(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhìn lại mảnh đất quê hương, trông về những cánh đồng làng ngày càng vắng bóng người trẻ, lại càng trân trọng, cảm phục những tấm gương đoàn viên, thanh niên quyết tâm dấn thân, nỗ lực trên hành trình “bất ly nông, bất ly hương”.

Bản lĩnh của người trẻ trong việc “bất ly nông, bất ly hương”

Nhìn lại mảnh đất quê hương, trông về những cánh đồng làng ngày càng vắng bóng người trẻ, lại càng trân trọng, cảm phục những tấm gương đoàn viên, thanh niên quyết tâm dấn thân, nỗ lực trên hành trình “bất ly nông, bất ly hương”.

Hẳn rằng ngay cả khi đại dịch COVID-19 qua đi, mỗi chúng ta sẽ còn ám ảnh mãi về hình ảnh những đoàn người hối hả “tháo chạy” khỏi những khu công nghiệp lớn với khát vọng duy nhất là được trở về quê hương - nơi mà cũng chính họ, vì áp lực mưu sinh, khát vọng đổi đời đã lựa chọn cất bước ra đi.

Bản lĩnh của người trẻ trong việc “bất ly nông, bất ly hương”

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiết bị Công nghiệp Việt của anh Lê trọng Thiện và một số người bạn cùng chung chí hướng thành lập (Ảnh tư liệu)

Nhưng cũng từ thực tế ấy một lần nữa khiến các nhà quản lý, hoạch định chiến lược và bản thân mỗi chúng ta phải trăn trở nhiều hơn về vấn đề “ly nông”, “ly hương”. Và qua đó, nhìn lại mảnh đất quê hương, trông về những cánh đồng làng ngày càng thiếu vắng bóng dáng người trẻ, nhiều nơi bị bỏ hoang... càng trân trọng, cảm phục những tấm gương đoàn viên, thanh niên quyết tâm dấn thân, nỗ lực trên hành trình “bất ly nông, bất ly hương”.

Khác biệt, sáng tạo sẽ tạo nên giá trị

Bắt đầu nghiên cứu sản xuất nấm các loại từ năm 2014, chàng trai trẻ Lê Trọng Thiện (29 tuổi, huyện Đông Sơn) quyết tâm gắn bó, nỗ lực phát triển bản thân, làm giàu trên mảnh đất quê hương với nghề trồng nấm các loại. Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, Thiện nhận thức sâu sắc rằng: “Nếu chỉ sản xuất nấm theo cách thức truyền thống thì bản thân cũng giống như bất kì người nông dân cần cù, lam lũ nào. Khác biệt, sáng tạo mới là giá trị mà một người trẻ như anh cần phấn đấu”.

Năm 2018, anh và một số người bạn cùng chung chí hướng đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiết bị Công nghiệp Việt tại xã Đông Khê (Đông Sơn), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: chế tạo, kinh doanh các loại máy móc phục vụ nghề nấm; chuyển giao công nghệ, tư vấn thiết kế xây dựng trang trại trồng nấm theo hướng công nghiệp. Cuối năm 2018, những sản phẩm thương mại đầu tiên của Công ty đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, khách hàng tin tưởng đặt mua.

Bản lĩnh của người trẻ trong việc “bất ly nông, bất ly hương”

Với bản lĩnh, quyết tâm, anh Thiện đã gặt hái được những thành công nhất định trên mảnh đất quê hương.

Người trẻ khởi nghiệp, những khát vọng, ước mơ bao giờ cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Sự non trẻ về kinh nghiệm, mối quan hệ xã hội, áp lực về thủ tục hành chính, thị trường… đặc biệt là khả năng tài chính luôn là thách thức lớn, không dễ dàng vượt qua. Để tìm kiếm cơ hội học hỏi, khẳng định mình, nâng cao năng lực phát triển, năm 2019 anh Thiện và người bạn của mình - anh Nguyễn Hoàn (Đông Sơn) đã mạnh dạn tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên” lần thứ IV. Ý tưởng Thiên Phú smart Airfarm - chế tạo máy phục vụ tự động hoá nghề nấm của hai anh đã xuất sắc giành giải Nhất.

Như được động viên, khích lệ, tháng 10-2019, anh Thiện tham gia vay vốn tín dụng ưu đãi theo Đề án chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn Thanh Hoá với mức vốn vay là 100 triệu đồng. Từ số vốn vay này anh Thiện tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm, nhất là sản phẩm lò hấp phôi nấm tự động. Đây sản phẩm độc quyền của Công ty.

Hiện nay, các sản phẩm của Công ty đã được cung cấp cho hàng chục đơn vị trên khắp 3 miền của đất nước, được khách hàng đánh giá cao. Năm 2020, doanh thu từ việc bán sản phẩm và tư vấn, chuyển giao công nghệ đạt khoảng 3 tỷ đồng. Với giá thành giao động từ 80 - 180 triệu đồng/bộ (tùy theo nhu cầu, kích cỡ đơn đặt hàng), lò hấp phôi nấm tự động được xem là mặt hàng chủ lực của Công ty.

