của trẻ. Mặc dù điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ mạnh dạn, đột phá, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sức người, sức của để các khu vui chơi, học tập cho trẻ, đến nay, cảnh quan nhà trường đã thay đổi xanh - sạch - đẹp, phụ huynh yên tâm đưa con tới trường.

Tại Trường MN Quảng Ninh (Quảng Xương) để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của trẻ, các hoạt động học - chơi được nhà trường thiết kế lại theo hướng chuyển từ giáo dục áp đặt sang tự giáo dục. Giáo viên chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức, giám sát và giúp đỡ, còn trẻ được thực hành, trải nghiệm để phát triển bản thân. Cô giáo Trần Thị Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong thời gian qua đã giúp trẻ sớm hình thành kỹ năng cần thiết như: tự phục vụ, tự bảo vệ, giao tiếp xã hội và dần hình thành thói quen tự lập trong cuộc sống.

Từ khi triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Trường MN Quảng Bình (Quảng Xương) đã tận dụng mọi không gian rộng rãi trong trường để trồng cây xanh tạo bóng mát, làm vườn cây, vườn rau của bé; dành diện tích đất để làm vườn cổ tích, khu phát triển vận động, bảo đảm an toàn cho trẻ khi vui chơi... Các hoạt động trải nghiệm được thay đổi liên tục khiến trẻ thích thú và phát huy được khả năng. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi và lựa chọn những phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh ở mọi lứa tuổi, bảo đảm trẻ "học bằng chơi, chơi mà học".

Để phát huy hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, gắn kết giữa giáo dục phát triển nhận thức với giáo dục kỹ năng sống. Bên cạnh đó, các trường cần duy trì tốt phong trào làm đồ dùng, đồ chơi, tăng cường cơ sở vật chất để phát triển môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động...

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]