(vhds.baothanhhoa.vn) - Qua nhiều năm triển khai phát triển vùng nguyên liệu ở Như Xuân, Như Thanh phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân, cây sắn đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Cây sắn trên vùng đồi Tây Nam

Qua nhiều năm triển khai phát triển vùng nguyên liệu ở Như Xuân, Như Thanh phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân, cây sắn đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Cây sắn trên vùng đồi Tây NamNông dân xã Xuân Hòa (Như Xuân) thu hoạch sắn.

Nông dân tập trung sản xuất

Xã Xuân Hòa là địa phương có diện tích sắn lớn nhất ở huyện Như Xuân với gần 1.000 ha, mỗi vụ cung ứng cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân từ 18.000- 20.000 tấn sắn nguyên liệu. Cây sắn trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình trong xã.

Gia đình ông Nguyễn Duy Hải, thôn Giăng, có 6 ha đất sản xuất. Những năm trước, ông trồng cây mía, nhưng giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế thấp, nên từ năm 2015 chuyển sang trồng cây sắn. Ông Hải chia sẻ: “Mỗi vụ sắn sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Sau nhiều năm trồng sắn, tôi đã xây dựng nhà cửa khang trang, cải thiện cuộc sống và đầu tư cho con cái ăn học”.

Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Những năm gần đây, nhờ đưa cây sắn vào trồng tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, được nhà máy hỗ trợ một phần vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm, người dân xã Xuân Hòa đã đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích trồng sắn. Sau nhiều năm gắn bó với cây sắn, hàng trăm hộ dân đã có thu nhập khá, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Như Xuân, cho biết: Chi phí đầu tư cho trồng sắn thấp, cây không quá kén đất, có thể trồng nhiều nơi, ít khi mất mùa. Nhiều năm qua, cây sắn góp phần ổn định đời sống của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện. Niên vụ 2021 - 2022, huyện Như Xuân trồng hơn 3.000 ha sắn, năng suất đạt 18-20 tấn/ha; giá thu mua trung bình ở mức 2.250 đồng/kg. So với vụ trước, giá sắn năm nay tăng 150 đồng/kg góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng sắn. Hiện bà con các xã trồng sắn đang tập trung thu hoạch và chuẩn bị các điều kiện trồng vụ mới.

Tương tự như huyện Như Xuân, cây sắn trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Khang, Xuân Phúc... của huyện Như Thanh. Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Như Thanh, cho biết: Niên vụ 2021 - 2022 huyện trồng hơn 1.000 ha sắn. So với việc trồng ngô, lúa thì trồng sắn đỡ công chăm sóc và ít rủi ro hơn; giá lại cao gấp 2 - 3 lần. Vì vậy trồng sắn đang là hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người dân mở rộng diện tích ồ ạt có thể khiến khó tiêu thụ, huyện Như Thanh duy trì, ổn định 1.000 ha sắn phục vụ cho Nhà máy sản xuất chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân. Tích cực tập huấn nâng cao kỹ thuật, hỗ trợ người dân đầu tư cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, thân thiện môi trường để ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất, đặc biệt trên những diện tích đất đồi có độ dốc lớn.

Doanh nghiệp lo đầu ra

Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân thuộc Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp Thanh Hóa là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sắn cho vùng Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa. Đây được xem là hình mẫu cho mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc tiêu thụ nông sản ở địa phương. Những năm qua, nhà máy đã góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động ở địa phương, nhà máy còn tạo việc làm gián tiếp cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn các huyện Như Xuân, Như Thanh.

Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp Thanh Hóa cho biết: Hiện nay Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân có 1 dây chuyền chế biến tinh bột sắn có công suất tiêu thụ từ 600 - 700 tấn sắn tươi/ngày. Với công suất trên, doanh nghiệp đảm bảo thu mua 100% sản lượng sắn của nông dân các huyện Như Xuân, Như Thanh. Theo kế hoạch của vụ này, nhà máy kéo dài thời gian thu mua và chế biến tinh bột sắn đến hết tháng 3-2022, tạo điều kiện cho nông dân giải phóng đất đai, chuẩn bị tốt kế hoạch trồng sắn nguyên liệu trong vụ tiếp theo.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, niên vụ 2021 - 2022, diện tích sắn nguyên liệu ổn định phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn là 11.104 ha, trong đó vùng Tây Nam của tỉnh có hơn 4.000 ha. Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Trong thời gian tới, để ổn định, duy trì diện tích vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân, các địa phương liên quan cần chú trọng tới các biện pháp thâm canh cây sắn như: chọn giống tốt, sạch bệnh, trồng đúng thời vụ, tăng cường cải tạo đất. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống nước tưới, điện sản xuất, cải tạo phục hóa đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thâm canh sắn. Nâng cao vai trò chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả phương án, kế hoạch sản xuất sắn, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất cung ứng dịch vụ... Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng của cây sắn, góp phần cải thiện hơn nữa đời sống nông dân vùng Tây Nam của tỉnh.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]