Trước những tác động không nhỏ của dịch COIVD-19, Công ty vẫn duy trì việc làm cho 4 - 6 lao động thường xuyên (thời điểm nhiều đơn hàng, số lượng lao động thời vụ tăng lên), thu nhập bình quân đạt từ 8 - 11 triệu đồng/tháng.

“Các sản phẩm của Công ty hoàn toàn mới trên thị trường nên cần số vốn lớn hơn nữa để phát triển quy mô và nghiên cứu, sản xuất đại trà. Trong khi đó, suốt hai năm trở lại đây (2020, 2021), tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến những doanh nghiệp khởi nghiệp như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, anh Thiện bộc bạch.

Bởi vậy, với anh Thiện, sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh đoàn, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, nhất là trong việc hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín chấp lớn hơn cũng như tạo ra một cơ chế chung tạo đà cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển hơn nữa là động lực quan trọng để anh tiếp tục theo đuổi đam mê, thổi bừng nhiệt huyết.

Bàn tay ta làm nên tất cả...

Điều gì đã giữ chân những người trẻ ở lại chốn thôn quê, dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp nếu không phải là bởi tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”. Điều đó lý giải vì sao, dẫu trải qua bao nỗi nhọc nhằn, vất vả hay có những lúc vấp ngã tưởng chừng như không gượng dậy được, anh Nguyễn Hoài Châu (xã Liên Lộc, Hậu Lộc) vẫn không bao giờ nghĩ đến hai chữ “từ bỏ”.

“Ông cha ta bao đời gắn bó với nghề nông, tại sao thế hệ cháu con như chúng ta lại không chịu khó gìn giữ, phát huy?”. Từ ý nghĩ ấy, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, năm 2014, anh Nguyễn Hoài Châu đã mạnh dạn nhận thầu 2,5 ha diện tích đất nông nghiệp vốn là đất phèn chua, sản xuất kém hiệu quả đã bị bỏ hoang nhiều năm của địa phương, đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp.

Bản lĩnh của người trẻ trong việc “bất ly nông, bất ly hương”

Khu nuôi trồng đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Hoài Châu (Hậu Lộc).

Con đường làm nông nghiệp tưởng chừng như quen thuộc, dễ dàng nhưng ai đã từng dấn thân vào mới thấm thía hết nỗi vất vả, nhọc nhằn và cả những cay đắng, ngậm ngùi. Năm 2017, trước tác động của thị trường, giá lthịt ợn hơi xuống thấp kỷ lục khiến trang trại của anh Châu điêu đứng. Rồi cơn lũ lụt vào những ngày tháng 10 nhẫn tâm cuốn phăng đi nhiều ao nuôi cá rô đầu vuông công nghiệp ở trang trại mà anh Châu đã nhọc công chăm sóc, khấp khởi hy vọng.

Nhưng chính trong hoàn cảnh éo le ấy, cuối năm 2017 anh Châu được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn Thanh Hóa với số vốn vay là 350 triệu đồng. Anh Châu thành thật chia sẻ: “Tuy không phải là số tiền quá lớn nhưng nguồn vốn đến với tôi vào thời điểm khó khăn, xuống dốc tinh thần nhất nên bản thân tôi rất trân trọng. Số tiền ấy không chỉ giúp tôi có “chỗ dựa” kinh tế, tiếp tục theo đuổi, hiện thực hóa ý tưởng, dự định của mình mà còn động viên, khích lệ tinh thần rất lớn”.

Với đồng vốn eo hẹp, anh Châu xác định: “Lấy những con ngắn ngày để hỗ trợ nuôi con dài ngày. Đối tượng nuôi là những loại con vật có chi phí thấp, nguồn thức ăn chủ động, dễ kiếm… nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư”.

Khi những khó khăn bước đầu qua đi, anh Châu càng mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm. Hướng đến việc đa dạng lĩnh vực, sản phẩm của trang trại, đặc biệt chú trọng vào các sản phẩm cao cấp, giá trị kinh tế cao, anh Châu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Sau nhiều nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, anh Châu đã bước đầu thu được kết quả trong lĩnh vực này.

Không dừng lại ở đó, anh Châu cho biết: Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục thử nghiệm, phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

Bản lĩnh của người trẻ trong việc “bất ly nông, bất ly hương”

Mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng anh Châu vẫn quyết tâm dấn thân vào lĩnh lực nông nghiệp.

Phát huy vai trò của người trẻ trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần giữ chân được lực lượng lao động trẻ, mở ra nhận thức mới cho người trẻ về vấn đề “ bất ly nông, bất ly hương” mà còn phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để khơi dậy hơn nữa phong trào “thanh niên khởi nghiệp”, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành, hơn tất thảy, trên hành trình ấy, bản lĩnh, tinh thần, nhiệt huyết, sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo của chính những người trẻ là yếu tố quan trọng nhất, mang tính cốt lõi làm nên thành công.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]