(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên các cửa biển, cảng cá những ngày này không khó để bắt gặp nữ “cửu vạn” đội nón, bịt kín khăn luôn hối hả phân loại, vận chuyển cá, tôm, cua... Bất kể giờ giấc, nắng mưa, những người phụ nữ này vẫn cố gắng bám trụ, mưu sinh...

Đội nắng mưu sinh ven bờ biển

Trên các cửa biển, cảng cá những ngày này không khó để bắt gặp nữ “cửu vạn” đội nón, bịt kín khăn luôn hối hả phân loại, vận chuyển cá, tôm, cua... Bất kể giờ giấc, nắng mưa, những người phụ nữ này vẫn cố gắng bám trụ, mưu sinh...

Đội nắng mưu sinh ven bờ biểnKhung cảnh tấp nập, nhộn nhịp tại vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc).

Bất chấp thời tiết nắng nóng cháy da, bỏng thịt của mùa hè, ngư dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển như: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nghi Sơn, Sầm Sơn vẫn cần mẫn, miệt mài mưu sinh ven bờ biển với nhiều công việc khác nhau. Dù khó khăn, vất vả, nặng nhọc, nhưng với người dân miền biển, đó là cuộc sống, là miếng cơm, manh áo để họ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Với chiều dài 1,2km bờ biển, từ bao đời nay người dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) vẫn luôn bám biển, mưu sinh. Toàn xã hiện có gần 400 phương tiện đánh bắt hải sản, với trên 2.400 lao động từ nghề cá. Như thường lệ cứ khoảng từ 10 giờ sáng đến đầu giờ chiều, hàng trăm phụ nữ già, trẻ lại tụ tập chờ thuyền về. Công việc của họ là xẻ cá, bóc tôm, chở đá thuê, phân loại, thu gom tôm, cá... mang đi tiêu thụ.

Sinh ra lớn lên ở vùng biển, chị Nguyễn Thị Thái (thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc) hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người dân nơi cửa biển. Do xã không có đất nông nghiệp sản xuất, để mưu sinh, hàng ngày ngoài công việc nội trợ, chị còn tranh thủ làm nghề bóc tôm, gánh cá thuê. Thu nhập từ 130.000 – 160.000 đồng/ngày, chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra nhưng với chị chừng ấy cũng đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Chị Thái cho biết, ở Ngư Lộc, đa phần phụ nữ đều làm công việc này. Ngày nắng cũng như mưa, chỉ cần thuyền cập bến, có người thuê là họ lao ra làm. Nếu hôm nào thuyền về nhiều cá, tôm thì ngày đó công việc vất vả hơn, bù lại chủ thuê sẽ trả thêm tiền. Do khoảng cách từ nơi thuyền cập bến đến khu vực tập kết cá, tôm trên bờ (mặt đê) khá dài, chị và những phụ nữ khác trong xã phải di chuyển qua bề mặt đê dốc đứng nên cũng ảnh hưởng đến tốc độ công việc.

Đội nắng mưu sinh ven bờ biểnNgười dân vùng biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) đang phân loại cá bán cho khách.

Hơn 30 năm làm nghề gánh cá, bóc tôm thuê, bà Lê Thị Lái (65 tuổi, xã Ngư Lộc) chia sẻ: Ở đây, bao năm qua đàn ông ra khơi, đàn bà ở nhà lo việc nhà và tranh thủ ra bờ biển kiếm việc làm thêm, mưu sinh theo con nước. Những hôm thời tiết thuận lợi, cá, tôm về đầy khoang, chị em luôn tay, luôn chân không hết việc. Thời điểm biển động, sóng to, gió lớn kéo dài, lượng hải sản ít, tàu cá nằm bờ nhiều, sinh kế của người dân trở nên khó khăn hơn. Không có đất nông nghiệp, nên khi bước vào mùa “nghỉ biển”, phụ nữ từ già đến trẻ, họ phải tìm kiếm công việc khác. Theo bà Lái, mùa biển động cũng là thời điểm cá, tôm nhiều hơn các tháng biển lặng. Giá hải sản cũng được đẩy lên cao, kích thích nhiều ngư dân vươn khơi.

Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) là một trong những cảng cá lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Cảng được đưa vào khai thác từ năm 2003. Đây là điểm trung chuyển chủ yếu các loại thủy, hải sản của ngư dân và thương lái trong khu vực, đồng thời thu hút lượng lớn tàu thuyền của thị xã Nghi Sơn và nhiều tỉnh vào neo đậu, trao đổi hàng hóa, tránh trú bão. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhiều năm qua Lạch Bạng trở thành nơi mưu sinh của người dân ở các phường Hải Bình, Hải Thanh. Như thường lệ, ngay khi tàu vừa cập bến, hàng trăm phụ nữ từ các làng biển này thoăn thoắt nhận cá, tôm, sau đó xếp ngay ngắn vào các rổ nhựa, thùng xốp... Công việc mưu sinh đã trở thành quen thuộc, cứ lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác.

Nước da nhuốm vị mặn mòi của biển, chị Nguyễn Thị Hà (phường Hải Thanh) bộc bạch: “Sau vài chuyến vận chuyển cá từ thuyền lên bờ với trọng lượng gần 3 tạ, toàn thân như muốn rụng rời vì mệt. Ngày nào chúng tôi cũng vận chuyển hàng tấn cá, tôm... lên bờ. Ở đây, vui cái là làm gần nhà nên tiện chăm sóc gia đình, chứ thu nhập thấp lắm. Tuần trước cũng có một tốp lao động ở bên xã Hải Yến sang, nhưng do thời tiết nắng nóng, lại mới vào nghề, đi chưa quen, họ chỉ làm được vài hôm lại nghỉ...”.

Nếu đàn ông vùng biển đi đánh bắt, khai thác hải sản trên biển hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời, thì những người phụ nữ lại chủ yếu gắn bó với nghề phân loại và chuyên chở cá biển đến các chợ. Vượt mọi bão tố, gian nguy, những phận đời, phận người ấy vẫn cần mẫn với công việc đã nuôi sống gia đình hằng bấy lâu nay.

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]