(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong 158 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP của tỉnh có một số sản phẩm đặc thù quý hiếm, như: gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh (Vĩnh Lộc), gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang (Hà Trung)... Nếu được phát huy, những sản phẩm này sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cần thêm chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP đặc thù

Trong 158 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP của tỉnh có một số sản phẩm đặc thù quý hiếm, như: gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh (Vĩnh Lộc), gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang (Hà Trung)... Nếu được phát huy, những sản phẩm này sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cần thêm chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP đặc thùVùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, xã Hà Long. Ảnh: Tư liệu

Năm 2017, HTX nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) đã liên kết với bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng giống lúa quý bản địa - lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh. Đồng thời hỗ trợ người dân trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhằm phát triển và bảo tồn bền vững nguyên bản giống. Nếp hạt cau Lộc Thịnh khi chín, vỏ hạt có màu giống hạt cau khô, chất lượng gạo cao, hạt tròn, trắng đục, hương thơm đặc trưng. Lúa nếp hạt cau tuy trồng được ở nhiều nơi, nhưng ở vùng đất Vĩnh Thịnh giống lúa này có được hương vị thơm ngon đặc trưng. Đây là loại nếp cổ truyền quý giá, có khả năng chống chịu điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và chỉ trồng được một vụ mùa duy nhất. HTX nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Thịnh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân và cung ứng rộng rãi sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, nếp hạt cau Lộc Thịnh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Tương tự, từ xa xưa, người dân xã Hà Long (Hà Trung) đã trồng loại nếp cái hoa vàng trên đất thịt nhẹ, coi đây là sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Nếp hạt cau trồng trên đồng đất Hà Long có mùi thơm đặc biệt, nhất là độ dẻo. Lúa được cấy vào đầu tháng 6, trổ bông vào đầu tháng 9, và thu hoạch vào tháng 10 (âm lịch). Tuy nhiên, do không được bảo tồn và phát triển tốt nên giống đã bị thoái hóa. Năm 2008, UBND xã đã giao cho HTX dịch vụ và nông nghiệp Hà Long mua giống tại Công ty CP Giống cây trồng Trung ương để khôi phục. Sau một vài vụ thử nghiệm với 10ha, đến nay diện tích lúa nếp cái hoa vàng của xã đã được mở rộng lên 200ha. Xã đã xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, HTX dịch vụ và nông nghiệp Hà Long đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê với sản lượng trên 200 tấn/năm. Được bình chọn 1 trong 10 sản phẩm gạo nếp ngon nhất trong nước, nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang đang được khách hàng tin tưởng đặt mua với số lượng lớn.

Tuy nhiên, cũng như nếp hạt cau Lộc Thịnh, nguồn cung sản phẩm này đang rất hạn chế, trong khi giá trị kinh tế cao gấp từ 2-3 lần so với gạo tẻ. Do đó cần có thêm chính sách đặc thù khuyến khích người dân mở rộng diện tích, nâng cao giá trị đạt sản phẩm, tiến tới xuất khẩu.

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, có cả miền núi, trung du, đồng bằng và biển, đảo, với nhiều tài nguyên, sản vật phong phú. Cùng với đó là nhiều làng nghề truyền thống với sản phẩm độc đáo, giàu bản sắc địa phương. Thực hiện chương trình OCOP, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã có 158 sản phẩm được công nhận, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 40 sản phẩm 4 sao, 117 sản phẩm 3 sao. Riêng lúa nếp có 3 sản phẩm OCOP: gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh, gạo nếp hạt cau Thạch Lập, nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang. Sau khi được công nhận, những sản phẩm này mới chỉ được hỗ trợ kinh phí đầu tư sản xuất như bao sản phẩm khác: Giấy chứng nhận của UBND tỉnh, sử dụng biểu trưng của chương trình OCOP, thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm, được tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nên việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích còn hạn chế. Hiện, diện tích của các loại giống lúa này mới đạt khoảng 500 ha.

Trong khi đây là những sản phẩm mang tính đặc trưng của mỗi vùng đất, người nông dân vừa canh tác, vừa phải bảo tồn gen giống, nên rất cần có thêm cơ chế chính sách khuyến khích, như: tăng nguồn kinh phí hỗ trợ, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho đặc sản xứ Thanh, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp...

Đức Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]