(vhds.baothanhhoa.vn) - Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; đẩy mạnh trồng rừng sản xuất; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng các giống cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao; giữ vững an ninh rừng... Đó là những giải pháp mà tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhằm phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Bảo vệ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; đẩy mạnh trồng rừng sản xuất; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng các giống cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao; giữ vững an ninh rừng... Đó là những giải pháp mà tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhằm phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Bảo vệ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng

PV: Xin ông cho biết, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã có những giải pháp gì để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững?

Ông Lê Đức Thuận: Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 3 cả nước, với diện tích rừng hiện có là 647.107,05ha. Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các loại rừng; hoàn thiện mốc giới trên thực địa 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); tổ chức giao khoán bảo vệ rừng đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát triển rừng (BVPTR); tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác trồng, phát triển rừng, gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế rừng, đưa các giống cây lâm nghiệp mới năng suất, chất lượng, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng...

PV: Để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững mang lại hiệu quả kinh tế, tỉnh ta đã đặt ra mục tiêu và giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lê Đức Thuận: Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, trồng mới 50.000ha rừng tập trung; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%; khai thác 1.100.000m3 gỗ; 63,6 triệu cây luồng; nguyên liệu giấy ngoài gỗ đạt 84.000 tấn... Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển lâm nghiệp bền vững, trọng tâm là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Luật Lâm nghiệp và các văn bản có liên quan để nâng cao hơn nữa nhận thức về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả kinh tế - xã hội và trách nhiệm trong quản lý, BVPTR bền vững của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, chủ rừng, hộ gia đình. Cùng với đó, cần tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật lâm nghiệp để người dân làm nghề rừng và những người dân sống gần rừng có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần vào nhiệm vụ BVPTR tốt hơn. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sử dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: Giữ vững an ninh rừng

PV: Thưa ông, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã thực hiện những giải pháp nào để giữ vững an ninh rừng?

Ông Mai Hữu Phúc: Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với địa phương tập trung phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý BVPTR và PCCCR tới các chủ rừng và mọi người dân với nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú; thường xuyên theo dõi các yếu tố khí tượng, nhằm dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong những ngày nắng hạn kéo dài. Tăng cường công tác phối hợp với lực lượng công an, quân sự, quản lý thị trường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với các huyện có đường biên giới, lực lượng kiểm lâm còn phối hợp các đồn biên phòng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn những đường mòn, lối mở, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về BVPTR. Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án nâng cao đời sống Nhân dân, đặc biệt là Nhân dân sống trong rừng, ven rừng; quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, cơ sở, trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã; chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã; kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu lâm sản, nhất là trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy.

PV: Để ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, phải chăng điều quan trọng nhất là phải giữ vững an ninh rừng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Mai Hữu Phúc: Để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, ngoài thực hiện lồng ghép chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cần tăng cường công tác giữ vững an ninh rừng. Vì vậy, trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVPTR, PCCCR đến toàn thể các tầng lớp Nhân dân để cùng tham gia đảm bảo an ninh rừng; coi trọng đối thoại với Nhân dân thông qua diễn đàn “Kiểm lâm lắng nghe ý kiến Nhân dân”. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp vi phạm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Xây dựng lực lượng kiểm lâm vững mạnh, gắn với trách nhiệm thực thi nhiệm vụ quản lý, BVPTR, PCCCR, đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;...

Ông Bùi Văn Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Eo Bàn, xã Thành Long (Thạch Thành): Cần tăng mức hỗ trợ người dân

PV: Theo ông, Nhà nước cần thực hiện thêm các giải pháp gì để huy động người dân tham gia bảo vệ phát triển rừng?

Ông Bùi Văn Trường: Người dân có vai trò hết sức quan trọng trong công tác BVPTR, PCCCR; khi hiểu được tầm quan trọng của rừng thì họ sẵn sàng tham gia giữ rừng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của mình trong công tác BVPTR. Tuy nhiên, hiện nay mức kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng thấp, Nhà nước cũng cần tăng mức hỗ trợ. Khi quyền lợi và trách nhiệm của người dân gắn với rừng thì chắc chắn rừng sẽ được bảo vệ ngày càng tốt hơn.

Hải Anh (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]