(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến năm 2025, ngành y tế Thanh Hóa cần khoảng 5.000 bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay đang có một khoảng trống lớn về nhân lực tại hệ thống cơ sở y tế công lập. Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế này vẫn được xem là bài toán khó. Môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ... là những nguyên nhân khiến không ít bác sĩ tại hệ thống cơ sở y tế công lập về đầu quân tại các bệnh viện tư nhân.

Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực tại đơn vị sự nghiệp y tế công lập: Bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư

Đến năm 2025, ngành y tế Thanh Hóa cần khoảng 5.000 bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay đang có một khoảng trống lớn về nhân lực tại hệ thống cơ sở y tế công lập. Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế này vẫn được xem là bài toán khó. Môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ... là những nguyên nhân khiến không ít bác sĩ tại hệ thống cơ sở y tế công lập về đầu quân tại các bệnh viện tư nhân.

Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực tại đơn vị sự nghiệp y tế công lập: Bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư

Từ năm 2018 đến nay, BVĐK Phúc Thịnh đã tiếp nhận gần 20 bác sĩ từ bệnh viện công về công tác.

Lựa chọn

Năm 2021, bác sĩ N.T.T, Trưởng khoa Ngoại của một bệnh viện công ở miền núi đã xin nghỉ việc để về công tác tại một bệnh viện tư tại TP Thanh Hóa. 20 năm gắn bó với bệnh viện công, tưởng như việc đến vùng đất mới sẽ khó có thể xảy ra nhưng đã hoàn toàn ngược lại. Nhiều nguyên nhân đã được vị bác sĩ này đưa ra nhưng tựu chung vẫn là câu chuyện thay đổi môi trường làm việc. “Môi trường làm việc ở bệnh viện công không phải không có, thậm chí có rất nhiều việc. 20 năm ở đây, tôi đã cống hiến rất nhiều. Cũng chính vì làm việc quá lâu nên tôi muốn có sự thay đổi. Nếu cách đây 20 năm, thế hệ chúng tôi dường như không có cơ hội nào để xin làm việc tại các bệnh viện tư nhưng giờ đã khác...”, bác sĩ T cho biết.

Còn với bác sĩ nội khoa L.T.V, sau 10 năm công tác ở một bệnh viện tuyến tỉnh thì đến năm 2021, anh đã đầu quân về một bệnh viện tư tại TP Thanh Hóa. Ngã rẽ này, theo anh là cần thiết, đúng thời điểm. Anh nói: “Làm trong bệnh viện công mang lại mức sống vừa phải, không quá khó khăn nhưng đến lúc cần chọn cho mình một lối đi riêng để phát triển. Và tôi thấy phù hợp với con đường hiện tại”.

Mỗi sự lựa chọn đều có những nguyên nhân. Một thực tế không thể phủ nhận đó là, bệnh viện tư môi trường làm việc tốt, chế độ đãi ngộ cao..., chính những điều này đã thu hút được một lượng bác sĩ, điều dưỡng về đầu quân. Nếu một bác sĩ mới ra trường vào làm việc tại bệnh viện tư được trả lương và các khoản phụ cấp, phụ thu khác với tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng còn những bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm như bác sĩ T và V đã nói đến ở trên là khoảng vài chục triệu đồng/tháng. 10 triệu đồng/tháng của bác sĩ mới ra trường ở bệnh viện tư cao gần gấp đôi thu nhập của bác sĩ công tác nhiều năm ở bệnh viện công.

Không quá khó để làm một bài toán so sánh nhưng rõ ràng thì lương thỏa thuận ở bệnh viện tư có sức hấp dẫn hơn hẳn lương nhà nước ở bệnh viện công. Nói như một vị lãnh đạo của một bệnh viện tư nhân: Ở bệnh viện nào cũng vậy, chuyên môn, tư cách thầy thuốc, cơ sở vật chất quyết định vấn đề điều trị cho bệnh nhân. Không có chuyên môn giỏi, kỹ năng mềm, không có nhân đức thì không điều trị được. Vấn đề là phải thu hút nhân lực bằng cách nào, đó phải là một môi trường tốt để duy trì tính bền vững, làm sao thúc đẩy được sự lựa chọn về con người, quyền lợi...

Cống hiến phải song hành cơ chế, chính sách

Từ năm 2020 đến nay, tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 96 bác sĩ. Trước đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực tại bệnh viện công cũng đã xảy ra. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Quan Hóa, BVĐK huyện Đông Sơn..., cứ trung bình 1 năm lại có 1 bác sĩ xin nghỉ việc. Phần lớn những bác sĩ này đầu quân về các bệnh viện tư. Một trong những nguyên nhân của sự “ra đi” này vẫn liên quan đến vấn đề về thu nhập. Ngay tại BVĐK Hợp Lực (TP Thanh Hóa), chỉ tính từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận gần 40 bác sĩ ở các bệnh viện công trong tỉnh về làm việc, còn BVĐK Phúc Thịnh (TP Thanh Hóa) cũng có gần 20 bác sĩ từ bệnh viện công về công tác...

Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực tại đơn vị sự nghiệp y tế công lập: Bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư

Bệnh nhân đến khám răng hàm mặt tại BVĐK huyện Đông Sơn.

Những khoảng trống về nhân lực ở bệnh viện công ngày càng lớn. Giữ chân họ để tiếp tục cống hiến là điều không dễ. Hiện ở BVĐK huyện Quan Hóa đang thiếu 8 bác sĩ. Theo như chia sẻ từ lãnh đạo bệnh viện thì việc cống hiến với nghề ai cũng có nhưng cống hiến phải đi cùng cơ chế, chính sách, nếu không sẽ khó nói đến chuyện gắn bó. Thạc sĩ - Bác sĩ Y khoa Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc bệnh viện này thẳng thắn thừa nhận: “Bác sĩ lên công tác ở miền núi rất nhiều khó khăn, gian khổ. Thu nhập thấp, chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, làm việc được một thời gian, họ lại về xuôi. Nên mới có chuyện, sau khi có chứng chỉ hành nghề, sau khi được cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa I (BSCKI) thường xảy ra việc, bác sĩ ấy sẽ không ở lại mà đến một môi trường khác tốt hơn...”.

Đồng quan điểm, BSCKI Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc BVĐK huyện Đông Sơn cho rằng: “Nhiều bệnh viện tư nhân trả lương với mức cao hơn nên việc bác sĩ rời bỏ bệnh viện công cũng là điều dễ hiểu. Thực tế, trước đó chúng tôi cũng làm công tác tư tưởng nhưng họ chỉ ở lại thêm thời gian ngắn, sau đó vì thu nhập không thay đổi nên không thể giữ chân họ ở lại...".

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh


Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]